Băng ở Nam Cực tan nhanh nhất trong 1.450 năm

Biến đổi khí hậu do hoạt động của con người đã làm băng ở Nam Cực tan chảy với tốc độ nhanh chưa từng thấy trong 1450 năm qua.
Ngày 28/11, các số liệu của Liên hợp quốc và các nghiên cứu quốc tế cho thấy biến đổi khí hậu do các hoạt động của con người đã làm băng ở Nam Cực tan chảy với tốc độ nhanh chưa từng thấy trong 1450 năm qua.

Theo nghiên cứu của Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) và Trung tâm Dữ liệu về băng tuyết quốc gia của Mỹ, với tốc độ tan băng trong vài thập kỷ gần đây, Nam Cực sẽ sớm không còn băng vào mùa hè. Băng ở Nam Cực thường tan chảy vào mỗi mùa Hè nhưng lại được bù đắp vào mùa Đông với số lượng lớn hơn lượng tan chảy.

Nhưng trong vài thập kỷ qua, lượng băng không tăng mà liên tục giảm mạnh. Năm 2011, lượng băng giảm lớn ở mức kỷ lục thứ 2 kể từ năm 1979 và hiện chỉ còn che phủ 4,33 triệu km2 diện tích Nam Cực.

Tác giả của các nghiên cứu mới nhất về băng ở Nam Cực, ông Christophe Kinnard khẳng định sự suy giảm liên tục và ngày càng lớn cả về độ dày và diện che phủ của băng ở Nam Cực là hiện tượng bất thường suốt 30 năm qua và xu hướng này chưa có dấu hiệu chấm dứt.

Băng ở Nam Cực tác động rất lớn đến khí hậu toàn cầu vì 80% ánh sáng mặt trời chiếu xuống khu vực này được băng phản chiếu trở lại vũ trụ.

Khi băng tan vào mùa Hè, nó mở rộng bề mặt đại dương, hấp thu 90% ánh sáng mặt trời, làm nước ở đại dương nóng lên.

Lượng băng càng bị mất nhiều, các đại dương càng hấp thu nhiều năng lượng Mặt Trời và làm nóng bầu khí quyển. Các biến đổi này tác động và quyết định các hình thái thời tiết toàn cầu./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục