Bài 1: Mặt trận Quảng Trị góp phần giành ưu thế trên bàn đàm phán

50 năm ký kết Hiệp định Paris: Nhìn từ mặt trận Quảng Trị

Phóng viên thực hiện 2 bài viết về "Hiệp định Paris nhìn từ mặt trận Quảng Trị," trong đó khẳng định cuộc chiến đấu 81 ngày đêm bảo vệ Thành cổ Quảng Trị góp phần vào thắng lợi của Hội nghị Paris.
50 năm ký kết Hiệp định Paris: Nhìn từ mặt trận Quảng Trị ảnh 1Lễ ký Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam, ngày 27/1/1973, tại Trung tâm Hội nghị quốc tế ở Paris, Pháp. (Ảnh: Văn Lượng/TTXVN)

Với thắng lợi Hiệp định Paris ngày 27/1/1973 về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam, quân và dân ta đã “đánh cho Mỹ cút” mở ra một giai đoạn mới để “đánh cho ngụy nhào” và là tiền đề để tiến lên giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước vào mùa Xuân năm 1975.

Hiệp định Paris là một thắng lợi vẻ vang trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước; trong đó mặt trận Quảng Trị góp phần trực tiếp vào thắng lợi này.

Nhân kỷ niệm 50 năm ngày ký Hiệp định Paris (27/1/1973-27/1/2023), phóng viên Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) thực hiện 2 bài viết với chủ đề: "Hiệp định Paris nhìn từ mặt trận Quảng Trị."

Bài 1: Góp phần giành ưu thế trên bàn đàm phán

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, mặt trận Quảng Trị có những cuộc tiến công địch ghi đậm dấu ấn như: Chiến dịch Đường 9-Khe Sanh 1968, Chiến dịch Đường 9-Nam Lào 1971 cùng với các địa danh: Cồn Tiên- Dốc Miếu, cầu Hiền Lương-sông Bến Hải, Địa đạo Vịnh Mốc. Cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại của dân tộc cũng không thể không nhắc đến Chiến dịch Trị-Thiên giải phóng Quảng Trị 1972 và cuộc chiến đấu 81 ngày đêm bảo vệ Thành cổ Quảng Trị từ ngày 28/6-16/9/1972.

Chiến dịch Trị-Thiên giải phóng tỉnh Quảng Trị bắt đầu từ ngày 30/3-1/5/1972 và chia làm 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 từ ngày 30/3-2/4/1972, các đơn vị bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương ở mặt trận Quảng Trị đã tiến công hợp đồng binh chủng với quy mô lớn, dồn dập tiến đánh địch ở hàng loạt cứ điểm quan trọng và giải phóng hai huyện Gio Linh, Cam Lộ.

Giai đoạn 2 từ ngày 27/4-1/5/1972, các lực lượng của ta tổng công kích vào các cứ điểm phòng ngự và co cụm của địch, giải phóng toàn bộ khu vực Đông Hà-Lai Phước và huyện Triệu Phong.

Trong chiến dịch này, quân và dân ta đã quét sạch hệ thống phòng ngự kiên cố nhất và đập tan bộ máy kìm kẹp của Mỹ-ngụy; giải phóng tỉnh Quảng Trị ngày 1/5/1972. Quảng Trị là tỉnh đầu tiên của miền Nam Việt Nam được giải phóng.

50 năm ký kết Hiệp định Paris: Nhìn từ mặt trận Quảng Trị ảnh 2Các chiến sỹ giải phóng dũng cảm đánh phá đồn địch trên điểm cao 365, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị. (Ảnh: Tư liệu TTXVN)

Sau thất bại trong chiến dịch Trị-Thiên giải phóng Quảng Trị 1972, Mỹ-ngụy âm mưu tái chiếm Thành cổ Quảng Trị để có lợi thế trên bàn đàm phán tại Hội nghị Paris. Quân và dân ta cũng quyết tâm giữ Thành cổ Quảng Trị, để cùng với thắng lợi ở các mặt trận khác trên cả nước, buộc Mỹ phải ký Hiệp định Paris.

Trong cuộc chiến đấu này, Thành cổ Quảng Trị đã phải hứng chịu 328.000 tấn bom đạn, tương đương sức công phá của 7 quả bom nguyên tử Mỹ đã ném xuống Hirosima của Nhật Bản năm 1945. Tuy nhiên, âm mưu và bom đạn của kẻ thù không thể khuất phục được ý chí của quân và dân ta.

Về cuộc chiến đấu 81 ngày đêm bảo vệ Thành cổ Quảng Trị, Tổng Bí thư Lê Duẩn đã viết: “Chúng ta đã chịu đựng không phải vì chúng ta là gang thép, vì gang thép cũng chảy với bom đạn của chúng. Mà chính chúng ta là những con người, những con người thật sự-những con người Việt Nam với truyền thống 4.000 năm lịch sử đã giác ngộ sâu sắc trách nhiệm trọng đại trước Tổ quốc, trước thời đại."

Cuộc chiến đấu 81 ngày đêm bảo vệ Thành cổ Quảng Trị vào “mùa Hè đỏ lửa” năm 1972, cùng với thắng lợi của quân và dân ta đánh bại hoàn toàn cuộc tập kích chiến lược bằng đường không chưa từng có của Mỹ, làm nên Chiến thắng “Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không” vào tháng 12/1972 đã buộc Mỹ phải ký kết Hiệp định Paris ngày 27/1/1973.

[50 năm ký Hiệp định Paris: Xúc động chương trình 'Dấu mốc hòa bình']

Trong Hồi ký “Gia đình, bạn bè và đất nước," nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình, nguyên Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, Trưởng Đoàn đàm phán của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam tại Hội nghị Paris viết: “Ở Paris chúng tôi hàng giờ hướng về Quảng Trị, đặc biệt về cuộc chiến đấu ở Thành cổ nổi tiếng. Không có tin tức cụ thể kịp thời nhưng những gì được thông báo làm nhói tim chúng tôi. Chúng tôi biết các chiến sỹ của chúng ta rất trẻ. Họ hiểu cuộc giành đất ở đây là giành lại độc lập, tự do cho Tổ quốc. Và họ sẵn sàng hy sinh. 81 ngày đêm khốc liệt, quân ta không giữ được Thành cổ nhưng tinh thần kiên cường chiến đấu của các chiến sỹ là thể hiện quyết tâm không gì lay chuyển nổi của cả dân tộc. Và ở Paris chúng tôi hiểu chính tinh thần đó đã góp phần quan trọng vào cuộc đấu tranh của chúng tôi trên bàn hội nghị."

Trung tá Nguyễn Hữu Ý (xã Triệu Long, huyện Triệu Phong), nguyên Trưởng ban Trinh sát Tỉnh đội Quảng Trị nhận định thắng lợi của ta trong Chiến dịch Trị-Thiên giải phóng Quảng Trị năm 1972 và cuộc chiến đấu 81 ngày đêm bảo vệ Thành cổ Quảng Trị đã khiến Mỹ-ngụy tổn thất nặng nề; đồng thời vừa tạo thế và lực mới cho ta trên chiến trường miền Nam, vừa góp phần vào thắng lợi trong cuộc đấu tranh trên mặt trận ngoại giao tại Hội nghị Paris.

50 năm ký kết Hiệp định Paris: Nhìn từ mặt trận Quảng Trị ảnh 3Bộ trưởng Ngoại giao Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam Nguyễn Thị Bình ký văn kiện Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam, ngày 27/1/1973, tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế ở thủ đô Paris, Pháp. (Ảnh: Văn Lượng/TTXVN)

Theo Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Đình Lê, Khoa Lịch sử thuộc Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội, chiến dịch Trị-Thiên 1972, cuộc chiến đấu 81 ngày đêm bảo vệ Thành cổ Quảng Trị 1972 góp phần trực tiếp vào thắng lợi của cuộc đấu tranh tại Hội nghị Paris. Hiệp định Paris là kết quả trực tiếp của thắng lợi mà quân dân hai miền Nam-Bắc đã giành được trên chiến trường, trong đó chiến thắng ở mặt trận Quảng Trị là biểu tượng rực rỡ nhất trong cuộc tiến công chiến lược năm 1972 ở miền Nam.

Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Văn Nhật, nguyên Viện trưởng Viện Sử học cho rằng việc chiếm giữ Thành cổ Quảng Trị trong suối 81 ngày đêm với sự hy sinh to lớn của bộ đội ta không đơn thuần là cuộc chiếm giữ thành quách như trong lịch sử cổ-trung đại.

Chiếm giữ được Thành cổ Quảng Trị trong những ngày tháng này là giải pháp chính trị và ngoại giao khi Hội nghị Paris đang đến hồi kết, thể hiện sức mạnh về quân sự trên chiến trường, đưa đến ưu thế trên bàn đàm phán ở Hội nghị Paris./.

Bài 2: 50 năm ký Hiệp định Paris: Quảng Trị - điểm đến của hòa bình

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục