Bất đồng trong chi tiêu quốc phòng, có khiến NATO "suy yếu"?

Các nhà lãnh đạo NATO đang phải đứng trước mối đe dọa lớn đối với sự tín nhiệm của liên minh quân sự này tại hội nghị thượng đỉnh NATO diễn ra tại Brussel, Bỉ.
Bất đồng trong chi tiêu quốc phòng, có khiến NATO "suy yếu"? ảnh 1 Tổng thống Mỹ Donald Trump (phải) và Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg trong cuộc gặp trước thềm hội nghị thượng đỉnh NATO ở Brussels, Bỉ. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Các nhà lãnh đạo Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đang phải đứng trước mối đe dọa lớn đối với sự tín nhiệm của liên minh quân sự này tại hội nghị thượng đỉnh NATO đang diễn ra tại Bỉ.

Mối đe dọa này không phải đến từ nước Nga, mà là từ người đứng đầu của một nước thành viên hùng mạnh nhất trong NATO - Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Chia sẻ với hãng tin AFP, các nhà phân tích và quan chức cho rằng hội nghị thượng đỉnh tổ chức tại trụ sở chính của NATO ở Brussels (Bỉ), diễn ra chỉ vài ngày trước khi Tổng thống Trump gặp người đồng cấp Nga Vladimir Putin, đang rơi vào tình cảnh khó khăn nhất trong nhiều năm qua.

Các đồng minh của Mỹ đang bị Trump chỉ trích mạnh mẽ do không chi đủ cho ngân sách quốc phòng, và lo sợ rằng giọng điệu luôn hoài nghi của nhà lãnh đạo này đối với NATO - liên minh đã củng cố an ninh của châu Âu suốt 70 năm qua - có thể biến thành sự thù địch.

Ngoài ra, lãnh đạo các nước thành viên khác của NATO còn lo ngại sự lặp lại những gì đã diễn ra tại Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) hồi tháng trước, vốn kết thúc một cách lộn xộn khi ông Trump bất ngờ bác bỏ tuyên bố kết thúc hội nghị.

[Sau chỉ trích của Mỹ, giới chức NATO khẳng định đoàn kết nội khối]

Một nhà ngoại giao của NATO cho rằng: "Những gì Trump nói sẽ mang tính quyết định đối với tương lai của liên minh quân sự này, song chúng tôi không biết ông ấy sẽ nói gì." Theo nhà ngoại giao này, điều đó đang phủ bóng đen lên hội nghị thượng đỉnh NATO.

Giới ngoại giao lo ngại rằng một hội nghị gay gắt có thể làm xói mòn những nỗ lực nhằm chứng minh sự đoàn kết trong việc đối phó mối đe dọa gia tăng ở sườn phía Đông của liên minh này, đặc biệt là khi Tổng thống Trump dự định gặp Putin tại Helsinki vài ngày sau đó.

Bộ trưởng Quốc phòng Đức Ursula von der Leyen ngày 6/7 nói với Bloomberg TV rằng hội nghị thượng đỉnh phải cho thấy sự thống nhất, cảnh báo rằng "đối thủ của chúng ta sẽ vui mừng nếu có sự chia rẽ trong NATO." Trong khi đó, đại sứ Mỹ tại NATO Kay Bailey Hutchison cũng đưa ra lời yêu cầu tương tự trong một cuộc trao đổi qua điện thoại với các phóng viên hôm 5/7.

“Những kẻ khờ”

Tuy nhiên, nhà lãnh đạo hay thay đổi Trump đang khiến hội nghị trở nên nhiều sóng gió với việc gửi thư tới lãnh đạo các nước đồng minh NATO để chỉ trích họ vì sự chậm trễ thực hiện một cam kết hồi năm 2014, vốn đã được các thành viên trong khối nhất trí chi 2% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) cho quốc phòng vào năm 2024. Hiện chỉ có ba nước châu Âu đạt được mục tiêu 2% này, và dù các quan chức liên minh hy vọng sẽ có thêm bốn nước đạt mục tiêu chi 2% GDP khi hội nghị thượng đỉnh NATO diễn ra, song có vẻ như điều đó cũng không làm Trump thỏa mãn.

Tổng thống Trump đã cáo buộc các đồng minh châu Âu trong NATO đang “ăn bám,” nói rằng họ đã đối xử với Mỹ như “những kẻ khờ.” Ông thậm chí còn bày tỏ sự nghi ngờ nguyên tắc phòng thủ tập thể của NATO - mà theo đó tất cả các thành viên của tổ chức sẽ cùng đáp trả nếu một thành viên bị tấn công - với các đồng minh mà ông cho là chưa hoàn thành trách nhiệm của họ.

Trong một động thái khác, phát biểu với báo giới tại Brussels, Tổng thống Bulgaria Rumen Radev cho biết, Tổng thống Mỹ đã đề nghị các nước đồng minh NATO tăng mức chi tiêu quốc phòng lên 4% tổng sản phẩm quốc nội (GDP). Thông tin này cũng đã được một quan chức Nhà trắng xác nhận.

Các quan chức NATO đều ủng hộ quan điểm của Tổng Thư ký Jens Stoltenberg cho rằng việc Mỹ yêu cầu tăng cường đầu tư cho quốc phòng ở châu Âu kể từ khi Trump nhậm chức là một bằng chứng cho thấy cam kết của Washington với liên minh vẫn được duy trì. Tuy nhiên, những tuyên bố của Trump đã làm phương hại điều này, gần đây nhất là khi ông nói với các nhà lãnh đạo khác tại thượng đỉnh G7 rằng NATO “tệ như NAFTA” - ám chỉ thỏa thuận thương mại Bắc Mỹ mà ông đe dọa sẽ phá hủy.

Sự hỗ trợ vững chắc cho NATO là nguyên tắc cơ bản trong chính sách đối ngoại của Mỹ kể từ khi liên minh được thành lập năm 1949, tuy nhiên, cuộc chiến thuế quan thương mại mới nổi giữa Trump với châu Âu cho thấy Tổng thống Mỹ không hề ngần ngại việc lật ngược tư duy thông thường về những vấn đề quốc tế quan trọng.

NATO có bị suy yếu?

Tổng thư ký Stoltenberg đã nhấn mạnh khả năng vượt qua những bất đồng trong quá khứ của liên minh, tuy nhiên, Tomas Valasek, giám đốc trung tâm nghiên cứu Carnegie Europe và là cựu đại sứ Slovakia tại NATO - lại cho rằng bối cảnh có sự xuất hiện của Trump đã làm suy yếu khả năng ngăn chặn những kẻ xâm lược trong tương lai.

Ông Valasek nói: “Chúng tôi từng có những bất đồng trong vấn đề Lybia, Iraq hồi năm 2003, nhưng đây lại là sự khác biệt về định tính khi đồng minh lớn nhất của liên minh không chỉ bất đồng với chúng tôi, mà dường như thực sự muốn bỏ đi. Trong khi khả năng ngăn chặn vốn đã bị suy yếu.”

Tobias Bunde, người phụ trách vấn đề chính sách và phân tích tại Hội nghị an ninh Munich, thậm chí còn nói với AFP rằng “việc NATO liệu có thể tồn tại sau nhiệm kỳ tổng thống của ông ấy (Trump) hay không rất có thể cũng được đem ra tranh luận.”

Ông Bunde cho biết NATO "có thể sẽ không bao giờ bị đánh bại bởi các lực lượng bên ngoài," chừng nào tổ chức này còn duy trì được các giá trị dân chủ chung. Tuy nhiên, cũng theo ông, "điều kiện tiên quyết này hiện đang bị suy yếu từ bên trong - bởi một vài chính phủ hẹp hòi trong Liên minh, và bây giờ thậm chí là bởi tổng thống Mỹ."

Căng thẳng với Trump có vẻ sẽ trở nên gay gắt hơn trong bối cảnh hội nghị thượng đỉnh phải đưa ra những quyết định quan trọng để tăng cường khả năng tự bảo vệ của NATO trước các mối đe dọa từ Nga. Họ sẽ chính thức phê chuẩn hai bộ tư lệnh quân sự mới - một để bảo vệ các tuyến đường vận chuyển qua Đại Tây Dương và một để phối hợp các hoạt động chuyển quân ở châu Âu - cũng như một kế hoạch tăng cường khả năng huy động lực lượng của NATO một cách nhanh chóng trong trường hợp xảy ra khủng hoảng.

Tuy nhiên, bất kỳ sự chia rẽ nào cũng sẽ phủ bóng những bước tiến cụ thể này và dĩ nhiên nguy cơ chia rẽ trong nội bộ NATO sẽ điều vui mừng cho đối thủ khác./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục