Bài 3. Thu hút FDI: Luật và chính sách không còn mang tính ‘khẩu hiệu'

‘Do tâm lý nôn nóng chạy theo số lượng trong thu hút đầu tư và tình trạng bất cập trong quản lý đã dẫn đến việc thu hút FDI chưa phát huy được hết tiềm năng.’
Chiến lược thu hút FDI thế hệ mới hướng tới sự đa phương hóa, đa dạng hóa thị trường và đối tác tiềm năng. (Ảnh minh họa. Nguồn: TTXVN)
Chiến lược thu hút FDI thế hệ mới hướng tới sự đa phương hóa, đa dạng hóa thị trường và đối tác tiềm năng. (Ảnh minh họa. Nguồn: TTXVN)

“Khung chính sách chung của Việt Nam đã rất rõ ràng (như Chiến lược Phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2020) nhưng việc thực hiện về cơ bản còn yếu. Cụ thể, nhiều vấn đề và trở ngại được phát hiện từ những năm trước chưa được giải quyết triệt để. Bên cạnh đó, những điểm yếu về phối hợp liên bộ, liên ngành và từ trung ương đến địa phương chưa được cải thiện, thể hiện qua sự chồng chéo, khả năng tập hợp sức mạnh kém, phân tán tràn lan, thiếu hiệu quả trong điều phối, đua nhau đưa ra ưu đãi giữa các địa phương…”

Ông Kyle F.Kelhofer, Giám đốc quốc gia cao cấp Việt Nam, Campuchia và Lào của Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) đã chia sẻ như vậy khi đưa ra những vấn đề tồn tại trong thu hút vốn đầu tư nước ngoài trực tiếp (FDI) tại Việt Nam.

Nhìn nhận vào thực tế và để chính sách thu hút FDI không còn mang tính ‘khẩu hiệu’ như trên, tại phiên họp thường kỳ tháng Năm, Chính phủ đã chính thức giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương hoàn thiện Chiến lược thu hút FDI thế hệ mới. Trong đó, lưu ý các giải pháp gia tăng sự kết nối, chuyển giao công nghệ giữa doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài với doanh nghiệp trong nước, tiếp tục thu hút FDI công nghệ cao.

Những nút thắt cần tháo gỡ

Theo Báo cáo của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), trong 8 tháng của năm 2019, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 22,63 tỷ USD, bằng 92,9% so với cùng kỳ năm 2018. Bên cạnh đó, vốn thực hiện của dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài ước đạt 11,96 tỷ USD, tăng 6,3% so với cùng kỳ năm 2018.

Đáng chú ý, hai đầu tàu là Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh đã vươn lên dẫn đầu trong hoạt động thu hút FDI. Cụ thể, Hà Nội đứng thứ nhất với tổng số vốn đăng ký 5,66 tỷ USD, chiếm 25% tổng vốn đầu tư trên toàn quốc, tiếp đến Thành phố Hồ Chí Minh đứng thứ hai đạt 3,86 tỷ USD, chiếm 17% tổng vốn đầu tư.

[Luật Doanh nghiệp (sửa đổi): Đưa hộ kinh doanh vào luật là cần thiết]

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung đồng tình với quan điểm nêu trên ông Kyle F.Kelhofer đồng thời chỉ ra một số nguyên nhân chủ quan khác để có kế hoạch kịp thời tháo gỡ.

Về phía chính quyền, ông Chung không ngần ngại thừa nhận, do tâm lý nôn nóng chạy theo số lượng trong thu hút đầu tư và tình trạng bất cập trong quản lý đã dẫn đến việc thu hút FDI chưa phát huy được hết tiềm năng.

Do vậy, trong năm qua, lãnh đạo Hà Nội đã thực hiện hàng trăm cuộc làm việc với các nhà đầu tư, tổ chức quốc tế đến tìm hiểu về môi trường đầu tư đồng thời phối hợp với các chuyên gia quốc tế xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp, vườn ươm doanh nghiệp công nghệ thông tin đổi mới sáng tạo... Điều này đã khẳng định quyết tâm của Hà Nội trong việc tạo lập một môi trường kinh doanh thuận lợi, minh bạch, hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp.

“Thành phố yêu cầu cán bộ tại các sở ngành quán triệt tinh thần nêu trên, lắng nghe những phản ánh của doanh nghiệp để nắm bắt và giải quyết những khó khăn vướng mắc thông qua các buổi làm việc trực tiếp, các hội nghị, hội thảo định kỳ và chuyên đề với sự tham gia, chỉ đạo của các cấp Lãnh đạo cao nhất của Hà Nội,” ông Chung nói.

Trong khi đó, theo lãnh đạo Ủy ban Nhân dân Thành phố Thành phố Hồ Chí Minh, sự tăng trưởng trong hoạt động đầu tư đang cho thấy niềm tin của doanh nghiệp trong và ngoài nước vào môi trường đầu tư kinh doanh của Thành phố được cải thiện rõ rệt.

Ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, địa phương này sẽ đẩy mạnh chính sách cải thiện môi trường đầu tư, chủ động hỗ trợ doanh nghiệp và nhà đầu tư.

Để đạt được mục tiêu thu hút nguồn vốn FDI theo chiến lược đặt ra, ông Chung đề xuất Chính phủ, các Bộ, ngành cần hoàn thiện một số cơ chế, chính sách tạo hành lang pháp lý trong quản lý, giám sát hiệu quả thực hiện dự án FDI sau cấp phép.

Đặc biệt, ông Chung nhấn mạnh: “Cần bổ sung cơ chế phối hợp quản lý, giám sát sau cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, quy định rõ và hướng dẫn thực hiện cụ thể chức năng nhiệm vụ, cơ chế phối hợp giữa các cơ quan liên quan từ trung ương đến địa phương trong quản lý, giám sát sau cấp phép cũng như trách nhiệm, nghĩa vụ của nhà đầu tư, doanh nghiệp và đặc biệt là chế tài xử lý vi phạm cụ thể, đủ mạnh để giúp giảm tải công việc cho cơ quan quản lý nhà nước và tăng hiệu quả, lành mạnh môi trường đầu tư.”

“Một khi việc quản lý sau cấp phép chặt chẽ, nghiêm túc và hiệu quả sẽ góp phần nâng cao được chất lượng và hiệu quả của dòng vốn FDI,” ông Chung nhận định.

Bài 3. Thu hút FDI: Luật và chính sách không còn mang tính ‘khẩu hiệu' ảnh 1Các địa phương và vùng thu hút FDI phù hợp với lợi thế, điều kiện, trình độ phát triển và quy hoạch của địa phương trong mối liên kết vùng. (Ảnh minh họa. Nguồn: TTXVN)

FDI mới trên nền tảng công nghiệp 4.0

Trên thực tế, Việt Nam đang chuẩn bị xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 2021 - 2030, trong đó huy động vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tiếp tục đóng vai trò quan trọng.

Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, thời gian tới, định hướng chiến lược về thu hút đầu tư nước ngoài sẽ điều chỉnh theo định hướng ưu tiên vào các ngành, lĩnh vực công nghệ cao và thân thiện môi trường, năng lượng sạch, thiết bị y tế, chăm sóc sức khỏe, giáo dục và đào tạo, du lịch chất lượng cao, dịch vụ tài chính, logistics, nông nghiệp công nghệ cao, phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật hiện đại và đặc biệt là các ngành nghề mới trên nền tảng công nghiệp 4.0.

Theo đó, các địa phương và vùng thu hút FDI phù hợp với lợi thế, điều kiện, trình độ phát triển và quy hoạch của địa phương trong mối liên kết vùng, đảm bảo hiệu quả tổng thể kinh tế - xã hội - môi trường.

Điểm nhấn về thị trường và đối tác, Bộ trưởng chỉ ra, chiến lược thu hút FDI thế hệ mới hướng tới sự đa phương hóa, đa dạng hóa thị trường và đối tác tiềm năng. Bên cạnh việc coi trọng các thị trường đối tác hiện tại sẽ mở rộng khai thác hiệu quả mối quan hệ với các đối tác chiến lược, trong đó chú trọng các nước phát triển, các tập đoàn xuyên quốc gia nắm giữ công nghệ nguồn, tiên tiến và trình độ quản trị hiện đại.

Để đạt được các kết quả theo định hướng tầm nhìn đến năm 2030, ông Kyle F.Kelhofer cho rằng, Việt Nam cần thực hiện một kế hoạch triển khai nhiều tham vọng, gắn với cải cách chính sách và môi trường đầu tư, cải cách thể chế cụ thể.

Từ đó, nhóm chuyên gia của IFC và Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã thực hiện nghiên cứu Báo cáo chiến lược và định hướng thu hút FDI thế hệ mới với các nhóm đề xuất đột phá. Điều này bao gồm: thực hiện chương trình phát triển các kỹ năng chính, củng cố khung thể chế - xây dựng cơ quan xúc tiến đầu tư nước ngoài ‘thế hệ mới,’ cải tổ khung chính sách về ưu đãi đầu tư – tái cân bằng theo hướng ưu đãi theo hiệu quả, hiện đại hóa công tác xúc tiến đầu tư, xây dựng ‘Môi trường đầu tư 4.0,’ mở cửa những hỗ trợ cạnh tranh và tăng trưởng, áp dụng các chính sách xúc tiến đầu tư trực tiếp ra nước ngoài chiến lược và thực thi chính sách tăng cường gắn kết và tác động lan tỏa của doanh nghiệp FDI.

“Các giải pháp tập trung vào việc thực hiện hiệu quả các khuyến nghị thay vì phổ biến những biện pháp mới trong bối cảnh các chính sách hiện hành còn chưa được thực thi đầy đủ. Ngoài ra, các chính sách tăng cường cần phải căn cứ vào sự hiểu biết đầy đủ những nguyên nhân gốc rễ những hạn chế trong về kết quả thực hiện thu hút FDI từ trước đến nay,” ông Kyle F.Kelhofer nhấn mạnh./.

Kết quả mong muốn của Chiến lược và Định hướng thu hút FDI Thế hệ mớigiai đoạn 2020-2030:

Bài 3. Thu hút FDI: Luật và chính sách không còn mang tính ‘khẩu hiệu' ảnh 2(Nhấp chuột vào ảnh để xem kích thước chuẩn)
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục