Câu chuyện ba mẹ con chết thảm nơi xóm nghèo vùng Đông Bắc

Bài 2: Câu chuyện ba mẹ con chết thảm nơi xóm nghèo vùng Đông Bắc

Đã hơn một tuần sau khi trận lũ lịch sử qua đi nhưng những dấu vết của nó vẫn hiện lên rất rõ trong ánh mắt thảng thốt khắp các xóm nghèo của tỉnh miền Đông Bắc, Quảng Ninh.
Bài 2: Câu chuyện ba mẹ con chết thảm nơi xóm nghèo vùng Đông Bắc ảnh 1Căn nhà hoang tàn, đổ nát sau cơn lũ bùn hung dữ. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Căn phòng nhỏ lặng phắc. Trong không gian chỉ còn nồng lên mùi hương trầm cùng tiếng cầu kinh đều đều phát ra từ chiếc đài nhỏ đặt trên bàn thờ dựng tạm. Những vệt nước vẫn hằn ngấn trên bức tường ẩm thấp và loang lổ bùn đất. Ở mé ngoài, căn nhà hai tầng dựng dở huếch hoác không một bóng người. Từ ngày 3 mẹ con chị Mai Thị Lan mất đi, bầu không khí xóm nghèo Mông Dương vốn xơ xác cũng trở nên cô quạnh.

Đã hơn một tuần sau khi trận lũ lịch sử qua đi nhưng những dấu vết của nó vẫn hiện lên rất rõ trong ánh mắt thảng thốt khắp các xóm nghèo của tỉnh miền Đông Bắc, Quảng Ninh.

Đại tang trên xóm nghèo

Từ mấy hôm nay, ngôi nhà của anh Đỗ Văn Nhiên (tổ 3, khu 9, phường Mông Dương, thành phố Cẩm Phả, Quảng Ninh) vắng lặng không một bóng người. Toàn bộ việc nhang khói cho 3 mẹ con xấu số đều được những người hàng xóm tốt bụng chăm lo, quán xuyến. Anh đưa chị về quê Nam Định an táng vẫn chưa lên.

Ngồi trong căn phòng còn nguyên mùi bùn đất, chị Nguyễn Thị Lan, thím ruột của anh Nhiên nhớ lại: Chiều ngày 26/7, khu vực Mông Dương bắt đầu mưa lớn. Nước ào ạt từ khắp nơi đổ theo triền dốc dội thẳng về cuối xóm. Nước dâng cao, tràn qua khe cửa rồi nước xối thẳng vào từng nhà. Chỉ trong vài tiếng, cả tổ 3 đã dần chìm nghỉm trong biển lũ mênh mông.

“Bữa đó, cháu Nhiên có việc phải ra ngoài nên trong nhà chỉ còn 3 mẹ con,” chị Lan gạt nước mắt ngậm ngùi kể lại.

Thấy mưa lớn, người mẹ trẻ Mai Thị Lan cuống cuồng tìm điện thoại gọi báo với chồng. Phía ngoài cửa, nước đã dâng quá đầu gối người.

Bài 2: Câu chuyện ba mẹ con chết thảm nơi xóm nghèo vùng Đông Bắc ảnh 2Căn nhà đang xây chưa kịp đón người chủ mới giờ chìm trong sự lạnh lẽo. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Nhưng lúc này, toàn bộ con đường dẫn về nhà cũng đều đã trắng trời, trắng lũ. Người thợ mỏ Đỗ Văn Nhiên bất lực, chỉ còn biết dặn vợ đưa hai cháu nhỏ lên tầng nhà đang xây dở phía bên ngoài để tránh lụt.

Mưa mỗi lúc một lớn hơn. Đèn điện tắt ngóm. Cửa ra vào bị dòng nước nén chặt khiến 3 người trong nhà không thể nào thoát ra được. Người mẹ trẻ vừa ôm chặt hai con vào lòng nức nở khóc, vừa cố gắng gọi điện cho tất cả xóm làng gần đó. Những tiếng: Cứu mẹ con cháu cứ chới với mãi không dứt giữa dòng nước lớn.

Mắt đỏ hoe, chị Nguyễn Thị Hường, một hàng xóm gần đó kể lại: “Bữa ấy, cả tôi cũng nhận được điện của Lan, nhưng nhà cũng ngập, mình đang cuống cuồng tìm cách thoát ra nên chẳng thể trở tay kịp.”

Ba mẹ con Lan đã vĩnh viễn không thể thoát ra khỏi căn phòng cấp 4 cũ kỹ ấy. Hàng xóm kể lại: Khi vớt được thi thể những người xấu số, người ta vẫn thấy chị ôm chặt đứa trẻ vào lòng mình…

Đau xót nhất, hai con của chị còn quá nhỏ, cháu lớn Đỗ Ngọc Hà đang chuẩn bị lên lớp 2 trong khi cháu nhỏ Đỗ Thùy Chi thì mới được 5 tuổi. Bản thân chị Lan cũng vừa mới xin được chân nấu ăn cho trường học gần nhà, với hy vọng kiếm thêm đồng ra đồng vào phụ với chồng, nhưng chưa đi làm ngày nào đã gặp nạn.

Một tuần sau thảm họa, những dấu vết của trận lụt kinh hoàng vẫn cứ hằn in rõ nét trong căn phòng nhỏ. Trên bốn bức tường, vệt nước bùn vẫn nhờ nhờ cao ngang ngực người lớn. Sát cửa ra vào, một tấm giấy khen ẩm ướt, nhòe nhoẹt chữ của cháu Hà khiến không ai cầm nổi nước mắt. Cả căn phòng trống huyênh hoang không còn một vật dụng gì có giá trị.

Bài 2: Câu chuyện ba mẹ con chết thảm nơi xóm nghèo vùng Đông Bắc ảnh 3Sát cửa ra vào, nhìn tấm giấy khen ẩm ướt, nhòe nhoẹt chữ của cháu Hà​, không ai cầm nổi nước mắt. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Từ ngày mất đi cả gia đình, anh Nhiên cũng trở nên lặng lẽ hơn. Ngày nào người chồng trẻ ấy cũng chỉ biết ngồi bên bàn thờ người thân và khóc…

Nỗi đau vẫn chưa bao giờ ngừng ở xóm nghèo Mông Dương…

“Giờ tôi biết sống tiếp ra sao?”

Theo thống kê chính thức từ Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh, trong đợt mưa lũ lịch sử cuối tháng 7, đầu tháng 8 vừa qua, toàn tỉnh đã có tới 17 người thiệt mạng. Đáng kể nhất là trường hợp 8 người trong cùng một gia đình tử vong do sự cố sập nhà tại phường Cao Thắng, thành phố Hạ Long.

Mặc dù đã hơn 1 tuần trôi qua, nhưng con đường dẫn vào đồi Tên Lửa nơi 3 căn nhà cùng lúc bị đổ sập trong đêm 26 rạng sáng ngày 27/7 vẫn còn hết sức ngổn ngang. Đất đá từ những quả đồi sát ngay khu dân cư theo nước lũ đổ xuống tràn kín lối đi. Bùn ngập sâu hàng mét, ​lấp ngang cổng dẫn vào nhà.

Bài 2: Câu chuyện ba mẹ con chết thảm nơi xóm nghèo vùng Đông Bắc ảnh 4Đất đá từ những quả đồi sát ngay khu dân cư theo nước lũ đổ xuống tràn kín lối đi. Bùn ngập sâu hàng mét, cao ngang cổng dẫn vào nhà. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Ông Cao Văn Ca, anh trai của Cao Văn Vỹ - nạn nhân duy nhất may mắn sống sót - bàng hoàng kể lại: “Rạng sáng 27, khi đang ngủ thì tôi nhận được điện thoại thông báo 3 căn nhà của mẹ và các em trai trên đồi Tên lửa đã đổ hoàn toàn, khả năng không còn ai sống sót. Hoảng quá, tôi cùng vợ cuống cuồng lao về phía đồi Tên lửa cách đó chừng 1 cây số.”

Lúc này, nước từ khắp ngả đã dồn về khiến toàn bộ con đường dẫn về khu vực hiện trường bị cô lập. Hai vợ chồng ông Ca bất chấp tất cả, lội lũ ngang ngực, vừa đi vừa bơi vào sâu hơn. Lòng hai người nóng như lửa đốt.

Khi tới nơi, ông gần như ngã quỵ. Trên sườn đồi, mới hôm qua vẫn còn 3 căn nhà giờ chỉ còn lại còn là đống đổ nát. Bùn đất, gạch đá, bê tông… lổn nhổn trước mắt.

“Nhà của mẹ tôi và các em nằm cách chân đồi chừng hơn 200m, nhưng lại có một khe nước từ trên cao chạy qua sân. Có thể đêm đó, mưa lớn đã kéo đất đá trượt theo khe nước này làm đổ sập nhà,” ông Diển, mắt đỏ hoe kể lại.

Vào thời điểm khi sự cố xảy ra, 8 người thân của ông Ca đã bị vùi lấp hoàn toàn và không thể trở về, trong đó có cả 4 cháu nhỏ đang chuẩn bị cho năm học mới.

Nằm trong bệnh viện đa khoa tỉnh Bắc Ninh, anh Cao Văn Vỹ vẫn chưa thể tin những gì vừa xảy ra. Anh kể lại: “Khoảng 2 rưỡi sáng, khi đang ngủ thì tôi nghe thấy tiếng đổ rầm rầm. Chưa kịp nhận thức được gì thì cả căn nhà đã đổ đè vùi lên người tôi luôn.”

Đất, đá chèn Vỹ từ cổ đến chân tay không sao cựa quậy được. Nước từ trên khe vẫn ầm ầm đổ xuống vàng đục màu bùn.

May mắn cho anh, vào thời điểm tai nạn Vỹ nằm sấp, phía trước anh có một khoảng trống nơi rãnh nước nhỏ chảy qua nên anh đã úp mặt vào thở để cầm cự. 3 tiếng sau, Vỹ được đưa ra ngoài.

Nằm im lìm trên gường bệnh, anh công nhân nghèo rưng rức. Anh bảo, từ ngày xảy ra sự cố, chưa đêm nào anh ngủ ngon. Cứ nhắm mắt, hình ảnh người thân, vợ, con lại hiện về. Những tiếng thét trong đêm 27/7 vẫn cứ ám ảnh mãi không thôi.

Bài 2: Câu chuyện ba mẹ con chết thảm nơi xóm nghèo vùng Đông Bắc ảnh 5Nằm im lìm trên gường bệnh, anh công nhân nghèo rưng rức. Anh bảo, từ ngày xảy ra sự cố, chưa đêm nào anh ngủ ngon. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

“Vậy là mất hết anh ạ. Người cũng mất hết cả rồi, giờ thì tôi biết sống tiếp làm sao?”

Trong những ngày này tại Quảng Ninh, câu hỏi của Vỹ cũng là câu hỏi của rất nhiều con người, rất nhiều số phận đã bị vỡ ra sau lũ dữ. Những người còn may mắn sống sót đang gánh nặng trên vai mình quá nhiều ám ảnh, quá nhiều nỗi đau. Trong một khoảnh khắc, chúng tôi bỗng hình dung: Quảng Ninh giờ phút này, như một con người, đang bị tổn thương ở rất nhiều bộ phận. Hơn lúc nào hết, Quảng Ninh cần sự chung tay giúp sức từ cộng đồng…

Ngay tại chân khu vực đồi Tên Lửa nơi xảy ra sự cố sập 3 căn nhà khiến 8 nạn nhân tử vong hiện còn có 2 hộ gia đình khác sinh sống. Hiện tại, lượng đất đá từ ba căn nhà sập cùng với hàng trăm mét khối đất từ phía đồi hai bên hông đang đe dọa đổ xuống bất cứ lúc nào. Tính mạng, tài sản của 7 người khác cũng đang bị đe dọa nghiêm trọng.

Bài 3: Nỗi ám ảnh ngọn đồi đổ sập giữa lòng Hạ Long

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục