Bán bánh tráng nuôi 5 người con học đại học

Vợ chồng bác Nguyễn Đình Thân và Phạm Thị Thu ở Quảng Nam đã quyết tâm chấp nhận cực khổ, bán bánh tráng nuôi 5 người con ăn học.
Đối với nhà nông, con vào được đại học đã là một nỗi nhọc nhằn, vất vả, để có tiền nuôi con học đại học thì sự khó khăn, vất vả thêm trăm bề. Thế nhưng vợ chồng bác Nguyễn Đình Thân và Phạm Thị Thu ở thôn Phú Mỹ, xã Tam Phước (huyện Phú Ninh, tỉnh Quảng Nam) đã quyết tâm chấp nhận cực khổ, bươn chải kiếm tiền trang trải, nuôi dạy và cho cả 5 người con ăn học nên người.

Người con gái đầu Nguyễn Thị Hoài Tâm, năm nay 28 tuổi, tốt nghiệp chuyên ngành Kế toán-Tài chính ở Đại học Đà Nẵng và hiện công tác tại Ban quản lý công trình công cộng thành phố Tam Kỳ. Người con kế tiếp Nguyễn Thị Hoài Thành, 26 tuổi, tốt nghiệp cử nhân chuyên ngành Toán-Tin, trường Đại học Quy Nhơn, hiện dạy tại trường Trung học phổ thông Bắc Trà My.

Em Nguyễn Thị Hoài Trúc, 24 tuổi, tốt nghiệp cử nhân chuyên ngành Kế hoạch-Đầu tư ở Đại học Thành phố Hồ Chí Minh, đang công tác tại Trường Hải Group. Em Nguyễn Thị Hoài Linh, 21 tuổi, đang theo học năm thứ 3 chuyên ngành Điện tử-Viễn thông trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng. Cuối cùng là Nguyễn Thị Hoài Tiên, 19 tuổi, hiện học năm thứ nhất chuyên ngành Quản lý Công trình, trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng.

Bác Thân, trong vài năm trở lại đây được bầu làm Phó Chủ tịch Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc xã, Phó Chủ tịch Hội khuyến học của xã. Công việc xã hội chiếm hết thời gian, kinh tế gia đình phần lớn nhờ vào sự lo toan của người vợ.

Tính đến nay, bác Thu đã có gần 30 năm làm nghề buôn bán bánh tráng. Mỗi ngày bác có khoảng 40 - 50.000 đồng. Công việc tuy không nặng nhọc nhưng hàng ngày bác Thu phải thức dậy từ 3 giờ sáng để nhóm lò và công việc tráng bánh kéo dài đến 11-12 giờ trưa. Nhiều hôm mưa thất thường, vợ chồng hai bác phải mua than về sấy để cho bánh khỏi hỏng.

Bánh tráng làm ra, bác Thu đem bán cho khách hàng từ Tam An, Tam Đàn, Tam Thành (huyện Phú Ninh) đến nhiều vùng khác. Những lúc như vậy, tranh thủ đường về, bác mua thêm khoai lang, buồng chuối, con gà, con vịt... để đem về bán ở các chợ lân cận kiếm thêm ít tiền, trang trải chi phí gia đình.

Với khoản thu nhập thấp nhưng cách làm của vợ chồng bác Thân cũng đáng để cho những gia đình khác tham khảo. Vợ chồng bác lên kế hoạch cụ thể và đã có dự tính từ trước: "Khi con vào đến lớp 10, làm gì thì làm mỗi ngày phải cố gắng tiết kiệm bỏ vào heo đất 20.000 đồng, cứ thế cuối năm lấy ra mua vàng và sau này dùng số vàng ấy bán lấy tiền cho con ăn học".

Ngoài số tiền dành dụm được từ việc nuôi heo đất, khi cần thiết vợ chồng bác cũng phải chạy vạy khắp nơi vay mượn bà con, làng xóm và vay qua kênh từ các ngân hàng để nuôi con ăn học.

Điều đáng mừng đối với vợ chồng hai bác là trong những năm gần đây, nhờ chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về việc hỗ trợ cho sinh viên đã góp phần trực tiếp vào việc học tập của các con bác và giảm bớt gánh nặng lo toan cho gia đình./.
(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục