Bảo hiểm y tế mới sẽ khắc phục những bất cập

Theo bà Tống Thị Song Hương, Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm Y tế, Bộ Y tế, dự kiến trong kỳ họp Quốc hội tháng 5 này, Bộ Y tế sẽ trình Chính phủ Dự thảo Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm y tế.

Theo bà Tống Thị Song Hương, Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm Y tế, Bộ Y tế, dự kiến trong kỳ họp Quốc hội tháng 5 này, Bộ Y tế sẽ trình Chính phủ Dự thảo Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm y tế.

Nếu được thông qua, Bộ Y tế sẽ tiếp tục hoàn thiện Thông tư liên tịch hướng dẫn thực hiện bảo hiểm y tế nhằm kịp triển khai các quy định tại Luật đúng thời điểm 1/7.

Phóng viên Thông tấn xã Việt Nam đã có cuộc trao đổi với bà Tống Thị Song Hương, Vụ trưởng Vụ bảo hiểm y tế, Bộ Y tế, về những điểm mới trong chính sách bảo hiểm y tế sắp tới.

Mức đóng bảo hiểm y tế sẽ tăng, liệu các cơ quan chức năng có cân đối và tránh được tình trạng âm quỹ?

Như Dự thảo Nghị định quy định thì từ 1/7/2009 mức đóng bảo hiểm y tế của các đối tượng vẫn giữ nguyên như hiện nay bằng 3% mức tiền lương, tiền công, tiền lương hưu, tiền trợ cấp mất sức lao động, mức tiền lương tối thiểu, trợ cấp thất nghiệp; bắt đầu từ ngày 1/1/2010, mức đóng sẽ tăng lên 4,5%.

Tuy mức đóng tăng nhưng rất khó có thể khẳng định được rằng có cân đối được quỹ hay không. Việc tính toán mức đóng 4,5% là trên cơ sở để đảm bảo được cân đối quỹ, nhưng vấn đề sức khỏe không ai nói được trước là cân đối hay không.

Vậy khi Luật Bảo hiểm y tế có hiệu lực, người tham gia bảo hiểm y tế sẽ phải thực hiện việc cùng chi trả như thế nào, quyền lợi có được mở rộng không?

Dự thảo Nghị định đã quy định rõ các vấn đề liên quan đến quyền lợi như người tham gia bảo hiểm y tế khi đi khám chữa bệnh đúng tuyến sẽ được thanh toán 100% chi phí cho một lần  khám chữa bệnh thấp hơn 15% mức lương tối thiểu (khoảng 100.000 đồng).

Đối với trường hợp  khám chữa bệnh (kể cả dịch vụ kỹ thuật cao chi phí lớn) không đúng cơ sở  khám chữa bệnh ban đầu hoặc không theo tuyến chuyên môn kỹ thuật thì được quỹ bảo hiểm y tế thanh toán chi phí  khám chữa bệnh theo tuyến chuyên môn kỹ thuật, không phân biệt đối tượng, loại dịch vụ kỹ thuật.

Đây là điểm mới của Nghị định với mục tiêu khuyến khích người tham gia bảo hiểm y tế đi  khám chữa bệnh đúng cơ sở  khám chữa bệnh ban đầu, theo tuyến chuyên môn kỹ thuật để hạn chế tình trạng quá tải, hạn chế tuyến trên lạm dụng quỹ  khám chữa bệnh của tuyến dưới, đồng thời góp phần phát huy khả năng của cơ sở  khám chữa bệnh ban đầu.

Quỹ bảo hiểm y tế thanh toán 70% chi phí đối với trường hợp khám chữa bệnh tại tuyến huyện, 50% chi phí đối với trường hợp khám chữa bệnh tại tuyến tỉnh, 30% chi phí đối với trường hợp khám chữa bệnh tại tuyến trung ương nhưng không vượt quá 30 tháng lương tối thiểu cho một lần sử dụng dịch vụ kỹ thuật đó.

Đề nghị bà cho biết những điểm đặc biệt trong Thông tư mà Bộ Y tế đang xây dựng? Khi nào Thông tư này mới được ban hành?

Tại Dự thảo Thông tư sẽ quy định cụ thể hơn, chi tiết hơn, khắc phục những bất cập trong thời gian qua như thẻ bảo hiểm y tế của đối tượng là đồng bào dân tộc thiểu số, người nghèo sẽ gia hạn là 2 năm chứ không làm một năm như trước đây.

Liên quan đến đăng ký  khám chữa bệnh ban đầu, mặc dù luật quy định là các đối tượng sẽ chỉ được đăng ký khám chữa bệnh ban đầu ở tuyến xã, huyện nhưng Dự thảo Thông tư sẽ quy định thêm vấn đề những đối tượng nào được đăng ký bảo hiểm y tế ở bệnh viện tỉnh,bệnh viên trung ương và các bệnh viện chuyên khoa. Những người sống tại thị xã, nhưng ở đó chỉ có bệnh viện tỉnh thì người này sẽ phải khám ở bệnh viện tỉnh.

Bên cạnh đó, Dự thảo Thông tư cũng quy định cụ thể điều kiện và phạm vi áp dụng, trình tự, thủ tục thực hiện các phương thức thanh toán theo định suất, theo nhóm bệnh phù hợp với điều kiện, phạm vi chuyên môn kỹ thuật và năng lực quản lý tài chính của các cơ sở khám chữa bệnh cũng như các điều kiện về thông tin và điều kiện xã hội khác.

Bộ Y tế đang xây dựng và hoàn chỉnh Dự thảo Thông tư, dự kiến sẽ tiếp tục xin ý kiến các bộ, ngành, các địa phương, các bệnh viện vào tháng 5 này.

Xin cảm ơn bà!

 

“Cơ quan, tổ chức, người sử dụng lao động có trách nhiệm đóng bảo hiểm y tế mà không đóng hoặc đóng không đầy đủ theo quy định của pháp luật thì cùng với việc phải đóng đủ số tiền chưa đóng, còn phải nộp số tiền lãi trong thời gian chậm đóng theo mức lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố. Nếu không thực hiện theo yêu cầu của người có thẩm quyền, ngân hàng, tổ chức tín dụng khác, Kho bạc Nhà nước có trách nhiệm trích tiền từ tài khoản tiền gửi của người có trách nhiệm đóng bảo hiểm y tế để nộp số tiền chưa đóng, chậm đóng và lãi của số tiền này vào tài khoản của quỹ bảo hiểm y tế”. 

                                                                                         (Trích Luật Bảo hiểm Y tế)

 

(Tin tức/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục