BAE đạt thỏa thuận giá bán máy bay cho Saudi Arabia

Tập đoàn công nghiệp quốc phòng Anh (BAE) đã đạt thỏa thuận với Saudi Arabia về giá bán máy bay tiêm kích đa năng thế hệ bốn ''Eurofighter Typhoon''.

Ngày 19/2, tập đoàn công nghiệp quốc phòng Anh BAE đã đạt được thỏa thuận với Saudi Arabia về giá bán máy bay tiêm kích đa năng thế hệ bốn ''Eurofighter Typhoon'' (Chiến binh châu Âu - Cuồng phong).

Đây được coi là một thắng lợi quan trọng, giúp BAE đảm bảo việc làm cho 5.000 nhân viên và góp phần thúc đẩy tăng trưởng của ngành công nghiệp quốc phòng Anh.

Năm 2007, Saudi Arabia đã ký hợp đồng với BAE để mua 72 máy bay tiêm kích Eurofighter Typhoon trị giá 4,4 tỷ bảng (khoảng hơn 7 tỷ USD).

Sau đó, hai bên đã nhất trí mở rộng thỏa thuận với việc hỗ trợ kỹ thuật và các loại máy bay được nâng cấp.

Trải qua nhiều cuộc đàm phán căng thẳng, có lúc tưởng như lâm vào bế tắc, BAE và Saudi Arabia đã thống nhất về việc điều chỉnh giá thành của hợp đồng.

BAE từ chối cho biết mức giá cuối cùng, nhưng theo Tổng Giám đốc Ian King, ''đó là một thỏa thuận hợp lý được tất cả các bên chấp nhận.''

Tập đoàn công nghiệp quốc phòng lớn nhất nước Anh thời gian qua đã hướng đến những thị trường mới nổi ở Trung Đông để khắc phục khó khăn nảy sinh do nhu cầu ở châu Âu và Mỹ giảm.

Việc các nước châu Âu cắt giảm ngân sách quốc phòng và kế hoạch rút quân chiến đấu khỏi Afghanistan mà Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đang triển khai đã ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động sản xuất - kinh doanh của BAE.

Nhà phân tích cấp cao Ben Moores thuộc hãng tư vấn quốc phòng IHS cho rằng nếu BAE không đạt được thỏa thuận với Saudi Arabia, Anh sẽ bị ''đánh bật'' khỏi danh sách 10 nước xuất khẩu vũ khí lớn nhất thế giới.

Theo IHS, hiện Anh chiếm khoảng 6% thị phần của thị trường xuất khẩu vũ khí thế giới trị giá khoảng 63 tỷ USD.

Với doanh thu hàng năm đạt 3,9 tỷ USD, Anh xếp sau Mỹ, Nga và Pháp.

''Anh hoàn toàn có thể bị tụt hậu về năng lực sản xuất - chế tạo máy bay chiến đấu, thậm chí nhà máy của BAE ở Warton (tỉnh Lancashire) sẽ phải đóng cửa, nếu thỏa thuận với Saudi Arabia đổ vỡ,'' ông Moores nói.

Hai tháng trước, BAE tuyên bố đóng cửa xưởng đóng tàu ở Portsmouth, khiến 940 lao động bị mất việc. Vì vậy, việc đạt được thỏa thuận với Saudi Arabia sẽ tạo động lực mới cho BAE nói riêng và ngành công nghiệp quốc phòng Anh nói chung.

Đặc biệt, đây còn là tin tốt lành đối với Thủ tướng Anh David Cameron.

Hậu thuẫn mạnh mẽ cho các tập đoàn quốc phòng Anh, ông Cameron thường xuyên tới thăm các quốc gia vùng Vịnh để thúc đẩy những hợp đồng mua bán vũ khí.

Ông từng hai lần đến dự triển lãm hàng không ở Dubai nhằm tìm kiếm đột phá trong đàm phán giữa BAE với Saudi Arabia và Các tiểu vương quốc Arabia Thống nhất (UAE).

Eurofighter Typhoon là sản phẩm chung do liên doanh giữa BAE, Tập đoàn Công nghiệp Hàng không và Quốc phòng châu Âu (EADS) và Tập đoàn Finmeccanica của Italia phối hợp nghiên cứu và phát triển.

BAE phụ trách sản xuất phần thân trước, cánh mũi, vòm kính buồng lái, khung lưng, cánh thăng bằng đuôi, cánh lái trong và phần thân sau.

Hiện Eurofighter Typhoon vẫn được coi là một trong những tiêm kích đa năng hiện đại nhất thế giới./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục