Bạo lực và cướp bóc gia tăng tại thủ đô của Haiti

Tình trạng bạo lực và cướp bóc tại thủ đô của Haiti đang gia tăng, trong khi phải 6 ngày sau động đất các nạn nhân mới nhận được viện trợ.
Ngày 18/1, Ủy ban Chữ thập đỏ quốc tế (ICRC) cho biết tình trạng bạo lực và cướp bóc tại thủ đô của Haiti đang gia tăng, trong khi phải mất 6 ngày sau trận động đất này, các nạn nhân mới nhận được viện trợ lương thực của quốc tế.

Cùng ngày, Chương trình lương thực thế giới của Liên hợp quốc (WFP) cho biết kể từ khi xảy ra trận động đất 7,3 độ richter ở Haiti trong tuần qua, cho đến nay đã có hơn 100.000 khẩu phần lương thực được phân phát cho các nạn nhân của trận động đất kinh hoàng này.

Người phát ngôn của WFP Emilia Casella cho biết vào cuối ngày 18/1, WFP phân phát hơn 200.000 khẩu phần lương thực cho những người sinh sống ở trong và xung quanh thủ đô Port-au-Prince. Mục tiêu của WFP là cung cấp lương thực cho 95.000 người tại 8 địa điểm ở các khu vực này, và mỗi khẩu phần lương thực sẽ được sử dụng trong vòng một tuần.

Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon đã yêu cầu Hội đồng Bảo an triển khai thêm 3.500 binh sỹ và cảnh sát tới Haiti để đảm bảo rằng viện trợ nhân đạo có thể đến được tay người dân một cách nhanh nhất. Sau chuyến thăm thực địa thủ đô Port-au-Prince một ngày trước đó, ông nêu rõ cần đẩy mạnh công tác phân phát hàng cứu trợ và sự phối hợp giữa các nước.

Ngay sau lời kêu gọi của Tổng Thư ký Ban Ki-moon, Brazil cho biết có thể cử khoảng 800 binh lính và 300-400 cảnh sát tới Haiti để tăng cường lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc tại đây.

Trong khi đó, Ủy ban quyền trẻ em của Liên hợp quốc cũng bày tỏ quan ngại đặc biệt về tình cảnh khó khăn của trẻ em, đối tượng chiếm gần một nửa dân số Haiti, và kêu gọi các nước đặc biệt quan tâm đến trẻ em khi thực hiện công tác cứu trợ.

Phối hợp với những nỗ lực của cộng đồng quốc tế triển khai các hoạt động hỗ trợ nhân đạo tại Haiti, thời gian qua, các quốc gia châu Phi đã khẩn trương có những đóng góp viện trợ nhân đạo cho Haiti nhằm khắc phục hậu quả thảm khốc của trận động đất.

Chính phủ Nam Phi đóng góp và lập quỹ hỗ trợ nhân đạo cho Haiti trị giá 250.000USD và 3 triệu gourde; Rwanda hỗ trợ 100.000USD; Liberia hỗ trợ 50.000USD; trong khi Senegal cam kết cấp đất và nhà ở cho người dân Haiti đến định cư và Nigeria cử hơn 120 chuyên gia cảnh sát tới Haiti tham gia họat động cứu hộ, tìm kiếm nạn nhân.

Trong khi đó, Canada cho biết sẽ cử thêm 1.000 binh sĩ đến Haiti trong tuần này, đưa cam kết về số binh sĩ triển khai tại quốc gia vừa bị tàn phá do động đất lên khoảng 2.000 người, gần tương đương với lực lượng của Canada đang triển khai tại Afghanistan.

Sau phiên họp khẩn tại Brussels tối 18/1, Liên minh châu Âu (EU) đã cam kết viện trợ 400 triệu euro cho Haiti để khắc phục hậu quả động đất. Ngoài ra, các nước thành viên EU cũng cam kết viện trợ thêm 92 triệu euro, trong đó Anh quyết định tăng gấp ba lần số tiền định viện trợ cho Haiti lên đến 20 triệu bảng Anh (khoảng 22 triệu euro).

Pháp tuyên bố sẽ viện trợ 10 triệu euro và Italy cho biết sẽ xóa nợ 40 triệu euro cho Haiti. EU cũng đã lên kế hoạch cử nhóm chuyên gia đến giúp đỡ Chính phủ Haiti để sớm nối lại các hoạt động của chính phủ.

Đánh giá về tình hình ở Haiti, trong khuôn khổ hội nghị trù bị Hội nghị quốc tế lần thứ nhất về thảm họa thiên tai tại Haiti, diễn ra tại Santo Domingo của Cộng hòa Dominican, Tổng thống nước chủ nhà Leonel Fernández tuyên bố Haiti cần 10 tỷ USD để tái thiết và củng cố thể chế đất nước trong vòng 5 năm.

Nhân dịp này, đại diện Ngân hàng phát triển liên Mỹ (BID) cho biết sẽ xóa khoản nợ 480 triệu USD của Haiti, đồng thời cung cấp khẩn cấp 364 triệu USD tín dụng để giúp Haiti xây dựng lại đất nước./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục