Bất bình đẳng trong điều trị ung thư trên toàn cầu

Ung thư hiện bị coi là bệnh của nước đã phát triển, vì vậy ở nước đang phát triển nó không được coi là vấn đề ưu tiên trong y tế.
Ngày 16/8, các chuyên gia y tế và ung thư thuộc Sáng kiến công bằng toàn cầu Harvard (HGEI) đã kêu gọi cộng đồng quốc tế chú ý đến hiện trạng bất bình đẳng trong các tiêu chuẩn điều trị bệnh ung thư trên toàn cầu.

Trong lời kêu gọi công bố trên tạp chí y học nổi tiếng Lancet của Mỹ, HGEI nhấn mạnh ung thư hiện không còn là vấn đề của riêng các nước phát triển và có thu nhập cao mà đã là nguyên nhân quan trọng gây tử vong ở các nước nghèo và đang phát triển.

Tuy nhiên, bệnh ung thư hiện vẫn bị coi là bệnh của các nước đã phát triển, vì vậy, không được chú ý tương xứng với hiện trạng và không được coi là vấn đề ưu tiên trong y tế.

Theo số liệu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), 2/3 trong khoảng 7,6 triệu người trên thế giới chết vì ung thư hằng năm là ở các nước đang phát triển, mặc dù vào năm 1970 tỷ lệ này mới chỉ chiếm 15%. Dự kiến vào năm 2030, tỷ lệ này sẽ lên tới trên 70%.

Tỷ lệ chết vì ung thư tăng nhanh ở các nước đang phát triển do dân số tăng nhanh, tuổi già và tỷ lệ tử vong do các bệnh lây nhiễm giảm mạnh.

Tỷ lệ người mắc một số dạng ung thư có thể chữa khỏi như ung thu vú, cổ tử cung… phụ thuộc trực tiếp đến mức thu nhập của mỗi quốc gia.

Ở các nước phát triển giàu có như Mỹ, số người mắc và tử vong vì bệnh ung thư giảm kể từ thời kỳ đỉnh cao trong thập kỷ 1990 của thế kỷ 20 nhờ nhận thức về bệnh này được nâng cao, các biện pháp phòng ngừa và điều trị hiệu quả.

HGEI nhấn mạnh thế giới đang phát triển cần có chiến lược mới để ngăn chặn và điều trị hiệu quả bệnh ung thư để loại trừ các nhân tố gây ung thư tiềm tàng như chống hút thuốc và tiêm chủng vắcxin chống virus viêm gan B và virus papilloma gây khối u ở người.

Các nguồn lực toàn cầu cần được huy động nhằm tăng cường sức mạnh của toàn bộ hệ thống y tế của các nước nghèo để thực hiện chế độ bảo hiểm y tế cho các cộng đồng dân cư nghèo nhất trong xã hội./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục