Hơn 30 năm hình thành và phát triển, các khu kinh tế, khu công nghiệp trở thành nhân tố quan trọng trong việc thu hút đầu tư, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế đất nước đồng thời gia tăng kim ngạch xuất khẩu, góp phần mở rộng thị trường quốc tế, đóng góp đáng kể vào nguồn thu ngân sách Nhà nước và tạo việc làm cho người lao động.
Cùng với đó, công tác bảo vệ môi trường tại các khu kinh tế, khu công nghiệp được xem là mục tiêu quan trọng để thực hiện phát triển bền vững, thúc đẩy bảo đảm quyền được sống trong môi trường trong lành của người dân.
Đã đến lúc chấm dứt xả thải gây ô nhiễm
Theo số liệu báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến cuối năm 2022, Việt Nam có 407 khu công nghiệp, 18 khu kinh tế ven biển, 26 khu kinh tế cửa khẩu tại 61/63 tỉnh, thành phố, thu hút trên 21 nghìn dự án đầu tư trong và ngoài nước với tổng vốn đăng ký khoảng 340 tỷ USD, đóng góp gần 12% tổng thu ngân sách Nhà nước.
Tuy nhiên, Báo cáo Công tác bảo vệ môi trường của Chính phủ cũng chỉ ra bên cạnh những việc làm được, số lượng dự án đang vận hành tại các khu kinh tế, khu công nghiệp thuộc nhóm ngành nghề có nguy cơ ô nhiễm môi trường (như luyện kim, khai thác khoáng sản, phá dỡ tàu biển, sản xuất giấy, bột giấy, dệt nhuộm, thuộc da, lọc hóa dầu, nhiệt điện, thép, hóa chất, phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật…) còn nhiều và chiếm tỷ lệ lớn trong việc phát sinh các loại nước thải, chất thải nguy hại. Trong đó, số khu công nghiệp chưa có hệ thống xử lý nước thải tập trung còn khoảng 10%; chưa được kiểm tra, xác nhận việc hoàn thành công trình bảo vệ môi trường chiếm 20%. Đặc biệt, khu công nghiệp chưa có công trình phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường theo quy định lên tới 75%.
Bài 1 - Phát triển Kinh tế Xanh: Vững mạnh trên bờ, ‘bứt phá’ ra biển lớn
Cùng với việc chuyển đổi nền kinh tế truyền thống sang Kinh tế Xanh, Việt Nam đã và đang nỗ lực tạo dựng “đường băng Xanh” để hướng ra biển lớn, trở thành quốc gia giàu mạnh về biển.
Hiện chất lượng nguồn nước tại các lưu vực sông nơi tiếp nhận nước thải nói chung và nước thải công nghiệp từ các khu công nghiệp, khu kinh tế nói riêng (như lưu vực sông Nhuệ-Đáy, lưu vực sông Đồng Nai, lưu vực sông Mê Công, lưu vực sông Cầu…) đang có dấu hiệu ô nhiễm với nhiều thông số vượt quy chuẩn cho phép. Cá biệt, một số khu vực có thời điểm chỉ số chất lượng nước (WQI) đo được ở mức xấu, thậm chí là kém (như sông Nhuệ) và ô nhiễm (như sông Sài Gòn). Mặt khác, vấn đề nổi cộm nhất đối với các khu công nghiệp là ô nhiễm bụi, đặc biệt là tại các khu công nghiệp khu vực phía Bắc có công nghệ cũ, lạc hậu. Thêm vào đó, tình trạng ô nhiễm tiếng ồn và mùi còn xảy ra cục bộ tại một số khu công nghiệp (nơi hoạt động của các nhà máy xử lý nước thải, nhà máy chế biến tinh bột, cao su, giày…). Đối với môi trường đất, các kết quả quan trắc chất lượng đất nông nghiệp xung quanh các khu công nghiệp tại Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh Bình Định, Đà Nẵng, Bình Dương… có hàm lượng kim loại nặng ngày càng gia tăng như đồng, kẽm, cadimi, arsenic, thủy ngân, crom…
Về hiệu quả, các khu công nghiệp cũng chưa khai thác hết năng lực và phát huy hết vai trò của mình. Tỷ lệ lấp đầy của các khu công nghiệp chỉ đạt 57%, với tỷ suất thu hút đầu tư trung bình thấp, khoảng 4,6 triệu USD/ha đất công nghiệp đã cho thuê. Nguyên nhân là do công tác quy hoạch chưa đáp ứng yêu cầu của quá trình phát triển, mang tính cục bộ, thiếu gắn kết tổng thể hài hòa với lợi ích quốc gia. Cơ sở hạ tầng xã hội, nguồn nhân lực, sử dụng đất và đô thị, hạ tầng giao thông không đáp ứng được tính liên kết vùng. Các khu kinh tế, khu công nghiệp cũng chưa tác động nhiều đến sản xuất công nghiệp của địa phương do mô hình hợp tác sản xuất đơn lẻ. Vì vậy, các doanh nghiệp rất khó tham gia vào chuỗi giá trị của doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Trên thực tế, hạ tầng kỹ thuật bảo vệ môi trường nhiều nơi còn không đồng bộ.
Để tăng tính bền vững của sản xuất công nghiệp, giảm ô nhiễm môi trường, đảm bảo lợi ích kinh tế, xã hội của các khu công nghiệp, mô hình EIP (đề xuất cải tiến Ethereum) đã ra đời. Đây là điều kiện tiên quyết để xây dựng mô hình các khu công nghiệp sinh thái, bao gồm mức độ phối hợp và hợp tác giữa các ngành hay còn gọi là “cộng sinh công nghiệp,” trong đó năng lượng và vật liệu do một ngành sản xuất được tiêu thụ làm đầu vào cho ngành hay doanh nghiệp khác.
KCN sinh thái – mô hình của “tương lai xanh”
Mô hình khu công nghiệp sinh thái đã được Chính phủ nêu rõ tại Nghị định số 35/2022/NĐ-CP 28/5/2022 quy định về quản lý khu công nghiệp và khu kinh tế, các quy định liên quan đến kinh tế tuần hoàn tại pháp luật về bảo vệ môi trường, được lồng ghép vào Chiến lược thực hiện sản xuất và tiêu dùng bền vững đến năm 2030, Chiến lược Tăng trưởng Xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050, góp phần hiện thực hóa cam kết đưa mức phát thải ròng về 0 vào năm 2050 tại Hội nghị COP 26, thực hiện Đóng góp quốc gia tự quyết định (NDC) của Việt Nam và các mục tiêu phát triển bền vững (SDG).
Theo ông Lê Thành Quân, Vụ trưởng Vụ Quản lý các Khu kinh tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, phát triển các KCN sinh thái là giải pháp tối ưu, nhằm thực hiện kinh tế tuần hoàn thay thế kinh tế tuyến tính truyền thống. Hơn nữa, KCN sinh thái đang trở thành tiêu chí lựa chọn của các nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) với mục tiêu phát triển bền vững, lợi ích kinh tế song hành trách nhiệm với cộng đồng và xã hội. KCN sinh thái sẽ đóng góp đáng kể vào nỗ lực ứng phó với biến đổi khí hậu, huy động nguồn lực từ khu vực tư nhân cho giải pháp công nghiệp xanh, đảm bảo an ninh năng lượng, thể hiện quyết tâm chính trị của Chính phủ trong việc thực hiện các cam kết phát triển bền vững.
Ông Lê Thành Quân cho biết từ năm 2015-2019, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã phối hợp với Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên Hợp Quốc (UNIDO) triển khai thí điểm mô hình khu công nghiệp sinh thái tại Ninh Bình, Đà Nẵng và Cần Thơ. Kết quả, có trên 72 doanh nghiệp thực hiện hơn 900 giải pháp tiết kiệm năng lượng và sản xuất sạch (RECP), tiết kiệm 76 tỷ đồng/năm và huy động được khoảng 207 tỷ đồng từ khu vực tư nhân, cắt giảm được 32 kilo tấn khí CO2/năm và bước đầu đem lại hiệu quả về mặt kinh tế, xã hội và môi trường. Sang giai đoạn 2020-2023, 3 KCN tại TP. Hồ Chí Minh, Hải Phòng và Đồng Nai đã được chuyển đổi sang mô hình KCN sinh thái theo khung quốc tế và là tiền đề để nhân rộng mô hình này trên cả nước.
Bên cạnh đó, báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư có chỉ ra việc vây dựng mạng lưới cộng sinh công nghiệp tại các khu công nghiệp đang ở mức độ tự phát. Các doanh nghiệp tự tìm kiếm cơ hội liên kết, thực hiện các mối quan hệ chính sách công nghiệp phi chính thức, không công bố và đăng ký với các cơ quan hữu quan. Hầu hết là cộng sinh phụ phẩm trong cùng khu công nghiệp: Doanh nghiệp A bán bao bì cho Doanh nghiệp B tái chế giấy thải làm nguyên liệu sản xuất giấy, bìa cứng; hay doanh nghiệp X chế biến cá da trơn thải đầu, xương, nội tạng cá và bán toàn bộ cho Doanh nghiệp Z chế biến thức ăn chăn nuôi… Những hình thức cộng sinh công nghiệp này phát sinh dựa trên nguyên tắc thị trường và lợi ích dễ thấy nhất là giảm chi phí vận chuyển do lợi thế về khoảng cách địa lý. Tuy nhiên, do văn hóa “đóng cửa” và thiếu thông tin trong kinh doanh, nhiều doanh nghiệp đã không tìm được đối tác cộng sinh cho sản phẩm phụ của mình.
Bài 2: ‘Xanh hóa’ giao thông: Con đường phải đi để phát triển bền vững
Ngành Giao thông Vận tải đẩy mạnh tái cơ cấu vận tải theo hướng giảm thị phần vận tải đường bộ, tăng các phương thức vận tải hàng hải, đường thủy nội địa và đường sắt thân thiện với môi trường.
Ông Phạm Hồng Điệp, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Shinec (Hải Phòng), nhấn mạnh cộng sinh công nghiệp không chỉ dừng lại ở loại cộng sinh phụ phẩm, chất thải mà còn có rất nhiều tiềm năng ở các loại cộng sinh khác, bao gồm cộng sinh tiện ích và chia sẻ cơ sở hạ tầng, cộng sinh nguồn cung và công sinh dịch vụ-công nghiệp-đô thị...
“Tiềm năng về cộng sinh công nghiệp trong các khu công nghiệp ở Việt Nam là rất lớn ở đa dạng ở các loại hình khác. Trong thời gian qua, các cấp quản lý Nhà nước ở trung ương và địa phương đã đẩy mạnh tuyên truyền kiến thức và tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp trong việc tìm kiếm các liên kết cộng sinh công nghiệp, góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp cụ thể hóa tiềm năng của mình,” ông Điệp nói.
Gỡ rào cản để tiến tới kinh tế cộng sinh
Tuy nhiên, ông Điệp cũng chỉ ra một số rào cản, trong đó quan trọng nhất là quy định pháp luật. Hiện nay, Nghị định 82/2018/ND-CP quy định khái niệm, tiêu chí một số ưu đãi đối với khu công nghiệp sinh thái, trong khi các hướng dẫn cụ thể về tiêu chuẩn tái sử dụng chất thải, nước, phế phẩm, công nghệ mới được giao cho các bộ, ngành liên quan nhưng chưa được ban hành (như việc tái sử dụng nước thải được quy định tại Nghị định số 38/2015/ND-CP của Chính phủ về Quản lý chất thải và phế liệu).
Vì vậy, ông Điệp cho rằng việc tháo gỡ các rào cản pháp lý liên quan nêu trên là yêu cầu cấp thiết để doanh nghiệp có cơ sở pháp lý cụ thể hóa việc thực thi công sinh công nghiệp trên thực tế. Ông Điệp nhấn mạnh để hiện thực các tiềm năng cộng sinh tại các khu công nghiệp cần đảm bảo 5 yếu tố về thuận lợi pháp lý (văn bản pháp luật cho phép thực hiện), nhận thức của các bên tham gia (chủ doanh nghiệp thứ cấp), niềm tin vào đối tác (chia sẻ thông tin, sẵn sàng đàm phán, hợp tác), công nghệ khả thi, phù hợp và nguồn lực tài chính sẵn có.
Về điều này, ông Lê Thành Quân cho rằng việc đổi mới mô hình khu công nghiệp hiện tại sang hướng sinh thái, hiệu quả cao cần lấy khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo làm trụ cột (chủ động kiến tạo, tạo môi trường cho các doanh nghiệp công nghệ, start-up được hình thành và phát triển).
Bên cạnh đó, các địa phương cần ưu tiên dành quỹ đất và nguồn lực cho các dự án R&D, nghiên cứu thử nghiệm sản phẩm mới, ứng dụng công nghệ cao, chuyển đổi số, tiết kiệm năng lượng... Mục tiêu là phát triển sản xuất, công nghiệp, dịch vụ trên nguyên tắc tiết kiệm và sử dụng hiệu quả nguồn lực đất đai, gắn với liên kết phát triển vùng, hình thành cụm liên kết ngành.
Để làm được những điều này, ông Quân cho rằng cần nâng cao hiệu lực và hiệu quả công tác quản lý nhà Nước. Cụ thể là kiện toàn bộ máy quản lý cả trung ương và địa phương theo hướng tinh gọn, một đầu mối, đủ thẩm quyền, đủ năng lực để phát triển các mô hình mới, tiếp cận phương thức hiện đại.
Mặt khác, hệ thống cơ sở dữ liệu, thông tin quốc gia về khu công nghiệp cần được xây dựng để phục vụ công tác xúc tiến, thu hút, hợp tác đầu tư và quản lý Nhà nước. Quan điểm nhất quán là phát triển kinh tế phải đi liền với phát triển hạ tầng xã hội, đảm bảo bền vững về môi trường. Công tác quy hoạch ngay từ đầu phải hoàn thiện hệ sinh thái công nghiệp-đô thị-dịch vụ, đảm bảo cho việc phát triển bền vững các công nghiệp.
Ngoài ra, ông Quân nhấn mạnh cần thực hiện các giải pháp về tăng cường giám sát bảo vệ môi trường, đầu tư đồng bộ kết cấu hạ tầng khu công nghiệp và đảm bảo công tác an sinh xã hội, đời sống người lao động./.
BOX: Để đạt được những mục tiêu phát triển bền vững, Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đã hoàn thiện các quan điểm về bảo vệ môi trường, trong đó nêu rõ tỷ lệ xử lý và tái sử dụng nước thải ra môi trường lưu vực các sông đạt trên 70% và 100% các cơ sở sản xuất, kinh doanh đạt quy chuẩn về môi trường. …
Bên cạnh đó, hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật từ Luật Bảo vệ môi trường cho đến các Nghị định, Thông tư hướng dẫn đã và đang được hoàn thiện từ Trung ương đến địa phương.