Bài 7: Phát triển logistics, kết nối các vùng kinh tế trọng điểm

Các công ty logistics của Việt Nam với số lượng nhiều nhưng chỉ chiếm thị phần tương đối nhỏ, chủ yếu thực hiện một số khâu dịch vụ trong chuỗi dịch vụ logistics
Bài 7: Phát triển logistics, kết nối các vùng kinh tế trọng điểm ảnh 1Việt Nam có nhiều lợi thế để phát triển kinh tế biển.

Cùng với sự phát triển công nghệ vận tải đa phương thức là sự phát triển nhanh chóng của dịch vụ logistic và tạo nên một diện mạo mới cho ngành hàng hải.

Các hãng vận tải đường bộ, đường sắt, đường biển, hàng không, các công ty giao nhận, khai thác kho bãi, các nhà phân phối cùng tham gia vào dây chuyền sản xuất, cung ứng và tiêu thụ sản phẩm.

Có thể nói ngành vận tải và logistics đang làm việc theo mô hình kinh doanh phối hợp nhằm đạt được hiệu quả cao hơn, nâng cao chất lượng phục vụ khách hàng.

Đây là một công việc tất yếu buộc các quốc gia khi xây dựng chiến lược biển phải tính đến chính sách vận tải đa phương thức gắn kết và đồng bộ, song song với việc xây dựng và phát triển hệ thống logistics.

Đối với Việt Nam muốn vươn lên trở thành một cường quốc biển cũng không thể nằm ngoài xu thế ấy.

[Hành trình ‘khai sáng’ tư duy hướng mạnh ra biển, giàu lên từ biển]

Nhiều ưu đãi lớn từ điều kiện tự nhiên

Hiện nay, cả nước có 45 cảng biển (263 bến cảng, 18 khu neo đậu, chuyển tải) với gần 89km dài cầu cảng, tổng công suất thiết kế khoảng 543,7 triệu tấn hàng/năm.

Trong khi đó, hệ thống đường bộ có tổng chiều dài 570.448km, trong đó quốc lộ 24.136km, đường cao tốc 816km, đường tỉnh 25.741km, còn lại là đường giao thông nông thôn.

Về mạng lưới đường sắt quốc gia, Việt Nam có 7 tuyến chính với tổng chiều dài gần 3.160km, mật độ đạt 7,9 km/1000 km2, trong đó 2.646km đường chính tuyến và 514km đường ga/nhánh. Cùng với 22 cảng hàng không đang hoạt động, trong đó có 9 cảng hàng không quốc tế, 13 cảng hàng không nội địa... Đây được coi là những lợi thế to lớn trong việc phát triển hệ thống logistics của Việt Nam.

Phát biểu tại diễn đàn logistics 2018, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết, hiện nay, Việt Nam đã và đang trở thành một trung tâm sản xuất nhiều sản phẩm, mặt hàng đứng trong top đầu của thế giới với sự hiện diện của hơn 21.000 dự án FDI có tổng vốn đầu tư gần 300 tỷ USD, trong đó có các tập đoàn hàng đầu thế giới, nhất là trong lĩnh vực điện tử, công nghệ thông tin, như: Samsung, Fujitsu, Intel, Samsung, Nokia, Siemens, LG,... đang hoạt động hiệu quả tại Việt Nam.

Đặc biệt, trong tiến trình mở cửa nền kinh tế và hội nhập quốc tế, Việt Nam đã đạt được những bước tiến lớn với việc ký kết 14 Hiệp định Thương mại tự do (FTA), trong đó có Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đã được Quốc hội phê chuẩn…là những cơ sở quan trọng để Việt Nam mở ra không gian hợp tác rộng lớn và tạo môi trường thuận lợi cho các doanh nghiệp nước ngoài hợp tác đầu tư, kinh doanh dịch vụ logistic tại Việt Nam.

Bài 7: Phát triển logistics, kết nối các vùng kinh tế trọng điểm ảnh 2Cả nước có khoảng 3.000 doanh nghiệp dịch vụ logistics, song hầu hết là doanh nghiệp quy mô nhỏ.

Đóng góp của ngành logistics còn khiêm tốn

Mặc dù Chính phủ đặc biệt quan tâm tới việc phát triển ngành logistics và coi đây là hoạt động kinh tế có giá trị gia tăng cao, đặt mục tiêu tăng trưởng cao và bền vững. Tuy nhiên, đóng góp của ngành logistics vào GDP còn rất khiêm tốn, mới chỉ chiếm 3-4%. Trong khi đó, chi phí logistics trong chi phí của doanh nghiệp thì rất cao, đi ngược với thế giới.

Là một địa phương có nhiều lợi thế về biển, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu định hướng sẽ trở thành một đô thị cảng biển hiện đại có tầm cỡ trong khu vực, trong đó dịch vụ logistics là hoạt động trung tâm mà tỉnh đang dồn lực phát triển.

[Bài 6: Cảng biển ‘lột xác' sau thập kỷ, chờ khơi thông dòng vốn]

Thạc sỹ Đỗ Thanh Phong (Trường Đại học Bà Rịa Vũng Tàu) cho biết, dịch vụ logistics có quy mô  chiếm 20% GDP của tỉnh, song nguồn lợi hàng tỷ đô này lại đang chảy vào túi các nhà đầu tư nước ngoài.

Theo ông, các doanh nghiệp logistics Bà Rịa-Vũng Tàu mới chỉ có một phần rất nhỏ trong miếng bánh khổng lồ và đang ngày càng phình to của thị trường dịch vụ logistics.

Dẫn số liệu Cục Thống kê tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, Thạc sỹ Đỗ Thanh Phong cho rằng, với hơn 546 doanh nghiệp vận tải, kho bãi, nhưng so với con số hơn 3.000 doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam thì lực lượng doanh nghiệp hoạt động logistics tại Bà Rịa-Vũng Tàu còn quá nhỏ bé.

“Các nhà cung cấp dịch vụ logistics chuyên nghiệp tại Bà Rịa - Vũng Tàu yếu cả về số lượng lẫn chất lượng. Hoạt động của các doanh nghiệp logistics chủ yếu chỉ để hỗ trợ khi có hàng qua cảng hay có khách hàng trên địa bàn chưa tham gia vào chuỗi logistics toàn cầu,” Thạc sỹ Đỗ Thanh Phong nói.

Theo thống kê của Bộ Công Thương , hiện cả nước có khoảng 3.000 doanh nghiệp dịch vụ logistics, song hầu hết là doanh nghiệp quy mô nhỏ, hoạt động đơn lẻ. Cụ thể, có tới 90% đăng ký vốn dưới 10 tỷ đồng, 5% có mức vốn từ 10 - 20 tỷ đồng, còn lại 5% có mức vốn từ 20 tỷ đồng trở lên.

Đáng chú ý, các công ty logistics của Việt Nam với số lượng nhiều nhưng chỉ chiếm thị phần tương đối nhỏ, chủ yếu thực hiện một số khâu dịch vụ trong chuỗi dịch vụ logistics hoặc làm đại lý cho hãng tàu biển nước ngoài.

Hơn nữa, việc quy hoạch cơ sở hạ tầng logistics ở Việt Nam còn mang tính rời rạc và thường tập trung vào các phương thức đơn lẻ như quy hoạch mạng lưới đường bộ, quy hoạch hệ thống cảng... trong khi quy hoạch kết nối các đầu mối logistics hay quy hoạch vận tải đa phương thức còn đang rất hạn chế.

Ví dụ rõ nhất là hiện Việt Nam chưa có quy hoạch nào kết nối giữa đường bộ và đường thuỷ (đây là hai phương thức chủ đạo trong vận chuyển hàng hoá).

Một bất cập nữa là việc đầu tư cho hạ tầng giao thông Việt Nam vẫn chủ yếu cho đường bộ, hơn là các phương thức vận tải có sức chuyên chở lớn và giá cả cạnh tranh như vận tải thuỷ nội địa, đường sắt. Chính điều này hạn chế về sự lựa chọn phương thức vận tải và tạo ra nhiều điểm tắc nghẽn trong chuỗi dịch vụ logistics, làm gia tăng chi phí logistics cho doanh nghiệp.

Theo khảo sát của Hiệp hội doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam, năm 2017 có tới gần 70% doanh nghiệp logistics Việt Nam không có tài sản và chỉ 16% đầu tư trang thiết bị, phương tiện vận tải; 4% đầu tư vào kho bãi, cảng... còn lại phải thuê ngoài.

Với quy mô như vậy, các doanh nghiệp logistics rất khó có thể khai thác được tính hiệu quả kinh tế về quy mô, vốn là điểm mạnh của hoạt động khai thác vận tải và kho bãi. Thông thường, các doanh nghiệp chỉ dừng lại ở việc cung cấp các dịch vụ nhỏ lẻ, đơn nhất của trong chuỗi dây chuyền cung ứng với giá trị gia tăng thấp.

Ông Trần Đức Nghĩa, Tổng Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn quốc tế Delta cũng đưa ra phân tích, trình độ ứng dụng công nghệ thông tin trong các doanh nghiệp logistics Việt Nam còn ở mức độ thấp, đặc biệt là trong hoạt động vận tải đường bộ hiện đang chiếm hơn 77% thị phần vận tải của toàn xã hội và đây là một yếu tố khiến các doanh nghiệp không thể vận hành một cách có hiệu quả, cắt giảm chi phí và nâng cao chất lượng dịch vụ.

Từ thực tế này, ông cho rằng, các cơ quan quản lý nhà nước và các đơn vị cảng, hàng không, hãng tàu phải đi đầu trong ứng dụng công nghệ thông tin theo hướng kết nối với các chủ thể khác của thị trường để tạo ra môi trường IT, tạo ra động lực cho các doanh nghiệp khác trong công tác tin học hóa hoạt động quản lý.

“Hiệp hội doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam đã đề xuất triển khai Lệnh giao hàng điện tử. Nếu hệ thống này được triển khai thì sẽ tiết kiệm hàng triệu giờ công lao động của toàn xã hội hàng năm. Tuy nhiên, để triển khai được một hệ thống như thế thì chúng ta cần sự nỗ lực của toàn xã hội mà trong đó, doanh nghiệp phải tương thích để kết nối và các cơ quan quản lý nhà nước cần sẵn sàng kết nối và chấp nhận,” lãnh đạo Công ty Delta bày tỏ.

Bài 7: Phát triển logistics, kết nối các vùng kinh tế trọng điểm ảnh 3Ảnh chỉ mang tính minh họa.

Tập trung vào những vấn đề cốt lõi

Quyết định số 200/QĐ-TTg ngày 14/02/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Kế hoạch hành động nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2025 khẳng định, logistics là một ngành dịch vụ quan trọng trong cơ cấu tổng thể nền kinh tế quốc dân, đóng vai trò hỗ trợ, kết nối và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của cả nước cũng như của từng địa phương, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.

Chính phủ cũng nhận định, việc phát triển dịch vụ logistics thành một ngành dịch vụ đem lại giá trị gia tăng cao, gắn dịch vụ logistics với phát triển sản xuất hàng hoá, xuất nhập khẩu và thương mại trong nước, phát triển hạ tầng giao thông vận tải và công nghệ thông tin.

Để thực hiện Chiến lược biển Việt Nam, đến thời điểm hiện này, các ngành, các địa phương đã xây dựng chiến lược, quy hoạch, chương trình hành động cho từng lĩnh vực, bước đầu triển khai thu được những kết quả đáng khích lệ. Các đảo lớn như: Côn Đảo, Phú Quốc, Trường Sa, Phú Quý, Lý Sơn, Cồn Cỏ, Cát Bà, Bạch Long Vĩ, Vân Đồn… đã được đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, hệ thống giao thông, mạng lưới điện và thông tin liên lạc… Đồng thời, hệ thống các khu công nghiệp, các cảng biển, cảng cá, khu du lịch từ Quảng Ninh đến Cà Mau… được hình thành, đảm bảo tốt công tác an ninh quốc phòng.

Dù vậy, với tiềm năng hiện có cũng như nhằm tạo ra lực đẩy lớn hơn đối với ngành logistics, theo các chuyên gia, Nhà nước cần tập trung thu hút đầu tư vào phát triển hạ tầng logistics, xây dựng các trung tâm logistics cấp khu vực và quốc tế, nâng cao hiệu quả kết nối giữa Việt Nam với các nước.

Bên cạnh đó, việc hình thành các doanh nghiệp dịch vụ logistics đầu tàu, có đủ sức cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế là hết sức cần thiết, đồng thời hỗ trợ phát triển các doanh nghiệp dịch vụ logistics theo phương châm hiện đại, chuyên nghiệp...

Đặc biệt với quy mô xuất nhập khẩu của Việt Nam đã vượt con số 480 tỷ USD vào năm 2018 thì việc phát triển dịch vụ logistics là yêu cầu tất yếu để nâng cao năng lực cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam trên trường quốc tế.

Ông Lê Quang Trung, Phó Tổng Giám đốc Vinalines đánh giá, nhu cầu luân chuyển hàng hóa không ngừng tăng mạnh trong những năm qua, đặc biệt là vận tải đường biển, song đội tàu của các doanh nghiệp Việt Nam cũng như hệ thống logistics của Việt Nam mới chỉ đáp ứng được một phần rất nhỏ.

Chính vì vậy Nhà nước có thể ưu đãi bằng việc được giành một phần hàng hóa nhất định trong lượng hàng xuất nhập khẩu cho đội tàu của Việt Nam, tổ chức đấu thầu trong nước thay vì đấu thầu quốc tế. Điều này hoàn toàn phù hợp với Luật doanh nghiệp và không trái với quy định của WTO.

Trong khi đó, để tạo đà cho lĩnh vực logistics, ông Stephen Wyaltt, Tổng Giám đốc JLL Việt Nam đề xuất, giải pháp không gian kho linh hoạt có thể là đáp án cho một số khó khăn còn đang tồn tại trong lĩnh vực công nghiệp.

Theo ông, không gian công nghiệp Việt Nam đang có tỷ lệ lấp đầy và giá thuê cao, nếu mô hình kho bãi lĩnh hoạt gia nhập thị trường, chắc chắn dịch vụ này sẽ có được ưu ái từ nhiều doanh nghiệp

Trong năm 2018, theo đánh giá của Ngân hàng thế giới (WB) về chỉ số năng lực logistic của Việt Nam đã tăng từ hạng 64/160 nước lên thứ hạng 39, song để tạo ra sức bật lớn hơn, bên cạnh việc hoàn thiện chính sách phát luật logistics thì việc nâng cao năng lực cạnh tranh trong kết cấu hạ tầng logistics, tăng cường chất lượng dịch vụ là yếu tố rất cần thiết.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Cao Quốc Hưng cho hay, trong thời gian tới, cần khơi thông, phát triển thị trường cho logistics, tạo điều kiện để doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam nhanh chóng vươn lên, bắt kịp trình độ phát triển của khu vực và thế giới.

Ông cũng lưu ý hơn đến việc kiện toàn bộ máy quản lý nhà nước về logistics đồng thời tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, đơn giản và minh bạch các thủ tục hành chính tạo môi trường kinh doanh dịch vụ logitsics thuận lợi, thông thoáng./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục