Ba yếu tố tác động đến phát triển kinh tế châu Phi hậu COVID-19

Tổng thống Rwanda Paul Kagame đánh giá các nước châu Phi có thể phải trả giá bằng "một hay nhiều thế hệ" để phục hồi sau đại dịch COVID-19.
Ba yếu tố tác động đến phát triển kinh tế châu Phi hậu COVID-19 ảnh 1Người dân xếp hàng chờ nhận thực phẩm và hàng hóa cứu trợ tại Johannesburg, Nam Phi trong bối cảnh dịch COVID-19 lan rộng. (Ảnh: THX/TTXVN)

Trang mạng Diễn đàn Kinh tế Thế giới (weforum.org) mới đây đăng bài phân tích của Martyn Davies - Giám đốc Điều hành Phụ trách châu Phi và các thị trường mới nổi của Tập đoàn Deloitte & Touche (một trong 4 tập đoàn về kiểm toán lớn nhất thế giới) - về ba yếu tố tác động chính đối với chiều hướng phát triển kinh tế châu Phi hậu đại dịch COVID-19.

Theo bài viết, hiện vẫn còn quá sớm để nhận định nền kinh tế toàn cầu đang bước vào giai đoạn phục hồi sau những thiệt hại về kinh tế do đại dịch COVID-19 gây ra.

Tuy nhiên, đang nổi lên 3 xu hướng lớn sẽ định hình tương lai kinh tế của châu Phi, cũng như một trật tự thế giới mới.

Thứ nhất, quá trình phi toàn cầu hóa

Sự hội tụ của thế giới đang biến động nhanh chóng và chuyển hướng một cách đáng báo động. Các chỉ số gián tiếp dễ nhận biết là khối lượng di chuyển và vận chuyển hàng không gần như sụp đổ do tình trạng phong tỏa và các lệnh hạn chế đi lại.

Trong bối cảnh tình trạng phong tỏa toàn cầu tác động đến các quốc gia chiếm hơn 80% GDP toàn cầu, Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) gần đây đã cảnh báo trong trường hợp xấu nhất, trao đổi thương mại có thể sụt giảm 1/3 trong năm nay.

Ngay cả trong kịch bản lạc quan nhất, WTO dự báo thương mại có thể giảm 13% trong năm 2020 - mức giảm sâu tương đương được ghi nhận vào năm 2009 sau cuộc khủng hoảng tài chính.

[Đại dịch COVID-19 đe dọa gần 20 triệu việc làm ở châu Phi]

Cú sốc về cầu đang bị trầm trọng thêm bởi chủ nghĩa bảo hộ. Rõ ràng, các nước không tích cực thúc đẩy thương mại tự do hóa và tìm kiếm sự an ủi kinh tế thông qua chủ nghĩa bảo hộ. Thật không may, chủ nghĩa đa phương không phải là vấn đề ưu tiên hiện nay.

Những bất đồng thương mại ngày càng tăng sẽ dẫn đến sự phân cực thương mại gia tăng, đặc biệt nhằm vào Trung Quốc và chính cường quốc châu Á này nhiều khả năng cũng sẽ đáp trả theo hướng tương tự.

Thế giới có thể chứng kiến sự xói mòn nhanh chóng các nguyên tắc thương mại tự do và điều đó có thể trì hoãn sự phục hồi kinh tế toàn cầu.

Một xu hướng đáng chú ý khác là tầm quan trọng ngày một tăng của châu Á với tư cách là một khối thương mại trong đó Trung Quốc giữ vai trò trung tâm. Nhu cầu về hàng hóa của Trung Quốc phục vụ cả triển khai cơ sở hạ tầng và ngành công nghiệp nước này sẽ dẫn đến các tác động địa-kinh tế chiến lược đối với các nước đang phát triển vốn có nguồn nguyên nhiên liệu thô là hàng xuất khẩu chính.

Do chưa có ảnh hưởng quyết định đối với các điều khoản thương mại toàn cầu, các nền kinh tế châu Phi có nguy cơ bị thiệt hại nhiều hơn trước những xu hướng vĩ mô này. Một trở ngại khác là Liên minh châu Phi (AU) đã quyết định hoãn việc triển khai Khu vực thương mại tự do lục địa châu Phi (AfCFTA) vào năm 2021.

Trước đó, giới quan sát kỳ vọng thông qua việc giảm các rào cản thương mại, triển vọng kinh tế của lục địa hơn 1,3 tỷ dân với Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) là 2.500 tỷ USD này - gần giống với quy mô của Ấn Độ - sẽ nhận được cú huých mạnh mẽ.

Trước đó, Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ (USTR) tính toán rằng nếu châu Phi có thể tăng tỷ trọng thương mại toàn cầu từ 2% lên 3% thì mức tăng 1% sẽ tạo ra thu nhập bổ sung khoảng 70 tỷ USD/năm cho lục địa này.

Châu Phi hầu như không thể làm gì để đối phó với các lực lượng toàn cầu đang ngả theo xu hướng phi toàn cầu hóa, nhưng chính lục địa này có thể thúc đẩy chủ nghĩa khu vực tự lực tự cường thông qua thúc đẩy thương mại nội khối.

Thúc đẩy tự do hóa thương mại một cách tích cực, gần như ngược xu hướng để khuyến khích các khu vực tăng trưởng mới có thể sẽ là biện pháp ứng phó thực tế đối với sự sụt giảm thương mại toàn cầu, đồng thời có thể thúc đẩy các công ty đa quốc gia đầu tư vào châu Phi.

Thứ hai, nợ và sự bền vững tài khóa của các quốc gia

Trong những tháng gần đây, tình trạng thoái vốn khỏi các nền kinh tế mới nổi xuất hiện ồ ạt, tạo ra lỗ hổng sâu rộng ở các nước đang phát triển. Đối mặt với thâm hụt tài khóa gia tăng, hơn 100 quốc gia đã đệ đơn lên Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đề nghị hỗ trợ khẩn cấp.

Ngoài ra, Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) đã kêu gọi các chủ nợ quốc gia song phương thực hiện hoãn nợ đối với các nước châu Phi đang có mức nợ cao.

Tuy nhiên, các chủ nợ tư nhân ít công khai xuất hiện hơn và lựa chọn xem xét các khoản nợ dựa theo từng trường hợp cụ thể. Các tổ chức tài chính đa phương cần khẩn trương phản ứng nhằm làm giảm bớt tình hình tài chính đặc biệt khó khăn ở nhiều nước châu Phi.

Trong hơn thập kỷ qua, các ngân hàng được coi là "ngân hàng chính sách" của Trung Quốc đã và đang trở thành bên cho vay diện rộng đối với các nước châu Phi và đang thuộc danh sách những chủ nợ lớn nhất của lục địa này.

Giới quan sát cho rằng các chủ nợ phương Tây và Trung Quốc sẽ ngày càng chính trị hóa các khoản nợ của châu Phi.

Điều quan trọng nhất là các quốc gia châu Phi chỉ có thể khắc phục gánh nặng nợ nần tăng trưởng thông qua thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong nước. Do đó, các nền kinh tế mới nổi đầy tham vọng của châu Phi phải thực hiện cải cách cơ cấu thực sự nhằm mở khóa tăng trưởng và tăng cường khả năng cạnh tranh trong dài hạn. Đây cũng là yêu cầu để đối phó với khủng hoảng COVID-19.

Thứ ba, quá trình số hóa

COVID-19 đang đóng vai trò là nhân tố thúc đẩy áp dụng các công nghệ kỹ thuật số, bởi các công ty đang tìm cách tăng cường khả năng cạnh tranh thông qua cắt giảm nhân công và giảm chi phí hoạt động so với trước đó.

Yêu cầu làm việc từ xa có thể tác động đến nhiều nền kinh tế vốn chưa sẵn sàng cho sự thay đổi nhanh chóng của công nghệ và hành vi của con người. Điều đó có thể trì hoãn sự phục hồi kinh tế ở nhiều nước châu Phi đang phát triển.

Tuy nhiên, cũng có một số trường hợp ngoại lệ. Rwanda đang tìm cách biến nước này trở thành nền kinh tế dịch vụ dựa trên công nghệ, có khả năng tận dụng đổi mới sáng tạo tốt hơn hậu COVID.

Cuộc khủng hoảng hiện tại sẽ để lại những dấu ấn lâu dài trong một trật tự thế giới mới đầy thách thức. Rõ ràng, cuộc khủng hoảng bộc lộ sự mong manh của các mô hình tăng trưởng ở các nước đang phát triển và đe dọa làm sâu sắc thêm sự phân chia giữa các nền kinh tế tiên tiến và khu vực phía Nam Bán Cầu.

Tổng thống Rwanda Paul Kagame đánh giá các nước châu Phi có thể phải trả giá bằng "một hay nhiều thế hệ" để phục hồi sau đại dịch.

Trong những tháng tiếp theo, làm thế nào các quốc gia châu Phi có thể ứng phó và thích nghi với các yếu tố gây bất ổn này sẽ có ý nghĩa quan trọng đối với các nền kinh tế và xã hội tương lai của lục địa.

Tương lai dường như là một trong những sự khác biệt ngày càng tăng giữa thế giới tiên tiến và thế giới đang phát triển. Hơn bao giờ hết, khả năng đối phó và thích ứng với khủng hoảng sẽ đòi hỏi sự thay đổi trong nhiều hệ thống chính trị trì trệ ở các nước châu Phi.

Nếu sự thay đổi này không diễn ra, sẽ không thể có được những cải cách cơ cấu và tăng trưởng bao trùm ở châu Phi./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục