Bạn bè Pháp nhớ về đàm phán ký Hiệp định Paris

Bốn mươi năm đã qua đi, nhưng câu chuyện về ngày đàm phán ký kết Hiệp định Paris như còn mới nguyên với những người bạn Pháp.
Nhân dịp kỷ niệm 40 năm ngày ký Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh và lập lại hòa bình ở Việt Nam, phóng viên TTXVN tại Pháp có cuộc gặp gỡ với những người vinh dự được Chính phủ Việt Nam mời về Hà Nội tham dự các hoạt động kỷ niệm sự kiện lịch sử này. Đó là bà Hélène Luc, cựu nghị sĩ, Chủ tịch danh dự Hội hữu nghị Pháp Việt (AAFV), và ông Michel Strachinescu, một trong hai lái xe đưa đón bà Nguyễn Thị Bình, Trưởng đoàn đàm phán của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, sau là Chính phủ Cách mạng Lâm thời miền Nam Việt Nam), trong những năm tháng đấu tranh để đi đến ký kết văn kiện lịch sử này tại Pháp.  Ngay từ đầu khi gặp gỡ với chúng tôi bà Hélène Luc cho biết khi mới 17 tuổi cho đến ngày này bà luôn đấu tranh ủng hộ cuộc chiến đấu vì hòa bình của nhân dân Việt Nam, chống chủ nghĩa thực dân Pháp. Sau này, với cương vị là nghị sỹ bà luôn chống chủ đế quốc Mỹ. Cả cuộc đời bà, bà đã cùng với Đảng cộng sản Pháp đấu tranh vì hòa bình và tình hữu nghị của các dân tộc trên thế giới. Bốn mươi năm đã qua đi, nhưng câu chuyện vẫn như còn mới nguyên đối bà Hélène Luc, bà rành mạch kể về những năm tháng đó. Bà cho biết bà không thể nào quên hình ảnh Việt Nam, đất nước đã giành chiến thắng Điên Biên Phủ và cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Trong cuộc kháng chiến này, bà cùng chồng và nhiều bạn bè Pháp đã “tham gia với hết mức có thể” để ủng hộ cuộc đấu tranh vì hòa bình của nhân dân Việt Nam. Nhìn lại chặng đường lịch sử ấy, bà Hélène Luc cho biết, sau cuộc tổng tấn công và nổi dậy năm 1968, Pháp đã tiếp hai đoàn Việt Nam, một đoán ở Choisy-Le-Roi và một đoàn ở Massy. Để giúp đoàn có thể giải quyết được những khó khăn về vật chất và khắc phục điều kiện làm việc của ông Xuân Thủy và ông Lê Đức Thọ, bà Hélène Luc cùng các bạn bè Đảng cộng sản Pháp đã dành “tất cả sự giúp đỡ hiệu quả và có thể” và sự “ủng hộ của tình đồng chí và mối quan hệ anh em” (Fraternité) cho đoàn. Bà cũng không ngờ rằng đàm phán kéo dài đến 5 năm.
Bạn bè Pháp nhớ về đàm phán ký Hiệp định Paris ảnh 1
Bức ảnh về buổi làm việc của bà Nguyễn Thị Bình - Trưởng đoàn Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam.
Theo bà khi đó Mỹ chỉ có hoặc lựa chọn leo thang tiếp tục đánh phá Miền Bắc Việt Nam hoặc phải chọn phương án ngồi vào bàn đàm phán với Việt Nam. Cuối cùng họ không có còn con đường nào khác phải chọn phương án thứ hai - ngồi vào bàn đàm phán với Việt Nam. Vì lúc đó một làn sóng đấu tranh mạnh mẽ lên án cuộc chiến phi nghĩa của đế quốc Mỹ và ủng hộ mạnh mẽ nhân dân Việt Nam đã dấy lên ở nhiều nước trên thế giới, như Đức, Italy, Tây Ban Nha… ở châu Âu, kể cả ở Mỹ. Đài phát thanh của Pháp đã phát đi rất nhiều chương trình về các hoạt động liên quan đến Việt Nam. Ở Pháp lúc đó cũng có cuộc biểu tình rất lớn trên đại lộ Saint Michel thu hút khoảng 40.000 người nhằm kêu gọi thế hệ thành niên cộng sản và bạn bè Đảng Cộng sản Pháp ủng hộ và giúp đỡ Việt Nam. Ngoài ra, bà cùng các bạn bè Pháp kêu gọi sự giúp đỡ tự nguyện của hai cơ quan Pháp trong việc bảo vệ an ninh thường xuyên khu nhà của đoàn đại biểu Việt Nam và Trung tâm hội nghị quốc tế Kléber. Tham gia các buổi biểu míttinh biểu tình trực tiếp để bắt Mỹ phải ngồi vào bàn đàm phán. Trong vòng 6 tháng Mỹ đã tìm cách thay đổi phương thức đàm phán và mặc cả với phía Pháp rằng nếu dừng viện trợ và dừng cung cấp lương thực và vũ khí cho Miền Nam Việt Nam, Mỹ sẽ ngừng ném bom ở Miền Bắc. Các bạn Pháp đã làm mọi cách để Mỹ ngừng ném bom Miền Bắc, như gặp Hồng Y giáo chủ ở Italy để đề nghị Hồng Y gây sức ép với Mỹ. Ngày nay tiến tời kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Pháp, theo bà, chính phủ Pháp “cần nỗ lực hơn nữa” cho việc xây dựng mối quan hệ với Việt Nam. Bà bày tỏ muốn giúp đỡ Việt Nam trên có sở bình đẳng vì Việt Nam cần Pháp và ngược lại Pháp cũng cần đến Việt Nam. Để tăng phát triển hơn nữa mối quan hệ hợp tác giữa hai nước, theo bà cần tăng cường việc giảng dạy tiếng Pháp ở Việt Nam. Đây là một dự án tâm huyết của bà. Vì theo bà, biết tiếng Pháp là biết được nền văn hóa Pháp. Tiếng Pháp còn là thứ tiếng của ngôn ngữ và của cách mạng. Nó cho phép hai nước Việt Nam và Pháp gắn bó, đoàn kết nhau hơn và phát tiển sâu sắc hơn. Gặp người lái xe cho bà Nguyễn Thị Bình năm xưa Qua nhiều cuộc hẹn và cuối cùng cuộc chúng tôi đã có cuộc gặp với ông Michel Strachinescu, lái xe từ năm 1970-1973 cho bà Nguyễn Thị Bình - Trưởng đoàn Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, sau là Chính phủ Cách mạng Lâm thời miền Nam Việt Nam, tại các cuộc đàm phán đi đến ký kết Hiệp định Paris lịch sử về lập lại hòa bình ở Việt Nam, ngày 27/1/1973. Bằng một giọng sang sảng và nhiệt tình, ông Michel Strachinescu khẳng định ông rất vinh dự được lái xe cho đoàn của bà Nguyễn Thị Bình trong vòng 4 năm. Trong suốt thời gian này, ông cho biết những cảm nhận của mình về bà Nguyễn Thị Bình, bà là “một nhân cách lớn, một người có tầm ảnh hưởng lớn.” Ông rất vinh dự được làm công tác đưa đón đoàn đàm phán Miền Nam ở Verrière-le-Buisson và một số đồng chí khác ở Massy. Ban đầu, Đảng Cộng sản Pháp cử ông cùng một số người Pháp đến giúp đoàn Việt Nam. Ông được giải thích rằng cần giúp đỡ tận tình các bạn Việt Nam vì sự nghiệp của nhân dân Việt Nam. Dù thời điểm đó, ông đã 36 tuổi, có gia đình, vợ con, song ông không mấy khi được gặp mặt vợ con, ông đã làm việc đến gần 400 giờ mỗi tháng, và thực sự trở thành một trong những nhà hoạt động tranh đấu thực sự vì nền hòa bình của Việt Nam. Theo ông đây là một nhiệm vụ quan trọng và vinh dự. Thời điểm đó ông làm việc không thể tính thời gian, ông luôn ủng hộ và đấu tranh cùng các bạn Việt Nam trên mặt trận ngoại giao - mặt trận quan trọng và gắn kết với những thành công và thắng lợi trên mặt trận quân sự. Các mặt trận này có mối liên hệ mật thiết với nhau. Ông luôn mong mỏi “các bạn Việt Nam sớm đạt được thỏa thuận tiến tới ký Hiệp định Paris về hòa bình.” Ông cho rằng cuộc đấu tranh của nhân dân Việt Nam là điển hình, mẫu mực, là tấm gương đấu tranh giải phóng dân tộc cho nhiều nước khác trên thế giới. Để bày tỏ tất cả tình cảm yêu mến Việt Nam, ông chỉ biết thực hiện tốt nhiệm vụ của mình là “đảm bảo lái xe an toàn, tránh mọi sơ suất trong quá trình phục vụ bà Bình và đoàn đàm phán.” Lộ trình hàng ngày của ông là từ Verrière-le-Buisson đi Massy và ngược lại, cũng như lộ trình chở bà Bình đến trung tâm hội nghị Kléber họp. Một hoặc hai lần mỗi tuần ông chở đoàn đến Choisy-le-roi để hội kiến với đoàn miền Bắc. Vai trò của ông không chỉ đơn thuần là lái xe, mà còn như vệ sĩ của bà Bình. Ông không phải là những người làm công, mà là những nhà hoạt động tranh đấu bên cạnh các bạn Việt Nam, làm việc không kể thời gian, 7 ngày trên 7, nhiều hôm đến 3 giờ sáng. Ông ở ngay tại Verrière-le-Buisson để hỗ trợ, phục vụ các bạn Việt nam và vì sự thành công của cuộc đàm phán. Ông Michel Strachinescu không quên kể lại cho chúng tôi một kỷ niêm không thể nào quên, đó là: Một hôm đang đi trên đường vành đai Paris, cán cờ hiệu trước xe bị gẫy và lá cờ hiệu rơi xuống đường. Tôi đã không ngần ngại dừng xe khẩn cấp, và mặc dù có thể nguy hiểm đến tính mạng, song tôi vẫn quay lại tìm lấy cờ hiệu trong dòng xe cộ qua lại, bởi đó là một hình ảnh biểu tượng, có ý nghĩa với các bạn Việt Nam đang đấu tranh trên bàn đàm phán. Được hỏi về những cảm nhận của ông khi biết Việt Nam đã ký thành công Hiệp định Paris, ông Michel Strachinescu, cho biết hôm đó thực sự là một lễ hội đối với ông, ông thực sự ấn tượng và đã uống mừng bằng sâmpanh. Ông còn làm một cái bánh ga tô to để cùng anh em bạn bè Việt Nam mừng chiến thắng này. Tuy nhiên, với các bạn Việt Nam lúc đó "cuộc chiến chưa phải đã kết thúc" vì hiện tại đất nước vẫn đang chia cắt, nhiều gia đình chưa thể đoàn tụ,- tình cảm thực sự xúc động trong ngày hôm đó. Với ông làm việc với các bạn Việt Nam “thật tuyệt vời, rất tình người,” cho nên theo ông, “những đóng góp của tôi chỉ là một phần nhỏ bé như những con suối nhỏ tạo thành dòng sông lớn, vì sự nghiệp của nhân dân Việt Nam.” Khi đánh giá về những tình cảm của người dân Pháp dành cho nhân dân Việt Nam ở thời điểm đó, ông khẳng định thật “Tuyệt vời!” Nhân dân Pháp cũng như người dân Mỹ phản đối chiến tranh bằng các biểu tình và có nhiều hoạt động ủng hộ hòa bình ở Việt Nam. Ngôi sao điện ảnh Mỹ Jane Fonda đã từng sang Pháp hoạt động đấu tranh vì hòa bình Việt Nam và ông cũng đã có vinh dự chở Jane Fonda từ Verrière-le-Buisson đến Choisy-le-roi. Theo ông, đó là một ngôi sao rất dễ gần, dễ mến. Thời điểm đó, rất nhiều người dân Pháp có tấm lòng yêu hòa bình, phản đối chiến tranh đã ủng hộ Việt Nam./.
Sau năm 1973, ông Michel Strachinescu đã gặp lại bà Nguyễn Thị Bình một lần ở Pháp, tại trụ sở Đảng Cộng sản Pháp trong buổi lễ tân do Bí thư toàn quốc Đảng Cộng sản Pháp Robert Hue tiếp.
 
Một lần khác, ông được mời đến Đại sứ quán Việt Nam gặp bà Bình. Tuy nhiên, lúc đó ông đã không thể đến được, vì mẹ ông bị ốm nặng.

Để ghi nhận công lao đóng góp của ông đối với cuộc đấu tranh vì hòa bình của dân tộc Việt Nam, ông được Nhà nước Việt Nam trao tặng bằng khen do bà Nguyễn Thị Bình ký tặng. Đối với ông "Việt Nam là một đất nước tuyệt vời."
Lê Hà-Trung Dũng (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục