Ngoài những biện pháp xử lý ao nuôi thủ công để bảo vệ tôm trong mùa mưa, nhiều nông dân trên địa bàn tỉnh đã áp dụng khoa học, công nghệ vào nuôi trồng để giảm nguy cơ dịch bệnh, tăng hiệu quả sản xuất.
Theo ông Huỳnh Văn Thuyết, Giám đốc Hợp tác xã Chợ Bến, xã An Ngãi, huyện Long Điền - một hợp tác xã chuyên nuôi tôm công nghệ cao trong hệ thống nhà màng cho biết nhờ nuôi tôm công nghệ cao nên lợi nhuận cũng tăng gấp nhiều lần so với cách nuôi truyền thống.
Hiện Hợp tác xã Chợ Bến đang canh tác 3ha; trong đó, có 8 ao nuôi tôm thẻ chân trắng với diện tích 1.000m2/ao; 1 ao ương tôm; diện tích còn lại dùng làm ao lắng để bơm nước ra vào mỗi ngày.
Hiện nay, nhờ ứng dụng công nghệ cao vào nuôi trồng thủy sản, Hợp tác xã Chợ Bến nuôi được 3 vụ tôm; trung bình mỗi ao nuôi thu hoạch từ 2-2,5 tấn tôm.
Ông Huỳnh Văn Thuyết cho biết hợp tác xã đã liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm với mô hình nuôi tôm an toàn sinh học “CP.Biotic Farming.”
Mô hình này kiểm soát tốt môi trường nước, ngăn ngừa bệnh gây hại cho tôm và thời gian nuôi ngắn, lợi nhuận cao. Sau khi trừ các khoản chi phí đầu tư sản xuất, hợp tác xã đạt lợi nhuận của vụ tôm đầu tiên 30% trên tổng doanh thu.
Còn ông Nguyễn Kim Chuyên, Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp Quyết Thắng, phường Long Hương, thành phố Bà Rịa chia sẻ nếu nuôi theo phương pháp truyền thống thì gặp rủi ro, bất lợi rất lớn từ dịch bệnh nhất là trong mùa mưa khi mà độ mặn và độ pH trong môi trường nước giảm mạnh, các loại tảo có lợi trong nước bị tiêu diệt, các loại tảo bất lợi sẽ gia tăng khiến tôm nuôi bị chậm lớn, thậm chí là chết. Nhưng với mô hình nuôi công nghệ cao đã loại bỏ được các yếu tố nguy cơ về dịch bệnh, giúp an toàn khi nuôi và giảm rủi ro.
Với phương pháp nuôi theo công nghệ cao, môi trường nước được kiểm soát chặt chẽ, nguồn nước được xử lý đảm bảo và được tuần hoàn và khép kín, quá trình nuôi ít chịu ảnh hưởng bởi các yếu tố thời tiết, nên có thể thả con giống quanh năm và không bị lệ thuộc khung lịch mùa vụ.
Do không bị ảnh hưởng khi thời tiết chuyển mùa, thay đổi nên lợi nhuận thu được từ cách nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao cũng cao hơn từ 2-3 lần so với nuôi tôm thông thường, có thể lên đến 150-200 triệu đồng/1.000m2/vụ.
Nhờ nuôi tôm công nghệ cao, hiện nay mỗi năm Hợp tác xã Nông nghiệp Quyết Thắng đang nuôi được 5 vụ tôm, hợp tác xã cũng đã chủ động được việc ươm giống tôm nuôi. Với mật độ nuôi hiện nay là 250 con/m2 tôm nuôi của hợp tác xã lớn nhanh chỉ gần 3 tháng nuôi là có thể xuất bán, tôm nuôi được đảm bảo an toàn.
Với mật độ này mỗi một ao farm nuôi 1.000 m2 hợp tác xã thu khoảng trên 15 tấn tôm/vụ. Nhờ nuôi công nghệ cao nên mùa mưa lại là mùa nuôi chính của Hợp tác xã Nông nghiệp Quyết Thắng.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, tổng sản lượng tôm nuôi 6 tháng đầu năm đạt hơn 4.000 tấn; trong đó, tôm thẻ chân trắng chiếm gần 80%.
Hàng tháng, Sở đều thu mẫu nước quan trắc và cảnh báo môi trường vùng nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh cho bà con đối với các chỉ tiêu nằm ngoài giới hạn cho phép, cũng như hướng dẫn các giải pháp phòng, chống dịch bệnh, định hướng nuôi trồng thủy sản.
Hiện trên địa bàn tỉnh có 23 tổ chức, cá nhân nuôi trồng thủy sản và sản xuất giống ứng dụng công nghệ cao với tổng diện tích khoảng hơn 429 ha (tăng 17,15ha so với năm trước); trong đó, có 21 cơ sở, doanh nghiệp nuôi tôm thẻ chân trắng ứng dụng công nghệ cao với diện tích 417,31ha.
Hình thức nuôi chủ yếu là nuôi trong ao nổi, hồ tròn lót bạt có mái che, nuôi trong nhà màng, nhà kín với mật độ nuôi 250-500 con/m2, sản lượng đạt từ 30-50 tấn/ha/vụ.
Môi trường nước ao nuôi được kiểm soát chặt chẽ, nguồn nước tuần hoàn khép kín, quá trình nuôi ít chịu ảnh hưởng bởi các yếu tố thời tiết, có khả năng kiểm soát dịch bệnh và môi trường tốt. Do đó, các cơ sở nuôi tôm từ 3-4 vụ/năm.
Theo ngành nông nghiệp, vào mùa mưa, những vùng nuôi tôm bán thâm canh, thâm canh, người nuôi cần kiểm tra hoạt động của tôm và môi trường nước trước và sau mưa để có biện pháp xử lý kịp thời. Việc xử lý ao nuôi cũng đòi hỏi người nuôi phải chú trọng, trước mùa mưa, đối với ao, đìa, nạo vét kênh mương, đặt ống xả tràn, phát quang cành cây quanh bờ ao.
Đồng thời gia cố bờ ao, đầm, các công trình phụ trợ tại cơ sở đảm bảo an toàn khi mưa, bão đến. Còn sau mưa lũ, người nuôi cần xả bớt nước trên tầng mặt để giảm bớt lượng nước mưa trong ao, tiến hành chạy máy quạt nước, sục khí nhằm hạn chế sự phân tầng nước đối với những ao nuôi thâm canh có mật độ cao.
Ngành nông nghiệp khuyến cáo bà con nên thả nuôi tôm ở mật độ thưa, cải tạo ao nuôi, chủ động các biện pháp phòng và trị bệnh cho tôm nuôi như sử dụng vi sinh định kỳ 10-15 ngày/lần, hạn chế thay nước. Khi trời chuyển mưa thì bón vôi theo bờ ao, kiểm tra các yếu tố môi trường ao nuôi, kịp thời điều chỉnh cho phù hợp./.
Cà Mau tập trung phát triển ngành nuôi tôm theo hướng hiện đại, bền vững
Tỉnh đã tăng cường xây dựng các vùng nuôi đạt chứng nhận theo tiêu chuẩn quốc tế; cải tiến quy trình nuôi tôm thâm canh, phát triển mô hình nuôi ứng dụng công nghệ cao để nâng cao giá trị tôm Cà Mau.