Báo động tình trạng ăn uống thiếu dinh dưỡng của trẻ em trên thế giới

Sau khi phân tích dữ liệu tại 91 nước, chỉ 1/2 số trẻ trong độ tuổi từ 6-23 tháng đang được ăn số bữa tối thiểu được khuyến cáo trong một ngày, trong khi chỉ 1/3 số trẻ ăn đủ lượng thức ăn tối thiểu.
Báo động tình trạng ăn uống thiếu dinh dưỡng của trẻ em trên thế giới ảnh 1Trẻ em bị suy dinh dưỡng do thiếu lương thực điều trị tại bệnh viện ở thủ đô Sanaa, Yemen. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) ngày 22/9 cho biết chế độ ăn của trẻ nhỏ trên thế giới đã không hề được cải thiện trong 10 năm qua.

Trong báo cáo vừa được công bố ngay trước thềm Hội nghị thượng đỉnh về hệ thống lương thực của Liên hợp quốc, dự kiến diễn ra ngày 23/9, UNICEF nêu rõ nghèo đói, bất bình đẳng, xung đột, các thảm họa liên quan đến khí hậu và tình trạng khẩn cấp về y tế đều góp phần gây ra cuộc khủng hoảng về dinh dưỡng.

Giám đốc điều hành UNICEF Henrietta Fore nêu rõ trên thực tế tình trạng gián đoạn do COVID-19 gây ra có thể khiến tình hình hiện nay trở nên tồi tệ hơn.

Theo báo cáo trên, sau khi phân tích dữ liệu tại 91 nước, chỉ 1/2 số trẻ trong độ tuổi từ 6-23 tháng đang được ăn số bữa tối thiểu được khuyến cáo trong một ngày, trong khi chỉ 1/3 số trẻ ăn đủ lượng thức ăn tối thiểu cần để phát triển.

Những trẻ sống ở vùng nông thôn hoặc ở các gia đình nghèo dường như có chế độ ăn nghèo dinh dưỡng hơn nhiều so với những trẻ sống ở đô thị hoặc trong các gia đình khá giả.

Phân tích sâu hơn tại 50 nước cho thấy mô hình nuôi dưỡng nghèo nàn này đã tồn tại trong suốt thập kỷ qua.

[ILO và UNICEF cảnh báo có thêm 9 triệu trẻ bị ảnh hưởng COVID-19]

Báo cáo cũng cho thấy đại dịch COVID-19 đang ảnh hưởng đến cách thức nuôi dưỡng trẻ. Chẳng hạn 1/2 số gia đình tại thủ đô Jakarta của Indonesia đã buộc phải cắt giảm việc mua thực phẩm dinh dưỡng cho trẻ. Kết quả là tỷ lệ trẻ ăn đủ lượng thức ăn tối thiểu trong năm 2020 giảm hơn 30% so với năm 2018.

Theo UNICEF, ăn uống thiếu chất có thể khiến trẻ bị ảnh hưởng suốt đời. Việc hấp thụ không đủ các chất dinh dưỡng có trong rau, trái cây, trứng, cá và thịt khi còn trong giai đoạn đầu đời sẽ khiến trẻ có nguy cơ phát triển trí não kém, học tập yếu, khả năng miễn dịch kém, dễ mắc các bệnh nhiễm trùng, dẫn đến tử vong.

Cơ quan này cảnh báo trẻ em dưới hai tuổi là đối tượng dễ bị ảnh hưởng nhất, trong đó có nguy cơ thấp, còi, thiếu vi chất dinh dưỡng và thừa cân béo phì.

Để cung cấp các chế độ ăn bổ dưỡng, an toàn và giá cả phải chăng cho mọi trẻ em, báo cáo đề xuất một số giải pháp, trong đó có tăng lượng thực phẩm bổ dưỡng, áp đặt các tiêu chuẩn và luật pháp nhằm bảo vệ trẻ trước thực phẩm và đồ uống chế biến không lành mạnh cũng như ngăn chặn các hành vi tiếp thị có hại nhằm vào trẻ em và gia đình./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục