Bài 2: Chuyện về người lính hy sinh khi đấu tranh với tội phạm ma túy

Khi bị truy bắt, hai tên tội phạm ma túy bỏ chạy và điên cuồng nhả đạn vào anh Lù Công Thắng - trợ lý trinh sát Phòng phòng, chống ma túy và tội phạm-Bộ đội Biên phòng Sơn La khiến anh hy sinh.
Bài 2: Chuyện về người lính hy sinh khi đấu tranh với tội phạm ma túy ảnh 1Cán bộ, chiến sỹ Đội phòng, chống ma túy Đồn biên phòng Chiềng On (Biên phòng Sơn La) trên đường tuần tra biên giới. (Ảnh: Trọng Đức/TTXVN)

Trong ngôi nhà ấm cúng, yên tĩnh được dựng xây bằng nghĩa đồng chí, tình đồng đội tại phường Chiềng An, thành phố Sơn La, Đại úy Tòng Thị Khong lặng lẽ đứng trước ban thờ chồng.

Trên ban thờ, những nén hương cháy đỏ trước di ảnh Đại úy, liệt sỹ Lù Công Thắng, trợ lý trinh sát Phòng phòng, chống ma túy và tội phạm-Bộ đội Biên phòng Sơn La.

Anh Thắng hy sinh năm 2010 trong một chuyên án đấu tranh với tội phạm ma túy trên tuyến biên giới Sơn La.

Nhìn di ảnh của chồng, đôi mắt người phụ nữ dân tộc Thái đỏ hoe. Chị Tòng Thị Khong kể anh chị quen nhau khi anh Lù Công Thắng đang học năm cuối Trường Đại học Biên phòng, nay là Học viện Biên phòng.

Năm 2003, hai người nên duyên vợ chồng. Vẫn biết làm vợ bộ đội, nhất là bộ đội biên phòng, sẽ gặp không ít khó khăn, vất vả, hiểm nguy nhưng tình yêu và sự cảm thông, chia sẻ đã giúp chị Tòng Thị Khong vượt lên tất cả.

Cậu bé Lù Công Hiếu chào đời một năm sau đó, đôi vợ chồng trẻ càng thêm hạnh phúc. Nhưng phải đến khi con trai 5 tháng tuổi, anh Thắng mới biết mặt con. Về được ít ngày, anh lại xách ba lô lên đường đi công tác.

"Thời gian anh về có nhiều đâu. Chỉ tranh thủ một, hai ngày thôi. Khi đấy, anh cũng mới ra trường mà trong Mường Lang (Phù Yên), tình hình rất phức tạp. Ở đó còn có cả phỉ nữa. Anh đi làm còn nguy hiểm hơn, chị đành cố gắng," chị Tòng Thị Khong kể.

[Chuyện về những người lính quân hàm xanh ở Thành phố Hồ Chí Minh]

Chiều 31/7/2010, chị Khong thấy trong lòng như có lửa đốt. Đúng như linh tính, chị nhận được điện thoại của chị chồng bảo rằng: “Mợ Khong ơi, cơ quan gọi điện báo Thắng hy sinh rồi."

Nghe tin ấy, chị bàng hoàng không tin vào tai mình. Chị nói như gào lên: “Nhầm rồi, Thắng nào chứ không phải là Thắng nhà em đâu."

Rồi chị lao qua cánh đồng, chạy lên nhà chị gái. Và rồi không nhớ mình đã làm gì, cho đến lúc có mặt tại trụ sở của đơn vị anh. Khi ngồi bên thi thể của chồng, lòng chị như hóa đá. Chị chẳng thể khóc được nữa. Nhìn những viên đạn chằng chịt, thấm máu trên thân thể anh, chị cứ lặng người đi.

“Khi đó, tôi có cảm giác chân không vững. Đầu óc quay cuồng, không nghĩ được gì nữa," chị Tòng Thị Khong nghẹn ngào nhớ lại.

Kể về ngày ngã xuống của người lính biên phòng dũng cảm, những đồng đội của anh cho biết theo công tác nắm tình hình, sáng 31/7/2010, một nhóm đối tượng sẽ vận chuyển ma túy có vũ trang từ Lào qua biên giới tại bản Đin Chí, Chiềng Tương, Yên Châu.

Bài 2: Chuyện về người lính hy sinh khi đấu tranh với tội phạm ma túy ảnh 2 Cán bộ, chiến sỹ Đội phòng, chống ma túy Đồn biên phòng Chiềng On (Biên phòng Sơn La) quán triệt nhiệm vụ trước khi lên đường tuần tra biên giới. (Ảnh: Trọng Đức/TTXVN)

Nhóm này là một mắt xích quan trọng trong đường dây buôn bán, vận chuyển chất gây nghiện trên “cung đường ma túy” ở vùng biên giới Tây Bắc. Để chặt đứt mắt xích này, Thắng cùng 8 chiến sỹ bộ đội biên phòng Sơn La được cử vào chuyên án 114L. Anh cùng đồng đội kiên trì mật phục tới trưa, băng nhóm mang hàng trắng mới xuất hiện.

Khi chúng rơi vào điểm phục kích, các chiến sỹ biên phòng nhanh chóng khống chế, bắt được một đối tượng quan trọng nhất. Lợi dụng tình hình phức tạp, hai tên bỏ chạy về phía bên kia biên giới và điên cuồng nhả đạn về phía lực lượng đang đuổi theo truy bắt. Chín viên đạn găm trọn vào người Lù Công Thắng. Anh hy sinh trên tay đồng đội.

Cầm những phong thư đã nhuộm màu thời gian trên tay, chị Tòng Thị Khom rơm rớm nước mắt hồi tưởng những ký ức đẹp về người chồng thân yêu. Chị chậm rãi kể anh Lù Công Thắng viết thư cho chị từ hồi hai người mới quen, yêu nhau. Đến khi nên vợ chồng và thường xuyên đi công tác, anh vẫn đều đặn viết thư về cho chị.

“Anh Thắng hay nói chỉ muốn vợ anh làm cô giáo thôi. 'Em nuôi đủ bản thân còn gia đình để anh lo.' Khi đấy, anh cũng mới ra trường mà trên biên giới, tình hình rất phức tạp, không chỉ có tội phạm ma túy mà còn có cả phỉ nữa. Tôi cũng tủi thân nhưng anh đi làm còn nguy hiểm, tôi càng cố gắng hơn," người phụ nữ dân tộc Thái xúc động nhớ lại.

Trong trí nhớ của chị Tòng Thị Khong, ngày còn sống, anh Lù Công Thắng thường chia sẻ với chị về tình yêu đối với binh nghiệp của anh. Từ những câu chuyện ấy, chị Khong thêm hiểu và yêu con đường mà anh đã chọn. Con đường đó dẫu hiểm nguy, chông gai nhưng đó là con đường đem lại bình yên cho vùng biên cương và cuộc sống của nhân dân.

Thế nên, khi anh mất, chị đã đề đạt nguyện vọng của mình để vào lực lượng. Năm 2011, chị Tòng Thị Khong đã chính thức khoác lên mình màu xanh áo lính. Chị đã trở thành đồng đội của anh.

“Cháu Lù Công Hiếu nhiều lần nói với em rằng cháu muốn thực hiện tiếp giấc mơ dang dở của bố là giữ gìn bình yên cuộc sống, chặn đứng những 'cái chết trắng' đang len lỏi vào nội địa, tàn phá từng gia đình ở nơi biên cương. Năm nay, cháu đang ôn thi để đi theo con đường binh nghiệp," chị Tòng Thị Khong chia sẻ./.

[Bài 1: Ngăn dòng “lũ trắng” thẩm lậu về Việt Nam qua tuyến biên giới]

Đón đọc bài 3: Để ma túy không còn bủa vây bản làng

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục