LOẠT BÀI “KINH TẾ XANH - TẠO ĐỘNG LỰC ĐỂ PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG”

Bài 9: Tái cơ cấu ngành nông nghiệp sẽ hướng tới những 'Giá trị Xanh'

Sự thay đổi trong phương thức sản xuất hướng tới nền Nông nghiệp Xanh, bền vững đang lan tỏa ở hầu hết các ngành hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như: Càphê, rau củ, hồ tiêu, thủy sản, chăn nuôi…

Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đang xây dựng đề án 1 triệu ha lúa gạo chất lượng cao, phát thải thấp. (Ảnh: CTV/Vietnam+)
Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đang xây dựng đề án 1 triệu ha lúa gạo chất lượng cao, phát thải thấp. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

Là một đất nước có tổng diện tích đất nông nghiệp chiếm tới gần 75% diện tích đất tự nhiện, lực lượng lao động nông nghiệp chiếm 30%, đặc biệt, người dân ở nông thôn chiếm đến 70% dân số, ngành nông nghiệp nước ta luôn được coi là “trụ đỡ” của nền kinh tế, đảm bảo lương thực, thực phẩm, an sinh xã hội.

Tuy nhiên, những năm gần đây ngành nông nghiệp phải đối mặt thách thức lớn từ nội tại tới khách quan như: Biến đổi khí hậu, biến động thị trường và biến đổi xu hướng tiêu dùng của thế giới. Những thách thức này đòi hỏi cần phải có sự thay đổi, dịch chuyển để hướng tới một nền nền nông nghiệp "Xanh-Sinh thái-Bền vững".

Tái sinh ngành 'càphê Xanh' và bền vững

Càphê là một trong những sản phẩm nông nghiệp chủ lực của Việt Nam, đặc biệt là khu vực Tây Nguyên. Tuy nhiên, từ năm 2010, ngày càng nhiều diện tích đất càphê già cỗi xuất hiện tại các tỉnh Tây Nguyên khiến năng suất sụt giảm tới 50%, ảnh hưởng tiêu cực đến sản lượng và chất lượng của hạt càphê trong nước và xuất khẩu. Thực trạng canh tác lãng phí nước và lạm dụng phân hóa học làm ảnh hưởng xấu đến môi trường và hạt càphê.

Bắt đầu từ năm 2011, NESCAFÉ Plan đã triển khai một dự án hướng tới giúp nông dân các kỹ thuật canh tác càphê bền vững, giúp bảo tồn đất và nước, nâng cao sản lượng càphê. Chương trình phân phối cho các hộ nông dân những cây giống có năng suất cao và có khả năng kháng bệnh; hỗ trợ người nông dân tiếp cận và thực hành sản xuất cà phê theo bộ tiêu chí 4C (Bộ quy tắc chung cho cộng đồng cà phê), giúp họ thu hoạch được hạt càphê chất lượng cao và bán được với giá tốt hơn. Chương trình còn hướng dẫn nông dân áp dụng mô hình trồng xen canh hợp lý từ đó tăng thu nhập, tăng hiệu quả sử dụng đất.

Nhớ lại những ngày chưa tham gia vào NESCAFÉ Plan, ông Nguyễn Chí Thành (xã Ea Ktur, huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk) chỉ biết canh tác càphê dựa theo quán tính, nhiều lúc chi phí đầu tư quá mức nhưng hiệu quả không tăng, nỗi lo lắng cứ lớn dần lên khi đầu như nhiều vào chăm sóc nhưng mỗi năm càphê lại càng thêm già cỗi, năng suất vẫn thấp.

Khi tham gia NESCAFÉ Plan vào năm 2014, ông Thành mới vỡ lẽ không phải cứ bón nhiều phân là tốt mà có khi còn làm hại cây càphê. Đến nay sau hơn 6 năm tham gia chương trình, kỹ năng định lượng phân bón, nước tưới đã thành thục, ông Thành chia sẻ: “Trước đây canh tác theo quán tính chỉ được 3 tấn/hecta nhưng giờ đã tăng lên 4 tấn/hecta.”

Câu chuyện của gia đình nhà ông Thành chỉ là một trong số hơn 21.000 hộ nông dân tại Tây Nguyên đang làm nông nghiệp tái sinh cùng NESCAFÉ Plan. Nhờ áp dụng thực hành nông nghiệp tái sinh, những người nông dân trồng càphê đã giảm 40% lượng nước tưới, giảm 20% lượng thuốc bảo vệ thực vật và tăng 50-100% thu nhập.

vna_potal_kon_tum_ca_phe_chat_luong_cao_giup_tang_gia_tri_san_xuat_nong_nghiep_6503304.jpg
Càphê chất lượng cao giúp tăng giá trị sản xuất nông nghiệp. (Ảnh: Dư Toán/TTXVN)

Càphê là cây trồng chủ lực của vùng Tây Nguyên, trên 90% diện tích trồng càphê của Việt Nam tập trung ở vùng này. Vì thế, khi nói đến giá trị của cây càphê không phải chỉ có giá trị về mặt kinh tế mà còn có giá trị về mặt sinh thái, môi trường. Đặc biệt, sự thay đổi trong việc trồng càphê không chỉ tác động rất lớn đến chất lượng càphê mà còn tái sinh môi trường, đất tại Tây Nguyên.

Lan tỏa xu hướng Nông nghiệp Xanh

Sự thay đổi hướng tới một nền Nông nghiệp Xanh, bền vững đang không chỉ diễn ra ở ngành càphê mà đã lan tỏa ở hầu hết các ngành hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như: Rau củ, hồ tiêu, thủy sản, chăn nuôi…

Ông Binu Jacob, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Nestlé Việt Nam, Đồng chủ trì Đối tác Phát triển Nông nghiệp Bền vững Việt Nam (PSAV) cho biết trong khi nhóm ngành hàng càphê thúc đẩy thực hành các thực hành nông nghiệp bền vững và phát thải thấp; thí điểm đo lường phát thải trong canh tác… thì nhóm ngành hàng hồ tiêu và gia vị cũng đã đạt được kết quả tích cực tại nhiều địa phương khi giảm lượng nước tưới đến 25%; giảm 15% lượng thuốc bảo vệ thực vật; tăng cường sử dụng phân bón hữu cơ vi sinh.

Nhóm ngành hàng rau củ cũng tiết kiệm nước bằng phương thức tưới phun sương và tưới nhỏ giọt; hướng tới tăng dinh dưỡng cho đất bằng khuyến cáo người nông dân luân phiên cây trồng. Đối với nhóm hóa chất nông nghiệp, nhiều doanh nghiệp cũng đã ứng dụng phun thuốc không người lái (UAV/Drone) xây dựng nội dung và tài liệu hình động để hướng dẫn sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trực quan và dễ hiểu.

Không nằm ngoài xu hướng Nông nghiệp Xanh, một ngành hàng xuất khẩu chủ lực là thủy sản cũng triển khai các hoạt động chứng nhận sản xuất có trách nhiệm với môi trường, các sáng kiến giảm thiểu năng lượng điện và lượng nước. Nhóm ngành hàng chăn nuôi hợp tác chặt chẽ với các bên liên quan, theo dõi chuỗi cung ứng; đặt người nông dân là trọng tâm, xây dựng những chương trình, giáo trình đào tạo chuyên sâu cho nông dân.

Việc hướng tới chuyển đổi Nông nghiệp Xanh, bền vững không chỉ ở những doanh nghiệp lớn mà ở những nông hộ có quy mô nhỏ hơn, nhiều mô hình nông nghiệp tuần hoàn, tiết kiệm chi phí, năng lượng, giảm phát thải cũng được triển khai hiệu quả như: Mô hình kết hợp trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản (mô hình VAC, lúa-tôm, lúa-cá…); mô hình nông-lâm kết hợp, mô hình vườn-rừng; mô hình Vườn-Ao-Chuồng-Bioga (VACB); Vườn-Ao-Chuồng-Rừng (VACR) ở các tỉnh miền núi; Vườn-Ao-Hồ (VAH) ở các tỉnh miền Trung…

Sản xuất nông nghiệp phải tạo ra các giá trị mới

Thị trường xuất khẩu không ngừng mở rộng, nông sản Việt Nam hiện đã có mặt trên 190 quốc gia và vùng lãnh thổ. Kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản tăng mạnh từ 27,76 tỷ USD năm 2013 lên mức kỷ lục 53,53 tỷ USD vào năm 2022, đạt tốc độ tăng trưởng bình quân 7,12%/năm.

Thế nhưng, bên cạnh những thành tựu đạt được, ngành nông nghiệp phải đối mặt với nhiều khó khăn khi nguồn tài nguyên thiên nhiên ngày càng cạn kiệt, ô nhiễm môi trường do sản xuất nông nghiệp gia tăng cùng với biến đổi khí hậu diễn ra nhanh và mạnh hơn so với dự báo, thiên tai ngày càng khắc nghiệt, gây thiệt hại lớn cho hoạt động sản xuất nông nghiệp.

vna_potal_thuc_day_kinh_te_nong_nghiep_tuan_hoan__6644945.jpg
Những mô hình kinh tế nông nghiệp tuần hoàn xuất hiện ở một số địa phương hiện nay không chỉ nâng cao giá trị kinh tế mà còn giải quyết tốt vấn đề ô nhiễm môi trường. (Ảnh: Xuân Anh/TXVN)

Trong bối cảnh này, việc phát triển nền nông nghiệp Xanh, bền vững, thân thiện với môi trường qua mô hình kinh tế tuần hoàn trong sản xuất nông nghiệp là xu thế tất yếu. Thêm vào đó, áp lực sản xuất các sản phẩm nông nghiệp đảm bảo các tiêu chí về chất lượng ngày càng lớn, đặc biệt là khi thị trường xuất khẩu nông sản lớn nhất là Trung Quốc vốn dễ tính cũng đang đưa ra các tiêu chuẩn ngày càng khắt khe hơn.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Minh Hoan nhấn mạnh trong bối cảnh khí hậu đang thay đổi, thị trường, cách lựa chọn của người tiêu dùng cũng thay đổi. Vì vậy, sản xuất nông nghiệp chắc chắn phải thay đổi để tạo ra các giá trị mới, phù hợp với xu thế của thời đại. Bối cảnh mới đòi hỏi sản phẩm nông nghiệp cần có trách nhiệm với người tiêu dùng, đảm bảo lợi ích của nông dân sản xuất nhỏ, và bền vững của môi trường toàn cầu.

“Nông nghiệp Việt Nam ngày càng phải thể hiện trách nhiệm mạnh mẽ hơn với cộng đồng quốc tế, đặc biệt về bảo tồn tài nguyên, đa dạng sinh học, giảm phát thải, thích ứng và đồng thích ứng với biến đổi khí hậu,” Bộ trưởng Lê Minh Hoan nói.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan khẳng định nền nông nghiệp Việt Nam sẽ phát triển theo hướng nông nghiệp Xanh, nông nghiệp sinh thái bằng việc áp dụng đồng bộ các quy trình, công nghệ; sử dụng hợp lý, tiết kiệm vật tư đầu vào cho sản xuất nông nghiệp, sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên thiên nhiên, không gây ảnh hưởng tới môi trường, sức khỏe con người.

Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030 tầm nhìn 2050 đó là “Phát triển nền Nông nghiệp Xanh, thân thiện với môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm ô nhiễm môi trường nông thôn”. Theo chiến lược này, Việt Nam chủ trương đẩy mạnh cơ cấu lại nông nghiệp, chuyển đổi từ “tư duy sản xuất” sang “tư duy kinh tế,” hướng tới những “giá trị Xanh” được tạo nên từ “chuyển đổi Xanh, tiêu dùng Xanh, kinh tế Xanh.”

Việt Nam đã cam kết đạt mức phát thải carbon ròng bằng không vào năm 2050, giảm 30% lượng khí thải metan từ lúa gạo và ngăn chặn nạn phá rừng vào năm 2030. Sự chuyển dịch sang một ngành Nông nghiệp Xanh, bền vững sẽ đóng góp rất lớn vào xây dựng một nền kinh tế Xanh, đạt được các cam kết của Việt Nam./.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã ban hành Kế hoạch hành động của Bộ thực hiện Chiến lược Quốc gia về Tăng trưởng Xanh giai đoạn 2021-2030 với các mục tiêu cụ thể:

- Nâng cao hiệu quả sử dụng và bảo vệ tài nguyên đất nước, thủy sản, rừng, bảo tồn đa dạng sinh học. Tỷ lệ che phủ rừng duy trì ở mức 42%, diện tích có chứng chỉ quản lý rừng bền vững trên 1 triệu ha.

- Giảm thâm dụng đầu vào hóa chất nông nghiệp tăng hiệu quả sử dụng nguồn lực tự nhiên trong quá trình sản xuất nông nghiệp. Tỷ lệ sản phẩm phân bón hữu cơ trong tổng sản phẩm phân bón được sản xuất và tiêu thụ đạt trên 30%; tăng số lượng thuốc bảo vệ thực vật sinh học trong danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng lên trên 30%; có ít nhất 30% tổng diện tích cây trồng cạn có tưới được áp dụng phương pháp tưới tiên tiến, tiết kiệm nước.

- Chuyển đổi 300.000 ha đất lúa sang trồng các loại cây trồng khác có hiệu quả cao hơn cả về kinh tế và môi trường; diện tích đất trồng trọt hữu cơ đạt khoảng trên 2% tổng diện tích đất trồng trọt. Tỷ lệ sản phẩm chăn nuôi hữu cơ đạt khoảng 2-3% tính trên tổng sản phẩm chăn nuôi sản xuất trong nước.

- Mở rộng quy mô áp dụng các thực hành sản xuất nông nghiệp tốt nhằm nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng năng lực cạnh tranh và giảm phát thải khí nhà kính lĩnh vực nông nghiệp theo kế hoạch của quốc gia.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục