Xe tăng T59 số hiệu 377, đang được lưu giữ và trưng bày tại khuôn viên Tượng đài Chiến thắng Đăk Tô-Tân Cảnh, ở huyện Đăk Tô (tỉnh Kon Tum),là vật chứng xác thực chiến công to lớn "kỳ tích 1 chọi 10" của quân và dân Việt Nam nói chung và bộ đội tăng thiết giáp nói riêng trong công cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
Xe tăng T59 số hiệu 377 được biên chế về Trung đoàn 202, thuộc Binh chủng Tăng-Thiết giáp, đóng quân tại Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc.
Tháng 5/1971, xe tăng 377 được điều động bổ sung cho Tiểu đoàn 297, Trung đoàn 203 tham gia chiến đấu tại Mặt trận Tây Nguyên. Sau khi vào Tây Nguyên, xe tăng T59 số hiệu 377 thuộc biên chế của Mặt trận Tây Nguyên (nay là Quân đoàn 3).
Năm 1972, xe tăng T59 số hiệu 377 do Thiếu úy Nguyễn Nhân Triển làm trưởng xe; hạ sỹ Cao Trần Vịnh là lái xe, hạ sỹ Nguyễn Đắc Lượng và hạ sỹ Hoàng Văn Ái là pháo thủ.
Rạng sáng 24/4/1972, bộ đội ta nổ súng tiến công tiêu diệt địch tại cứ điểm Đăk Tô-Tân Cảnh. Xe tăng 377 dẫn đầu đội hình tấn công căn cứ E42-Tân Cảnh và căn cứ Đăk Tô 2.
Do hỏa lực pháo binh, máy bay địch tấn công dữ dội nên xe tăng số hiệu 354 và 369 không theo kịp xe tăng 377. Phát hiện chỉ có một mình 377 của ta, địch tung 10 xe tăng M-41, M-24 chia làm 2 mũi hợp vây. Thiếu úy Nguyễn Nhân Triển - trưởng xe cùng đồng đội đã dũng cảm quyết chiến.
Xe tăng số hiệu 354 và 369 mở hết tốc lực để ứng cứu xe tăng 377. Đến nơi, đồng đội thấy xe tăng 377 đang bốc cháy; gần đó là 7 xác xe tăng địch đã bị tiêu diệt. Kíp lái 4 người đã anh dũng hy sinh.
Xe tăng T59 số hiệu 377 trở thành tượng đài bất tử trong chiến dịch Đăk Tô-Tân Cảnh. Sự hy sinh anh dũng của kíp xe tăng đã góp phần to lớn và đặc biệt quan trọng vào Chiến thắng Đăk Tô-Tân Cảnh ngày 24/4 nói riêng và Chiến dịch Bắc Tây Nguyên năm 1972 nói chung.
Chiến thắng Đăk Tô-Tân Cảnh đã làm thay đổi cục diện chiến trường ở Tây Nguyên, góp phần làm nên thắng lợi tại Hội nghị Paris, buộc đế quốc Mỹ phải ký Hiệp định Paris, chấp nhận thất bại rút quân về nước; tạo đà cho Đại thắng mùa Xuân năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
[Kon Tum: Long trọng lễ công bố Bảo vật Quốc gia Tăng T59 số hiệu 377]
Ghi nhận những thành tích đặc biệt xuất sắc, ngày 9/1/2009, kíp xe tăng 377 đã được Chủ tịch nước truy phong danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân.
Ông Phạm Như Tứ, nguyên Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy Đăk Tô - người đã công tác ở Đăk Tô từ năm 1979, cho biết sau giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, xe tăng 377 được đưa về bảo quản, trưng bày tại khuôn viên Phòng Văn hóa-Thông tin huyện (nay là Quảng trường 24/4).
Năm 1995, Khu Tượng đài Chiến thắng Đăk Tô-Tân Cảnh khánh thành, xe tăng T59 số hiệu 377 cùng xe pháo tự hành 472 được đưa về nơi đây lưu giữ, trưng bày.
Xe tăng T59 số hiệu 377 có màu xanh quân sự. Vũ khí trên xe có pháo bắn thẳng 100mm; súng máy phòng không 12,7mm; 2 súng máy 7,62mm; hai bên tháp pháo có sơn ngôi sao vàng trên nền vòng tròn đỏ nền vàng và số hiệu 377, được sơn màu trắng.
Phía bên trái của tháp pháo xe tăng 377 có một vết đạn xuyên thủng, một vết không xuyên thủng và hàng trăm vết bắn do đạn xe tăng M41 của địch bắn phá trong quá trình chiến đấu.
Ngày 30/1/2023, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định công nhận xe tăng T59 số hiệu 377 là Bảo vật Quốc gia. Tính đến nay, đây là xe tăng thứ 3 ở Việt Nam được công nhận là Bảo vật Quốc gia, cùng với hai chiếc xe tăng T54B số hiệu 843 và T59 số hiệu 390 thuộc biên chế Lữ đoàn xe tăng 203, Quân đoàn 2.
Theo Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Đăk Tô Sa Phương cho biết với tầm vóc và ý nghĩa to lớn, xe tăng T59 số hiệu 377 là độc bản, có ý nghĩa lịch sử quan trọng đối với sự nghiệp đấu tranh và giải phóng dân tộc.
Việc công nhận xe tăng T59 số hiệu 377 là Bảo vật Quốc gia góp phần khơi dậy niềm tự hào về truyền thống, lịch sử, văn hóa của dân tộc; đưa Khu Tượng đài Chiến thắng Đăk Tô-Tân Cảnh trở thành “địa chỉ đỏ” để giáo dục truyền thống yêu nước, tinh thần đoàn kết, hun đúc ý chí, khát vọng xây dựng đất nước hưng vượng, hùng cường cho các thế hệ mai sau./.