Bài 5: Rình rập nguy cơ phát nổ những quả "bom đất" ở Lào Cai

Câu chuyện về nguy cơ từ những khối bom đất khổng lồ treo lơ lửng trên đầu người dân ven núi, đồi của tỉnh Lào Cai nói riêng và miền núi phía Bắc nói chung không biết đến bao giờ mới có hồi kết.
Bài 5: Rình rập nguy cơ phát nổ những quả "bom đất" ở Lào Cai ảnh 1Căn nhà của một hộ dân ven Quốc lộ 4D bị 'làm mồi' cho trận sạt lở đất. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Không phải chỉ sau hai cơn bão đầu tiên của năm 2016, câu chuyện về nguy cơ từ những khối "bom đất" khổng lồ treo lơ lửng trên đầu đồng bào sống ven núi, đồi của tỉnh Lào Cai nói riêng và miền núi phía Bắc nói chung mới được nhắc tới. Thực tế, với địa hình và kết cấu địa chất đặc thù thì hầu như năm nào, hiện tượng đất đá lở đổ ập xuống nhà dân cũng đã xảy ra.

Sự đe dọa ấy càng được nhân lên khi còn rất nhiều nguy cơ khác từ quy hoạch hạ tầng, tính toán thủy văn chưa chính xác.

Những thảm kịch được báo trước

Trong những ngày có mặt tại Lào Cai sau trận lũ kép lịch sử đầu tháng Tám vừa qua, đi tới đâu, chúng tôi cũng bắt gặp hình ảnh những khối “bom đất” lơ lửng trên các vách núi, đồi đỏ quạch, lở lói. Chốc chốc, từng mảng đất đá lớn lại trượt dài theo dòng nước rơi xuống phía dưới.

Ông Nguyễn Chính Cương, Chánh Văn phòng Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Lào Cai thở dài khi nói về nguy cơ nhãn tiền ấy. Ông Cương cho biết: “Tỉnh chúng tôi liên tục đôn đốc, quy hoạch để sắp xếp dân cư ra khỏi vùng thiên tai nguy hiểm. Việc này đã được thực hiện trong nhiều năm. Nhưng vùng nguy hiểm được xác định thế nào thì… hầu như cả tỉnh này đều nằm trên sườn dốc cả.”

Chính vì việc cả tỉnh Lào Cai hầu như đều nằm trên sườn dốc nên ngay cả việc tìm được địa điểm không nguy hiểm để sắp xếp cho dân ra ở một cách an toàn đã là rất khó.

Theo số liệu từ Ban chỉ huy Phòng chống Thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn Lào Cai, trong năm 2016, dự kiến sẽ có 391 hộ dân phải di dời ra khỏi vùng có nguy cơ cao, bị ảnh hưởng bởi bão lũ. Tuy nhiên, tính tới tháng ​Bảy, tỉnh này mới chỉ di dời được vỏn vẹn 72 hộ, chưa bằng 1/5 kế hoạch. Điều đó đồng nghĩa với việc, còn tới 319 hộ dân nữa trên lý thuyết vẫn phải sống trong cảnh nín thở, đánh đu với tử thần.

Trong khi chưa kịp đưa dân ra địa điểm mới thì tới tháng ​Tám, Lào Cai lại “đụng” bão kép. Cơn giận giữ của ​thiên nhiên quét qua tiếp tục đẩy con số hộ dân được “báo động đỏ” lên gần 3,5 lần với 1.310 công trình nhà ở cần phải di dời khẩn cấp.

Bài 5: Rình rập nguy cơ phát nổ những quả "bom đất" ở Lào Cai ảnh 2Nhiều nhà dân tại Lào Cai nằm trong diện di dời khẩn cấp. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Ngay cả địa điểm vốn được coi là an toàn như thành phố Lào Cai cũng không nằm ngoại lệ. Việc sắp xếp dân sau khi cao tốc Nội Bài–Lào Cai hình thành cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ đối mặt với sạt lở. Theo thống kê, có tới 245 hộ dân trong nội đô cần phải di dời khẩn cấp, đứng thứ hai toàn tỉnh chỉ sau huyện Bát Xát.

Mặc dù vậy, công tác di dời gặp phải rất nhiều khó khăn, do các cơ quan chức năng vẫn chủ yếu sử dụng phương pháp tuyên truyền, vận động.

Điển hình phải kể đến thôn Ki Kông Hồ thuộc xã Tòng Sành, huyện Bát Xát. Mặc dù toàn thôn chỉ có 38 hộ dân sinh sống nhưng toàn bộ số này đều thuộc diện cần phải di dời khẩn cấp . Ông Nguyễn Quốc Huy, Phó Chủ tịch huyện Bát Xát cho biết: Sau hai cơn bão đầu tháng ​Tám, khu vực thôn Ki Kông Hồ đã xuất hiện rất nhiều vết nứt và các điểm sạt lở và thực tế đã có rất nhiều căn nhà tại đây "làm mồi" cho đất lở.

Nguy hiểm là vậy, nhưng trong cuộc họp giữa chính quyền, người dân vẫn chưa đồng thuận với “cái lý” đã bao đời nay họ vẫn sống dưới chân núi như thế mà vẫn an toàn. Ông Huy cho biết: Hiện, phía huyện Bát Xát vẫn đang tiếp tục thuyết phục bà con sớm di dời, đồng thời tính toán đến các yếu tố như giao thông, địa hình đề đảm bảo vị trí mới thuận tiện, phù hợp với tập quán cư trú và sản xuất của nhân dân.

Điều đáng nói hơn, ngay cả đối với các công trình nhà ở sai phép, không phép, vi phạm hành lang giao thông, việc tuyên truyền vận động vẫn được… ưu tiên hàng đầu. Chỉ đến khi, thảm họa xảy ra, các cấp chính quyền mới lại hối hả… vào cuộc để cưỡng chế di dời.

Đau lòng nhất là trường hợp của hộ dân Hồ Văn Quy, Đinh Thị Tới tại xã Cốc San, huyện Bát Xát. Việc ông Quy cùng vợ dựng căn nhà gỗ trái phép ngay sát taluy quốc lộ 4D từ thành phố Lào Cai lên Sa Pa đều đã được Ủy ban nhân xã, huyện nắm bắt từ lâu. Mặc dù đây là vị trí hết sức nguy hiểm khi dựa lưng vào núi đá, gần khe nước, thường xuyên có dấu hiệu sạt lở, lũ quét nhưng các cơ quan hữu quan lại vẫn chỉ vận động gia đình này phá dỡ. Sự cố chấp của chủ hộ, thêm vào đó là sự thiếu quyết liệt của chính quyền đã phải trả giá bằng mạng sống của 3 đứa trẻ vô tội sau cơn nổi giận bất ngờ của tự nhiên.

Cách xã Cốc San không xa, tại xã Tòng Sành, cũng còn 2 công trình nhà ở không phép tương tự. Và cũng như “xã bạn”, hai ngôi nhà này vẫn tồn tại rất lâu chỉ để đợi các cấp có thẩm quyền vận động. Điều may mắn duy nhất là những con người sống ở đó chưa phải hứng chịu những tai họa đáng ra phải tránh được từ trước đó.

Bài 5: Rình rập nguy cơ phát nổ những quả "bom đất" ở Lào Cai ảnh 3Đồng bào dân tộc tại thôn Ki Công Hồ khóc cạn nước mắt vì lở đất, lũ quét đã cuốn trôi toàn bộ tài sạn của họ. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Ông Nguyễn Chính Cương, Chánh Văn phòng Ủy ban Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh thẳng thắn nhận định: Nhà ở mới phát sinh, thậm chí lãnh đạo địa phương cũng không thể tư vấn vị trí xây dựng có an toàn hay không. Người dân thì chủ quan, thiếu kinh nghiệm, luôn nghĩ rằng nhà mình sẽ không bị ảnh hưởng.

Cũng chính bởi sự luẩn quẩn ấy, trong suốt nhiều năm qua, câu chuyện về người chết, nhà sập sau bão lũ vẫn cứ tuần hoàn lặp đi lặp lại trên nhiều xã, huyện và thậm chí cả thành phố của tỉnh Lào Cai.

Nguy cơ tứ phía

Hơn 1.300 hộ dân cần phải di dời khẩn cấp ra khỏi tầm ảnh hưởng của những “bom đất”, “bom nước” thực ra mới chỉ là phần nổi của một tảng băng chìm. Trên thực tế, nguy cơ đã được đẩy cao lên gấp nhiều lần do sự xuống cấp của của hệ thống hạ tầng nói chung và hạ tầng phóng chống thiên tai nói riêng.

Thống kê từ Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và phòng chống cứu nạn tỉnh Lào Cai cho thấy, toàn tỉnh hiện có trên 500 điểm có nguy cơ sạt lở, hàng chục điểm khác có nguy cơ xảy ra lũ quét, lũ ống, nhưng chỉ 1/3 số này có cắm biển cảnh báo. Các hồ chứa, đập thủy lợi cũng đã xuống cấp nghiêm trọng. Trong trận lũ kép vừa qua, cũng có tới 30 công trình hồ chứa thủy lợi bị thiệt hại với chiều dài đập lên tới 1.813m.

Bên cạnh đó, theo Chánh văn phòng thường trực Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Phòng chống cứu nạn, cách làm công trình và tính toán thủy văn hiện nay không chuẩn xác, chưa tính đến những số liệu đã từng được ghi nhận trước đây.

“Tính phải tính vượt mức cao nhất, nếu anh tính dưới thì công trình của anh không được lâu dài,” ông Cương khẳng định.

Ông Cương lấy ví dụ như hệ thống kè chống sạt lở, trong trường hợp không tính đến khả năng thoát lũ với lưu lượng tối đa thì khi mực nước dâng cao hơn so bình thường sẽ rất dễ dẫn đến sự cố.

Cũng theo ông Cương, hiện nay, một số công trình tại Lào Cai chưa căn cứ vào số liệu khí tượng thủy văn. Điển hình là các ngầm tràn phục vụ cho một số mỏ. Tại các điểm này không hề có trạm quan trắc nên tất cả đều đang được xây dựng theo “định tính.” Chính vì vậy, khi xuất hiện mưa, lũ, những công trình này vô tình trở thành những cái bẫy chết người.

“Đợt vừa qua, khi nước tại các ngầm tràn dâng lên khoảng 30 phân, người và phương tiện đi qua là đã bị kéo đi luôn. Ngay trong trận lũ ngày 4/8, có trường hợp ôtô con bị cuốn khi đi qua ngầm,” ông Cương dẫn chứng.

Mới đây nhất, ngày 11/8, một xe máy cũng đã bị trôi tại ngầm tràn Nậm Mả thuộc huyện Văn Bàn, Lào Cai khiến 2 người mất tích.

Bài 5: Rình rập nguy cơ phát nổ những quả "bom đất" ở Lào Cai ảnh 4Thôn Ki Công Hồ tan hoang khi quả 'bom đất' đổ ập xuống đêm ngày 4/8. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Bên cạnh đó, ngay bản thân người dân cũng tỏ ra thờ ơ đối với chính mạng sống của mình. Ông Cương cho hay: Hàng năm, tỉnh Lào Cai vẫn thực hiện diễn tập theo Đề án 1002 về nâng cao nhận thức cộng đồng và quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng. Thế nhưng, cộng đồng lại chủ yếu… đứng xem. Thậm chí, năm 2016, mặc dù tỉnh đã đưa ra kết hoạch tập huấn, nhưng Chính Phủ vẫn chưa cấp kinh phí nên việc thực hiện đang gặp nhiều khó khăn.

Nguy cơ về những quả "bom đất", "bom nước" đã nhãn tiền. Trong lúc chờ đợi những động thái mạnh mẽ hơn để giải quyết triệt để những “ngòi nổ” tiềm ẩn, hàng nghìn hộ dân ở Lào Cai vẫn sẽ phải tiếp tục sống trong sợ hãi.

Cơn bão này đã qua. Cơn bão tới, liệu tử thần sẽ tiếp tục gọi tên ai?

Lào Cai phải quy hoạch bố trí lại dân cư

Trong buổi làm việc về công tác khắc phục sau mưa lũ tại Lào Cai ngày 5/8, Phó Thủ tướng Chính Phủ Trịnh Đình Dũng đã yêu cầu tỉnh Lào Cai cần phải bố trí sắp xếp dân cư ở những vùng nguy hiểm ra các khu, điểm tái định cư an toàn.

“Lào Cai phải có quy hoạch bố trí lại dân cư và có kế hoạch di chuyển, phải hết sức nghiêm túc trong việc tính toán, không được để bố trí công trình vào những nơi có nguy cơ lũ quét, sạt lở cao. Đây là một công việc mà Chính phủ nhắc rất nhiều lần đối với các địa phương,” Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục