Bắc Ninh: Công bố tình huống khẩn cấp về thiên tai với sự cố sạt lở đê hữu Cầu

Khu vực bờ sông đoạn từ K49+750:K49+800 đê hữu Cầu, phường Vạn An, thành phố Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh đã bị sạt lở nghiêm trọng, đe dọa tính mạng và tài sản của nhân dân.

Sạt lở nghiêm trọng bờ sông ảnh hưởng đến đời sống nhân dân. (Ảnh: Thanh Thương/TTXVN)
Sạt lở nghiêm trọng bờ sông ảnh hưởng đến đời sống nhân dân. (Ảnh: Thanh Thương/TTXVN)

Ngày 20/3, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Hương Giang quyết định công bố tình huống khẩn cấp về thiên tai làm sạt lở bờ sông đoạn từ K49 +750 : K49+ 800 đê hữu Cầu, phường Vạn An, thành phố Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh.

Trước đó, ngày 3/3/2024 tại khu vực bờ sông đoạn từ K49+750 : K49+800 đê hữu Cầu, phường Vạn An, thành phố Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh xảy ra sự cố.

Ban đầu, tại khu vực này xuất hiện một số vết nứt nhỏ và có xu hướng phát triển thêm, đến ngày 8/3, khu vực sạt có chiều dài 50m, ăn sâu vào bãi sông từ 5 đến 10m đã làm sạt toàn bộ công trình phụ của 3 hộ dân tại khu vực này xuống sông.

Ngày 14/3/2024 sự cố tiếp tục phát triển và làm sạt lở thêm toàn bộ 1 nhà dân hai tầng thuộc khu dân cư Vạn Phúc, phường Vạn An, thành phố Bắc Ninh. Qua theo dõi sự cố cho thấy khu vực nhà sát với nhà 2 tầng bị sạt lở tiếp tục xuất hiện các vết nứt gây nguy cơ sạt lở bất kỳ thời điểm nào.

Phạm vi ảnh hưởng gồm toàn bộ khu Vạn Phúc, phường Vạn An phía sông là khu vực dân cư đông đúc tồn tại từ lâu tương ứng vị trí từ K48+800 : K49+900 đê hữu Cầu.

Phía bên bờ tả thuộc địa phận tỉnh Bắc Giang là khu dân cư sinh sống lâu đời, hiện nhân dân địa phương xây dựng nhiều công trình kiên cố, đổ rác thải, phế thải xây dựng lấn chiếm dòng chảy, kết hợp đoạn từ K49+300 đến K49+800 là điểm bắt đầu của tuyến sông cong về địa phận tỉnh Bắc Ninh nên sự biến đổi dòng chảy tại khu vực này trong những năm gần đây đều rất mạnh gây ra sạt trượt tại nhiều vị trí.

Điển hình đợt tháng 10/2023 đã xảy ra sạt trượt tại K49+300 và hiện nay xảy ra tại đoạn từ K49+750 :÷ K49+800 đê hữu Cầu với chiều dài khoảng 50m làm 7 hộ dân phải di chuyển người, tài sản ra khu vực an toàn.

Qua theo dõi cho thấy hiện tượng lún, nứt tiếp tục phát triển. Khu vực có công trình nhà 2 tầng bị sạt đã làm lấn chiếm dòng chảy.

Ủy ban Nhân dân tỉnh, Ban chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh đã chỉ đạo trục vớt tạo thông thoáng dòng chảy.

Ủy ban Nhân dân tỉnh Bắc Ninh xác định các biện pháp khẩn cấp cần áp dụng để ứng phó và khắc phục hậu quả nhằm ngăn chặn, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do sự cố công trình gây ra.

Đồng thời, tỉnh tiếp tục theo dõi sát diễn biến sạt lở để tiếp tục di dời người và tài sản đến nơi an toàn khi sự cố phát triển; xây dựng phương án di dân trước mắt để đảm bảo các gia đình phải di dời có nơi ăn, ở sinh hoạt ổn định.

Bên cạnh đó, địa phương cắm biển cảnh báo, phao báo hiệu tại vị trí công trình nhà bị sập xuống lòng sông để cảnh báo các phương tiện thủy đi lại trên sông; chuẩn bị đầy đủ vật tư, nhân lực, trang thiết bị cần thiết để có thể huy động xử lý nếu sự cố phát triển thêm ảnh hưởng trực tiếp đến an toàn của khu dân cư và an toàn đê điều.

Tỉnh tổ chức cắm cọc tiêu, mốc để quan trắc, lập sổ theo dõi chặt chẽ diễn biến sạt trượt.

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bắc Ninh Giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Cơ quan thường trực Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh) phối hợp với Ủy ban Nhân dân thành phố Bắc Ninh rà soát các khu vực lân cận có nguy cơ sạt lở cao để cảnh báo người dân biết và có phương án di dời người và tài sản.

Đồng thời, chỉ đạo Chi cục Thủy lợi phối hợp chặt chẽ với Ủy ban Nhân dân thành phố Bắc Ninh trong việc theo dõi diễn biến sự cố, tổ chức xử lý giờ đầu theo phương châm "4 tại chỗ." Cùng đó, theo dõi, tổng hợp, báo cáo tình hình thiệt hại do thiên tai gây ra theo quy định.

Bên cạnh đó, Công an tỉnh, Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh chủ động rà soát, chuẩn bị các loại máy móc, thiết bị, nhân lực, phương tiện hiện có để huy động xử lý sự cố, giúp nhân dân sơ tán con người, tài sản khi có cần thiết./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục