Văn phòng Chính phủ cho biết thực hiện nhiệm vụ kiểm soát quy định thủ tục hành chính trong dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật, 9 tháng năm 2024, có 1.036 thủ tục hành chính tại 149 dự thảo văn bản quy phạm pháp luật được đánh giá tác động và 1.407 thủ tục hành chính tại 210 dự thảo văn bản quy phạm pháp luật được thẩm định.
Có 430 thủ tục hành chính, 37 quy định kinh doanh tại 43 văn bản quy phạm pháp luật được thẩm tra, trong đó đã đề nghị không quy định 24 thủ tục hành chính, 1 quy định kinh doanh, sửa đổi, bổ sung 251 thủ tục hành chính, 17 quy định kinh doanh (chiếm 62,7%).
Tính riêng trong tháng 9/2024, các bộ, ngành, địa phương đã đánh giá tác động đối với 87 thủ tục hành chính tại 13 dự thảo văn bản quy phạm pháp luật (gồm 1 luật, 5 nghị định, 2 thông tư, 1 nghị quyết của Hội đồng Nhân dân cấp tỉnh, 4 quyết định của Ủy ban Nhân dân tỉnh), thẩm định 92 thủ tục hành chính quy định tại 25 dự thảo văn bản quy phạm pháp luật (3 luật, 1 nghị định, 5 thông tư, 16 quyết định của Ủy ban Nhân dân tỉnh).
Văn phòng Chính phủ đã thực hiện thẩm tra đối với 83 thủ tục hành chính, 1 quy định kinh doanh tại 7 dự thảo văn bản quy phạm pháp luật (3 luật, 4 nghị định), trong đó đề nghị không quy định 10 thủ tục hành chính, sửa đổi, bổ sung 36 thủ tục hành chính.
Cũng trong tháng 9/2024, có 15 thủ tục hành chính được ban hành mới, 18 thủ tục hành chính được sửa đổi, bổ sung và 30 thủ tục hành chính được bãi bỏ tại 15 văn bản quy phạm pháp luật thuộc phạm vi quản lý nhà nước của các Bộ: Công Thương, Giao thông vận tải, Giáo dục và Đào tạo, Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Tài chính và của Ngân hàng Chính sách xã hội.
Có 2 thủ tục hành chính ban hành mới tại văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền của thành phố Đà Nẵng.
Như vậy, 9 tháng qua, các bộ, ngành đã ban hành và trình cấp có thẩm quyền ban hành mới 280 thủ tục hành chính, sửa đổi, bổ sung 1.151 thủ tục hành chính, bãi bỏ 354 thủ tục hành chính tại 251 văn bản quy phạm pháp luật.
Các địa phương đã ban hành mới 19 thủ tục hành chính, sửa đổi, bổ sung 1 thủ tục hành chính, bãi bỏ 29 thủ tục hành chính tại 13 văn bản quy phạm pháp luật.
Đến nay, tổng số thủ tục hành chính thuộc phạm vi quản lý và thẩm quyền giải quyết của các bộ, ngành, địa phương được công khai trên Cổng Dịch vụ công quốc gia là 6.369 thủ tục.
Văn phòng Chính phủ đã tổng hợp 221 thủ tục hành chính, quy định kinh doanh cần cắt giảm, đơn giản hóa đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại 32 luật gửi Bộ Tư pháp - cơ quan thường trực Ban chỉ đạo rà soát, xử lý vướng mắc trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật để thúc đẩy thực thi các phương án cắt giảm, đơn giản hóa.
Đồng thời, Văn phòng Chính phủ xây dựng dự thảo Nghị quyết của Chính phủ phê duyệt Chương trình cắt giảm giấy phép và đổi mới hoạt động cấp phép tại bộ, ngành, địa phương giai đoạn 2025-2030, gửi xin ý kiến các bộ, địa phương, cơ quan có liên quan trước khi trình Chính phủ xem xét, quyết định.
Điểm đáng chú ý trong dự thảo Nghị quyết này là cắt giảm ngành nghề, điều kiện kinh doanh, thủ tục hành chính không cần thiết, không hợp lý, không hợp pháp; tự động hóa hoạt động cấp phép dựa trên công nghệ, dữ liệu số, giảm thủ tục, giảm tầng nấc trung gian, chuyển mạnh từ tiền kiểm sang hậu kiểm.
Cùng với đó, chuyển một số nhiệm vụ và dịch vụ hành chính công mà Nhà nước không nhất thiết phải thực hiện cho doanh nghiệp, các tổ chức xã hội đảm nhiệm; giảm tối đa chi phí tuân thủ cho người dân, doanh nghiệp, tạo môi trường đầu tư, sản xuất, kinh doanh công khai, minh bạch, thông thoáng, hiệu quả, khơi thông các nguồn lực xã hội, thúc đẩy thu hút đầu tư, góp phần phát triển kinh tế-xã hội.
Phấn đấu đến năm 2030 giảm tối thiểu 30% giấy phép; 50% thủ tục hành chính nội bộ trong hoạt động cấp phép; 100% thông tin, giấy tờ, tài liệu trong thủ tục cấp phép chỉ cung cấp một lần cho cơ quan nhà nước; số hóa, cung cấp 100% thủ tục hành chính về cấp phép trên môi trường điện tử.
Theo Nghị quyết, thực hiện cắt giảm giấy phép và đổi mới hoạt động cấp phép đối với các thủ tục hành chính, quy định để điều chỉnh việc gia nhập thị trường hoặc thực hiện một hoạt động cụ thể trong quá trình đầu tư, sản xuất, kinh doanh của cá nhân, tổ chức./.
Tiếp tục cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, quy định kinh doanh
Từ năm 2021 đến nay, thủ tục hành chính, quy định kinh doanh tiếp tục được cắt giảm, đơn giản hóa; số lượng và chất lượng dịch vụ công trực tuyến được nâng lên.