Bảo tàng tương tác 3D

Khám phá hiện vật lịch sử với bảo tàng tương tác 3D

150 hiện vật thuộc hai chuyên đề trưng bày “Di sản văn hóa Phật giáo Việt Nam,” “Đèn cổ Việt Nam” đã được số hóa theo công nghệ 3D.
Gần 150 hiện vật thuộc hai chuyên đề “Di sản văn hóa Phật giáo Việt Nam”“Đèn cổ Việt Nam” đang được trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia (số 1 Phạm Ngũ Lão, Hà Nội) đã được số hóa theo công nghệ 3D (tại hai địa chỉ: http://disanvanhoaphatgiao.egal.vn/http://denco.egal.vn/).

Thông tin trên được tiến sỹ Vũ Mạnh Hà, Phó giám đốc Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt Nam cho biết trong buổi họp báo “Giới thiệu bảo tàng ảo tương tác 3D” diễn ra sáng 22/8 tại Hà Nội.

“Di sản văn hóa Phật giáo Việt Nam”
“Đèn cổ Việt Nam” là những chuyên đề đầu tiên được thí nghiệm thực hiện số hóa 3D trong dự án tổng thể xây dựng bảo tàng ảo tương tác 3D cho toàn bộ Bảo tàng Lịch sử Quốc gia.

Kiến trúc không gian ảo 3D mô tả chân thực toàn bộ không gian bảo tàng thực. Về cơ bản, nó bao gồm sàn nhà, trần nhà, tường, mái vòm, mảnh đồ nội thất, tài liệu, hiện vật… trong không gian trưng bày thực.

Nói khác đi, với phiên bản này, người xem có thể tham quan phòng trưng bày, xem toàn cảnh hoặc cận cảnh các hiện vật. Mỗi khu vực trưng bày đều có giọng thuyết minh bằng tiếng Anh và tiếng Việt (về nguồn gốc, niên đại… của từng hiện vật); những đoạn video clips minh họa cho phần trưng bày 3D mà ở phần trưng bày thực tại chưa đáp ứng được.

Người xem có nhiều lựa chọn thông qua các công cụ điều chỉnh trên màn hình.

[Trưng bày các di sản văn hóa Phật giáo Việt Nam]


Trao đổi với phóng viên Vietnam+ sáng 22/8, tiến sỹ Vũ Mạnh Hà cho hay: “Dự án xây dựng bảo tàng ảo tương tác 3D này được tiến hành dựa trên việc tham khảo từ mô hình các bảo tàng nổi tiếng của các nước Anh, Pháp, Mỹ… Tuy nhiên, phần thiết kế và công nghệ do một công ty Việt Nam [Công ty Giải pháp phần mềm chuyên nghiệp Việt (VIETSOFTPRO)-PV] thực hiện nên chi phí cho việc thiết lập bảo tàng 3D ở Việt Nam được giảm đi khá nhiều so với thế giới.”

“Bên cạnh vấn đề kinh phí và công nghệ, để triển khai mô hình ảo tương tác 3D, nguồn tư liệu về hiện vật phải chi tiết; có như vậy mới thu hút được người xem," tiến sỹ Vũ Mạnh Hà cho biết thêm.

Trước lo ngại rằng, bảo tàng sẽ tìm nguồn kinh phí nào để bù vào tiền đầu tư và duy trì bảo tàng ảo tương tác 3D khi việc số hóa tất cả các hiện vật trưng bày được hoàn thành, công chúng chỉ cần truy cập Internet để thăm quan các hiện vật mà không cần đến bảo tàng thực, vị Phó giám đốc này bày tỏ: “Thực tế, việc xây dựng các bảo tàng ảo tương tác 3D đã được nhiều nước tiên tiến trên thế giới triển khai và đều thu được những kết quả khả quan.”

Theo ông, hai hình thức tồn tại (bảo tàng ảo tương tác 3D và bảo tàng thực) sẽ có tác dụng hỗ trợ nhau rất tốt. Ví dụ, với bảo tàng ảo tương tác 3D, công nghệ xử lý hiện đại sẽ cho phép công chúng xem xét kỹ lưỡng từng chi tiết (thậm chí là cả các vết rạn) trên cổ vật. Từ đó, công chúng sẽ mong muốn được “tận mắt chứng kiến” hiện vật thật.

Bên cạnh đó, “nhiều triển lãm chuyên đề chỉ được trưng bày trong một thời gian ngắn ở bảo tàng thực. Khán giả chưa có dịp được tận mắt chứng kiến các hiện vật có thể xem lại hình ảnh của chúng ở bảo tàng tương tác 3D với những thuyết minh chi tiết để hiểu hơn về giá trị của hiện vật,” ông Hà cho hay.

Như vậy, “các hiện vật cổ có giá trị của Việt Nam tới gần hơn với công chúng,” tiến sỹ Vũ Mạnh Hà bày tỏ quan điểm.

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia hiện đang bảo quản khoảng 200.000 hiện vật từ thời tiền sử đến ngày nay. Đặc biệt, 11/30 bảo vật quốc gia đã được Thủ tướng Chính phủ ký quyết định công nhận hiện đang được lưu giữ tại bảo tàng này./.

Phương Mai (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục