Nhìn lại một thập kỷ tham gia sứ mệnh gìn giữ hòa bình (Bài 2)

Sứ mệnh gìn giữ hòa bình - Cam kết mạnh mẽ, đóng góp lâu dài

Dù tham gia muộn hơn so với nhiều quốc gia khác, nhưng Việt Nam được Liên hợp quốc và cộng đồng quốc tế đánh giá cao bởi cam kết chính trị mạnh mẽ, đóng góp lâu dài cho sứ mệnh chung.

Các sỹ quan Đội Công binh số 1 và Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 4 lên đường thực hiện nhiệm vụ. (Ảnh: Trọng Đức/TTXVN)
Các sỹ quan Đội Công binh số 1 và Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 4 lên đường thực hiện nhiệm vụ. (Ảnh: Trọng Đức/TTXVN)

10 năm, 804 lượt sỹ quan, quân nhân chuyên nghiệp, trong đó có 114 vị trí sỹ quan cá nhân; 5 bệnh viện dã chiến cấp 2; hai đội Công binh; ký kết 12 Bản ghi nhớ về hợp tác trong lĩnh vực gìn giữ hòa bình với Liên hợp quốc, Liên minh châu Âu và các nước đối tác...

Những con số đó đã nói lên chặng đường dài đầy nỗ lực của Việt Nam trong suốt thập kỷ qua khi tham gia vào một hoạt động mang đầy ý nghĩa nhân văn, cao cả - gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc.

Ngoại giao "xanh"

Thực hiện Nghị quyết 1325 của Liên hợp quốc về Phụ nữ, hòa bình và an ninh, trong 10 năm qua, Việt Nam đã cử khoảng 100 nữ quân nhân tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình, trong đó có cả các sỹ quan nữ tham gia theo hình thức cá nhân, hoạt động độc lập (chiếm khoảng 20% so với tỷ lệ trung bình của Liên hợp quốc là dưới 10%); cùng các nữ quân nhân trong đội hình bệnh viện dã chiến cấp 2 (chiếm 16-21% so với tỷ lệ trung bình của Liên hợp quốc là 12%), và nữ quân nhân thuộc Đội Công binh Việt Nam (chiếm khoảng 12%), trong khi các Đội Công binh gìn giữ hòa bình của các nước khác không có nữ quân nhân tham gia.

Điều này được Liên hợp quốc đánh giá cao và hết sức ghi nhận, do đó đã đề nghị lãnh đạo Bộ Quốc phòng Việt Nam cùng lãnh đạo Liên hợp quốc đồng chủ trì Hội nghị quốc tế về phụ nữ với hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc, tổ chức tại Việt Nam vào tháng 11/2022.

Tháng 10/2018, Việt Nam triển khai thành công Bệnh viện dã chiến đầu tiên - Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 1 đến phái bộ UNMISS tại Bentiu, Nam Sudan. Trong đó có 10 nữ quân nhân trên tổng số 63 cán bộ, y, bác sỹ, chiếm gần 16%, cao hơn mức kêu gọi của Liên hợp quốc.

Thượng tá Bùi Đức Thành, hiện là Phó Giám đốc Bệnh viện Quân y 175, khi đó là Trung tá, Giám đốc Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 1, nhớ lại: "Ở Nam Sudan, điều kiện thời tiết khắc nghiệt, trời nắng nóng gay gắt, mùa mưa lụt lội, bùn lầy, khoảng ba tháng đầu tiên, chúng tôi phải sống và làm việc trong các lều bạt. Nhưng càng trong khó khăn, tinh thần đoàn kết, sẻ chia càng được nhân lên. Ở Nam Sudan, nước rất quý hiếm. Tiêu chuẩn của mỗi người chỉ được hai bịch nước uống mỗi ngày, còn lại là nước tắm, sinh hoạt. Vì vậy nước được ưu tiên nhường cho các chị em nhiều hơn và “tái sử dụng” nguồn nước tắm để tưới rau xanh. Từ những việc nhỏ đã tạo ra sức mạnh đoàn kết trong bệnh viện."

Nhưng thành công nhất là công tác dân vận của Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 1 với “phong cách riêng.” Ở cạnh bệnh viện có các khu bảo vệ thường dân, cứ cuối tuần, cán bộ, nhân viên Bệnh viện sang dạy chữ, tặng sách vở, tập tô màu có hình ảnh cờ đỏ sao vàng, hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

ttxvn_luc_luong_tham_gia_hoat_dong_gin_giu_hoa_binh_lien_hop_quoc_2705-2.jpg
Các bác sỹ quân y Việt Nam tới sân bay quốc tế Juba, bắt đầu thực hiện nhiệm vụ gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc tại Nam Sudan. (Ảnh: TTXVN phát)

Những hình ảnh đó đã tạo ấn tượng trong lòng các em nhỏ ở Nam Sudan. Hễ nhìn thấy lá cờ đỏ sao vàng trên ngực áo của các cán bộ, chiến sỹ là các em reo lên: “Việt Nam.” Sau này, được sự cho phép của lãnh đạo phái bộ, các y, bác sỹ của bệnh viện được đi thăm khám sức khỏe cho người dân, từ đó tạo thêm tình đoàn kết giữa quân y mũ nồi xanh Việt Nam và người dân địa phương.

Ngoài ra, bệnh viện cũng xây dựng được mối quan hệ rất tốt đẹp với phái bộ trong khu căn cứ Bentiu với 3.000 nhân viên. "Ngoài khám, chữa bệnh, chúng tôi còn áp dụng 'ngoại giao xanh,' tặng quả mướp, bí xanh, mớ rau muống... cho cán bộ, nhân viên ở phái bộ. Ai cũng khen ngợi bệnh viện đã tạo ra mảng xanh tươi tốt ở nơi vốn dĩ chỉ có đất cằn sỏi đá. Trong các dịp lễ đặc biệt, chúng tôi thường xuyên mời bạn bè quốc tế đến giao lưu văn hóa văn nghệ, nấu các món ăn Việt, tuy nhiên luôn tuân thủ, chấp hành nghiêm quy chế, quy định của Liên hợp quốc và kỷ luật của Quân đội nhân dân Việt Nam," anh Thành chia sẻ.

Kết thúc nhiệm kỳ, Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 1 trở về nước, lần lượt các Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 2, số 3, số 4, số 5 sang thay thế. Gần đây nhất, Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 4 đã hoàn thành nhiệm vụ, về nước vào tháng 7/2023.

Trong thời gian tham gia gìn giữ hòa bình tại phái bộ ở Nam Sudan, đơn vị đã thu dung điều trị cho 1.468 lượt bệnh nhân, trong đó khám ngoại trú cho 1.431 người, khám nội trú cho 37 người, phẫu thuật lớn cho 8 người, phẫu thuật vừa và nhỏ cho 10 người.

Bên cạnh đó, bệnh viện đã tiến hành vận chuyển cấp cứu đường không cho 9 bệnh nhân; điều trị y học cổ truyền và vật lý trị liệu cho 150 bệnh nhân (tương ứng khoảng 1.300 liệu trình điều trị); cấp cứu và xử trí thành công nhiều ca bệnh nặng như: đột quỵ, sốc phản vệ, viêm tụy cấp, suy thận cấp, sốt rét ác tính, các vết thương do tai nạn phức tạp.

Đặc biệt, cán bộ, nhân viên của bệnh viện đã mổ thành công cho 1 ca sản khoa thai 38 tuần. Các ca bệnh đều đảm bảo an toàn, bệnh nhân hài lòng. Bệnh viện nhận được nhiều lời khen tặng về tính chuyên nghiệp, tinh thần trách nhiệm, thái độ và năng lực chuyên môn.

Cán bộ, nhân viên bệnh viện tham gia đầy đủ các hoạt động huấn luyện do phái bộ tổ chức, đồng thời tổ chức tự huấn luyện cho cán bộ nhân viên và đảm nhiệm nhiệm vụ huấn luyện y tế cho các đơn vị bộ binh Mông Cổ, Ghana, công binh Pakistan và các sỹ quan cá nhân về kỹ thuật cấp cứu cơ bản, chuyển thương, các bệnh truyền nhiễm...

Mở đường thắng lợi

Năm 2022, lần đầu tiên đội công binh của Việt Nam xuất sắc vượt qua 5 quốc gia ứng tuyển để được Liên hợp quốc lựa chọn triển khai tới phái bộ UNISFA (khu vực Abyei). Sau thời gian chuẩn bị, tháng 5/2022, Đội Công binh số 1 của Việt Nam lên đường với biên chế 184 quân nhân (trong đó có 21 nữ) cùng trên 2.200 tấn trang thiết bị. Cũng trong năm này, Công an nhân dân Việt Nam chính thức tham gia gìn giữ hòa bình.

Rạng sáng 15/8/2024, tại Cảng hàng không quốc tế Nội Bài (Hà Nội), Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam tổ chức Lễ đón Đội Công binh số 1 hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ về nước. Chuyến bay của Ethiopian Airlines được Liên hợp quốc thuê để chở Đội có 157 thành viên; 15 cán bộ, nhân viên ở lại bàn giao và 11 người tình nguyện ở lại tiếp tục tham gia vào Đội Công binh số 2. Không chỉ là Đội Công binh đầu tiên của Việt Nam, đây cũng là đội hình cấp đơn vị lớn nhất từ trước đến nay của chúng ta tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc.

ttxvn_luc_luong_tham_gia_hoat_dong_gin_giu_hoa_binh_lien_hop_quoc_2705-3.jpg
Nụ cười rạng rỡ của nữ công binh trong ngày trở về Tổ quốc. (Ảnh: An Đăng/TTXVN)

Thực hiện nhiệm vụ tại phái bộ với điều kiện thời tiết khắc nghiệt và điều kiện sinh hoạt còn nhiều khó khăn, tuy nhiên, các thành viên của Đội đã đoàn kết, nỗ lực, khắc phục mọi khó khăn, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, được chỉ huy phái bộ phân công, xứng đáng với kỳ vọng mà Đảng, Nhà nước, nhân dân tin tưởng giao phó, xứng đáng với truyền thống "Mở đường thắng lợi" của Bộ đội Công binh Việt Nam anh hùng.

Đội đã hoàn thành tốt các nhiệm vụ do Liên hợp quốc và Bộ Quốc phòng Việt Nam giao, trong đó có nhiều nhiệm vụ hoàn thành xuất sắc, như: làm mới, nâng cấp và sửa chữa các tuyến đường giao thông chính của phái bộ với tổng chiều dài gần 70km; sửa chữa, bảo dưỡng, nâng cấp bảo đảm giao thông trên tuyến đường huyết mạch; mở mới 15 tuyến đường tuần tra bảo đảm an ninh, an toàn xuyên rừng với tổng chiều dài 303 km.

Trong mùa mưa, Đội cũng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ tổ chức cứu kéo phương tiện khi đảm nhiệm vai trò đơn vị cứu kéo tuyến 2 (chỉ tổ chức cứu kéo khi tuyến 1 thất bại). Trong mùa mưa năm 2022 và đầu mùa mưa 2023, Đội đã tổ chức cứu kéo thành công hơn 150 phương tiện của Liên hợp quốc, chủ yếu là xe chở xăng dầu, thực phẩm và xe thiết giáp.

Đặc biệt, Đội đã tổ chức cứu kéo thành công các đoàn xe chở xăng, dầu trong hoàn cảnh phái bộ chỉ còn một tuần là hết nhiên liệu; triển khai cứu kéo thành công hơn 500 lượt xe ôtô các loại của người dân địa phương. Một dấu ấn khác trong nhiệm kỳ là Đội đã hoàn thành tốt nhiệm vụ xây dựng mới một sân bay dã chiến cho máy bay hạng nặng MI26 cất, hạ cánh.

Ngoài các nhiệm vụ phái bộ giao, Đội Công Binh số 1 Việt Nam còn thực hiện hiệu quả các hoạt động nhân đạo như phối hợp với đơn vị bộ binh Pakistan tổ chức khám bệnh, cấp thuốc miễn phí, tặng quà cho 168 phụ nữ và trẻ em người bản địa; thi công thoát nước giúp người dân thị trấn Abyei thoát khỏi cảnh ngập lụt trong mùa mưa 2022... Nối dài những thành công của Đội Công binh số 1, Đội Công binh số 2 của Việt Nam đang viết tiếp hành trình của sứ mệnh gìn giữ hòa bình tại Abyei.

ttxvn_luc_luong_tham_gia_hoat_dong_gin_giu_hoa_binh_lien_hop_quoc_2705-4.jpg
Lễ đón Đội Công binh số 1 tại Sân bay quốc tế Nội Bài. (Ảnh: An Đăng/TTXVN)

Việc Việt Nam tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình ghi dấu mốc quan trọng trong tiến trình hội nhập quốc tế và hợp tác với Liên hợp quốc, khi mở rộng đóng góp nhân lực cho công việc chung của Liên hợp quốc.

Dù tham gia muộn hơn so với nhiều quốc gia khác, nhưng Việt Nam được Liên hợp quốc và cộng đồng quốc tế đánh giá cao bởi cam kết chính trị mạnh mẽ, đóng góp lâu dài cho sứ mệnh chung; sự chủ động, tích cực trong quá trình tham gia cũng như năng lực chuyên môn đã tạo được niềm tin, uy tín cho lực lượng mũ nồi xanh Việt Nam./.

Xem tiếp

Bài 1: Hoạt động gìn giữ hòa bình - Điểm sáng trong quan hệ đa phương

Bài 3: Chuyện “những lần đầu tiên”

Bài cuối: Con đường tới trung tâm huấn luyện tầm quốc tế

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục