Bầu cử Campuchia: Chính thức ban hành Luật Bầu cử sửa đổi

Các điều khoản sửa đổi trong Luật Bầu cử mới ban hành của Campuchia tập trung vào quy định những người không đi bỏ phiếu sẽ không có quyền ứng cử trong các kỳ bầu cử tiếp theo.
Bầu cử Campuchia: Chính thức ban hành Luật Bầu cử sửa đổi ảnh 1Người ủng hộ CPP tập trung về Trung tâm Hội nghị và Triển lãm Koh Pich ở trung tâm Thủ đô Phnom Penh. (Ảnh: Huỳnh Thảo/TTXVN)

Theo phóng viên TTXVN tại Phnom Penh, ngày 4/7, Quốc vương Campuchia Norodom Sihamoni đã ký Sắc lệnh ban hành Luật Bầu cử sửa đổi, trong bối cảnh các chính đảng ở nước này đang tiến hành chiến dịch vận động tranh cử, hướng tới cuộc bầu cử Quốc hội khóa VII diễn ra vào ngày 23/7 tới đây.

Theo trình tự quy định, trước khi được Thủ tướng Chính phủ Hoàng gia Campuchia Samdech Techo Hun Sen đệ trình Quốc vương ký sắc lệnh ban hành luật, dự thảo Luật Bầu cử sửa đổi đã được Quốc hội, Thượng viện và Hội đồng Hiến pháp Campuchia xem xét, thông qua lần lượt vào các ngày 23/6, 29/6 và 3/7 vừa qua.

Luật Bầu cử sửa đổi vừa ban hành gồm 8 điều, được soạn thảo nhằm mục đích cải cách “quyền ứng cử” được nêu rõ trong Hiến pháp Campuchia, cũng như thúc đẩy trách nhiệm giải trình của các nhà lãnh đạo chính trị được bầu ở cấp quốc gia và địa phương.

Các điều khoản sửa đổi trong Luật Bầu cử mới ban hành của Campuchia tập trung vào quy định những người không đi bỏ phiếu sẽ không có quyền ứng cử trong các kỳ bầu cử tiếp theo.

[Chiến dịch vận động tranh cử ở Campuchia khởi động thông suốt]

Ngoài ra, điều khoản sửa đổi cũng bổ sung quy định phạt tiền hoặc áp dụng hình phạt đối với những người cản trở cử tri đi bỏ phiếu, cũng như các hoạt động làm ảnh hưởng đến tiến trình bầu cử.

Tiến trình tổ chức tổng tuyển cử năm 2023 tại Campuchia đang diễn ra theo lịch trình dự kiến. Nước này đang trong giai đoạn 3 của tiến trình tổ chức bầu cử với hoạt động vận động tranh cử của các chính đảng diễn ra trong 3 tuần, từ ngày 1-21/7.

Theo Ủy ban Bầu cử quốc gia Campuchia (NEC), trong ngày 4/7, ngày thứ tư của chiến dịch vận động tranh cử, các chính đảng tham gia tranh cử tiếp tục tiến hành các hoạt động vận động tranh cử theo khả năng và phương thức vận động tranh cử của mình, chủ yếu là hoạt động tập hợp lực lượng, hòa nhạc, trình diễn slide show, phân phát và dán truyền đơn ở nơi công cộng, phát loa tuyên truyền tại trụ sở đảng hoặc tuyên truyền lưu động theo địa bàn dân cư.

Theo đánh giá của NEC, nhờ sự phối hợp tốt của các cấp chính quyền địa phương, lực lượng chức năng, cơ quan tổ chức bầu cử và các chính đảng liên quan, tiến trình vận động tranh cử của các chính đảng trong những ngày qua ở Campuchia diễn ra suôn sẻ, đảm bảo an toàn và an ninh và trật tự, không ghi nhận hành vi bạo lực.

Trước đó, ngày 1/7, NEC đã công bố lịch trình phát sóng về chính sách của các chính đảng cho cuộc tổng tuyển cử sắp tới trên các kênh sóng của Đài Phát thanh và Đài Truyền hình quốc gia Campuchia, được phát lần đầu vào buổi sáng và phát lại vào buổi chiều trong suốt 3 tuần diễn ra chiến dịch vận động tranh cử.

Tại cuộc bầu cử vào ngày 23/7 tới đây, 17 chính đảng sẽ tham gia tranh cử với đảng Nhân dân Campuchia (CPP) cầm quyền, đảng xếp thứ 18 trong danh sách các chỉnh đảng đủ điều kiện tham gia tranh cử.

Các chính đảng còn lại theo thứ tự từ 1 đến 17 lần lượt là đảng Xã hội Dân chủ Tổ ong (BSDP), Khmer Hợp nhất (KUP), Quốc tịch Campuchia (CNP), Khmer Đoàn kết Quốc gia (KNUP), Sức mạnh Dân chủ (DPP), Nông dân (FP), Phụ nữ vì Phụ nữ (WPFW), Khmer Thoát nghèo (KAPP), FUNCINPEC, Đạo pháp Trị quốc (DP), Dân chủ Cơ sở (GDP), Dân nguyện (PPP), Khmer Phát triển Kinh tế (KEPP), Thống nhất Dân tộc Khmer (EKP), Khmer Bảo thủ (KCP), Thanh niên Campuchia (CYP) và đảng Dân tộc Bản địa Dân chủ Campuchia (CIPP).

Campuchia tổ chức tổng tuyển cử định kỳ 5 năm/lần. Cuộc bầu cử gần đây nhất diễn ra vào ngày 29/7/2018./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục