Bầu cử Mỹ sẽ định hình hành động của các nước trên thế giới

Kết quả bầu cử Tổng thống và Quốc hội Mỹ trong năm 2020 đầy biến động sẽ định hình quyết sách và hành động của các nước trên thế giới trong vấn đề kinh tế, biến đổi khí hậu, điểm nóng địa chính trị.
Bầu cử Mỹ sẽ định hình hành động của các nước trên thế giới ảnh 1Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu tại một Câu lạc bộ Kinh tế ở New York ngày 12/11/2019. (Nguồn: THX/TTXVN)

Kết quả bầu cử Tổng thống và Quốc hội Mỹ trong năm 2020 đầy biến động sẽ định hình quyết sách và hành động của các nước trên khắp thế giới.

Một năm bầu cử nhiều kịch tính sắp đến của nước Mỹ có nghĩa là kể cả khi các nước khác đang phải đối mặt với nhiều vấn đề trong nước, trong khu vực và toàn cầu thì họ vẫn phải tính tới các cơ hội và rủi ro sẽ xảy ra nếu các quyết định của họ xung đột với lợi ích nước Mỹ, đặc biệt khi nước Mỹ có thể có nhiều chính sách thay đổi đáng kể sau bầu cử.

Những “điểm nóng” như Iran và Triều Tiên sẽ tìm cách đối phó sao cho có thể khai thác được những mặt yếu trong chính sách đối ngoại của Mỹ, đồng thời tính toán những rủi ro hoặc lợi ích nếu hợp tác với Chính quyền hiện tại của Tổng thống Donald Trump trong khi chờ nước Mỹ có thể có lãnh đạo mới vào năm tới. 

Trong năm 2020, Trung Quốc, Nga, và các đối thủ khác của Mỹ cũng như các đồng minh của Washington ở châu Âu và châu Á sẽ cam kết hoặc phá bỏ cam kết với Mỹ một cách hết sức thận trọng để chờ cho tới khi Mỹ có Chính quyền mới sau bầu cử.

Những nước này sẽ cân nhắc mối quan hệ của mình với Mỹ về lâu dài và tìm mọi cách tránh các cam kết có khả năng bị đảo ngược hoặc thay đổi khi bộ máy lãnh đạo Nhà Trắng thay đổi.

[Bầu cử Mỹ 2020: Cơ hội vẫn chia đều cho các ứng cử viên]

Bài dự báo 2020 của Stratfor, trang mạng chuyên phân tích thông tin địa chính trị toàn cầu có trụ sở tại Mỹ, đã nhận định không mấy lạc quan về khả năng các nước có thể chịu được những cú sốc kinh tế nếu xảy ra.

Những căng thẳng về chính trị và xã hội do tình hình tăng trưởng kinh tế Trung Quốc giảm tốc, biểu tình ngày càng nhiều do bất bình đẳng xã hội và các chương trình kinh tế thắt lưng buộc bụng ở cả Nam Mỹ, Bắc Phi và Trung Đông, chưa kể giá cả hàng hóa đình trệ và những bất ổn do hệ lụy Brexit đã góp phần khiến kinh tế mỗi nước thêm bất ổn.

Tình trạng nhiều thỏa thuận thương mại toàn cầu chưa ngã ngũ và hiệu quả hạn chế của các công cụ tài chính tiền tệ mà các chính phủ đã áp dụng, ví dụ như hiện tại lãi suất đã được hạ xuống ở mức rất thấp, sẽ khiến những cú sốc kinh tế có thể thêm trầm trọng.

Nếu chỉ một cuộc khủng hoảng xảy ra vào một thời điểm nhất định thì thường dễ kiểm soát, nhưng nếu nhiều cuộc khủng hoảng xảy ra liên tiếp hay những bất ổn kinh tế xảy ra đồng thời cùng một lúc ở nhiều nơi sẽ có thể nhanh chóng biến thành cuộc khủng hoảng ảnh hưởng toàn cầu.

Mặc dù các chuyên gia đều trông đợi những căng thẳng của cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung sẽ hạ nhiệt trong năm tới, nhưng sự khác biệt sâu xa về cấu trúc hệ thống của hai nước sẽ là vấn đề không dễ giải quyết vào năm 2020.

Con đường phát triển kinh tế của Mỹ, Trung Quốc và châu Âu quá khác biệt đã khiến cho các nước này khó có thể hợp tác với nhau và do đó, những rủi ro liên quan đến kinh tế toàn cầu lại tăng thêm.

Cuộc cạnh tranh toàn cầu ngày càng gia tăng tập trung ở lĩnh vực phát triển công nghệ sẽ khiến cuộc chiến chính trị thêm căng thẳng và ảnh hưởng xấu tới sự ổn định kinh tế.

Bầu cử Mỹ năm tới sẽ là dịp cho thấy mạng xã hội và các công cụ truyền thông được sử dụng triệt để nhằm phát tán thông tin thất thiệt và gieo rắc thêm các bất bình của người dân.

Cạnh tranh chuỗi cung ứng công nghệ và những luật lệ hay rào cản khác nhau được dựng lên với lý do nhằm đảm bảo an ninh quốc gia, đảm bảo quyền tự do cá nhân và lợi ích của doanh nghiệp chắc chắn sẽ khiến Mỹ, Trung Quốc, và châu Âu thêm xa nhau.

Trong khi đó, các chuỗi cung ứng công nghệ bị kìm hãm và các hoạt động gián điệp kinh tế lại có dịp nở rộ, tất cả đều cho thấy sự bất đồng rõ rệt giữa các nước trong cách tiếp cận nhằm tạo lập một hệ thống quy tắc ứng xử mang tính đồng thuận.

Một số vấn đề sau đây sẽ có ảnh hưởng lớn trên toàn cầu trong năm 2020:

Mỹ thúc đẩy các thỏa thuận thương mại trước bầu cử

Tổng thống Trump sẽ thúc đẩy càng nhiều càng tốt các thỏa thuận thương mại trước khi các cử tri Mỹ đưa ra quyết định vào tháng 11 năm tới là họ có bầu cho ông để tiếp tục ngồi tại phòng bầu dục hay không.

Ở những lĩnh vực mà đàm phán đang khó có tiến triển, Mỹ có thể sẽ dùng tới những chính sách hiếu chiến hơn để tạo thêm lợi thế cho mình. Tuy nhiên, chiến lược đó cũng sẽ đi kèm rủi ro khiến ông Trump mất đi sự ủng hộ của cử tri nếu như các bước đi của Nhà Trắng lại kéo nền kinh tế Mỹ đi xuống.

Do đó, yếu tố này có thể sẽ làm Mỹ bớt cứng rắn trong trường hợp một số đàm phán của họ không thành ở thời điểm quá gần với bầu cử.

Sự đảo chiều kinh tế toàn cầu, thị trường chứng khoán hạ nhiệt và những khó khăn kinh tế ở khu vực Trung Tây (Midwest), đặc biệt hệ lụy đối với người nông dân Mỹ, sẽ buộc Mỹ bớt cứng rắn khi đàm phán thương mại.

Tuy nhiên, trong vấn đề Iran và Triều Tiên, nhiều khả năng Mỹ sẽ không nhân nhượng bởi cả Chính quyền của ông Trump và Quốc hội Mỹ đều thúc đẩy đàm phán phải có lợi nhất cho Mỹ.

Bất ổn đối với kinh tế toàn cầu

Những bất ổn ảnh hưởng tới chính sách thương mại toàn cầu do những hành động hiếu chiến của Mỹ sẽ vẫn là nguyên nhân chính khiến nền kinh tế toàn cầu kém khởi sắc trong năm tới kể cả khi thỏa thuận thương mại Mỹ-Trung đã phát đi những tín hiệu lạc quan về tăng trưởng.

Một số nguy cơ bất ổn khác có thể xuất hiện trong năm 2020 cũng sẽ kìm hãm tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Trung Quốc đang giải quyết tình trạng giảm tốc tăng trưởng kinh tế của mình, và phải đối mặt với nhiều rủi ro, nhất là nếu cuộc chiến Mỹ-Trung lại leo thang căng thẳng. Thế nhưng, dù tốc độ tăng trưởng kinh tế của Mỹ và Trung Quốc chậm lại thì cả hai nước cũng sẽ không để xảy ra những cú sốc đột ngột về kinh tế.

Tăng trưởng kinh tế ở Tây Âu sẽ tiếp tục ảm đạm và chắc chắn sẽ ở mức dưới 1% trong cả năm. Một yếu tố quan trọng dẫn tới tình trạng này là nền kinh tế Đức trì trệ mà Chính quyền Berlin không sẵn sàng đưa ra các giải pháp kích thích tăng trưởng kinh tế.

Các thị trường mới nổi cũng sẽ phải chuẩn bị cho một năm 2020 đầy khó khăn. Argentina được dự báo sẽ đắm chìm trong khủng hoảng kinh tế. Brazil và Ấn Độ sẽ phải vật lộn cải cách cơ cấu hệ thống để có thể duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế cao.

Nền kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ, vốn đã rơi vào tình trạng liêu xiêu vì những chính sách kích thích kinh tế thiếu bền vững, có thể sẽ từ từ phục hồi, nhưng với tốc độ chậm chạp.

Tình trạng tăng trưởng kinh tế toàn cầu kém khởi sắc kéo dài sẽ tạo điều kiện, làm bùng nổ thêm các cuộc biểu tình quy mô lớn ở các nước đang phát triển vốn có hệ thống quản lý yếu kém cộng thêm tình trạng bất bình đẳng kinh tế diễn ra từ lâu.

Một số yếu tố khác ảnh hưởng xấu đến tăng trưởng kinh tế toàn cầu là những rào cản nhiều nước phải đối mặt khi muốn sử dụng các công cụ tài chính, tiền tệ làm đòn bẩy kích thích nền kinh tế.

Ở các nước phát triển, việc áp dụng chính sách tiền tệ hay mức lãi suất thấp để tạo động lực tăng trưởng đã gần như bão hòa. Một số nước vẫn còn dư địa để áp dụng các chính sách này, ví dụ như Đức, nhưng lại không thể thực hiện vì vấp phải sự phản đối chính trị trong nước.

Sau khi Hiệp định Mỹ-Mexico-Canada (USMCA) được thông qua và thỏa thuận thương mại “giai đoạn một” với Trung Quốc cũng đã được nhất trí, ông Trump thể hiện rằng việc đạt được các thỏa thuận thương mại trước kỳ bầu cử Mỹ 2020 là một mục tiêu chính của ông.

Tuy nhiên, Mỹ và Trung Quốc khó mà tiếp tục đạt được thỏa thuận thương mại toàn diện trong năm 2020, bởi Trung Quốc sẽ nhân nhượng và chấp nhận yêu cầu của Mỹ về cải tổ cơ cấu nền kinh tế.

Thỏa thuận thương mại giai đoạn một đã hoàn tất và dự kiến hai bên sẽ ký kết trong năm 2020, nhưng những bất đồng xung quanh việc diễn giải và thậm chí những tiềm ẩn căng thẳng leo thang quy mô nhỏ (chẳng hạn một bên lại đưa ra một số thuế quan với một số hàng hóa nhất định nào đó) vẫn có thể hoàn toàn xảy ra.

Tuy nhiên, bởi ông Trump muốn việc đạt được thỏa thuận thương mại là trọng tâm thành tựu của ông trong chính sách thương mại nhằm mục đích quảng bá vào kỳ bầu cử tháng 11 tới nên bất kỳ sự leo thang căng thẳng nào cũng sẽ được "xoa dịu" để không khiến thỏa thuận thương mại giai đoạn một bị đổ vỡ.

Trong khi đó, các cuộc đàm phán thương mại Mỹ-Âu sẽ tạm đình trệ bởi bất đồng xung quanh vấn đề nông sản và Mỹ sẽ áp thêm thuế quan lên hàng hóa châu Âu. Nhà Trắng sẽ dựa vào một số lý lẽ để tiến hành áp thuế chẳng hạn như viện cớ thuế dịch vụ kỹ thuật số mà Pháp hiện đang áp dụng hay viện cớ Mỹ quan ngại về an ninh quốc gia xung quanh việc nhập khẩu ôtô.

Tuy nhiên, nếu so sánh những động thái này với cuộc chiến thương mại mà Washington tiến hành với Bắc Kinh thì quy mô và mức độ các đòn tấn công thương mại của Mỹ đối với châu Âu còn rất nhẹ nhàng.

Chủ trương của Mỹ muốn Tòa án phúc thẩm (Cơ quan phúc thẩm của Tổ chức Thương mại Thế giới - WTO) không hoạt động bằng cách không chuẩn y đủ số thành viên cần có nếu muốn giải quyết các vụ tranh chấp. Điều này sẽ khiến các vụ kiện lên tòa phúc thẩm này không được giải quyết trong năm 2020.

Nỗ lực của Mỹ muốn buộc các nước đàm phán cải tổ WTO có thể sẽ không nhúc nhích trong năm tới, nhưng các nước thành viên WTO cũng sẽ cố gắng để các vụ việc tranh chấp được giải quyết thông qua quy trình giải quyết được điều chỉnh hoặc tìm ra các giải pháp thay thế.

Khi không có Tòa án phúc thẩm để giải quyết tranh chấp thì các nước khác cũng có thể hành xử kiểu hiếu chiến và đơn phương trong các vụ tranh chấp thương mại mà nhiều khả năng một trong các vụ việc sẽ là vụ châu Âu đáp trả việc Mỹ đánh thuế đối với Airbus và các nước kiện Mỹ trợ giá cho Boeing mà hiện hồ sơ này cũng đang “treo” tại WTO.

Cuộc chiến giành ưu thế công nghệ vẫn tiếp diễn

Trong lúc cuộc cạnh tranh giành ưu thế công nghệ giữa giữa châu Âu, Mỹ và Trung Quốc vẫn tiếp tục, ngày càng nhiều ngành công nghệ được xếp vào loại ưu tiên về an ninh kinh tế và quốc gia.

Cuộc cạnh tranh này sẽ khiến các chuỗi cung ứng công nghệ toàn cầu trở nên lỏng lẻo. Bởi việc xây dựng hạ tầng và ra mắt công nghệ dữ liệu 5G sẽ mở rộng đáng kể trong năm 2020, chắc chắn Mỹ sẽ duy trì sức ép lên tập đoàn công nghệ khổng lồ của Trung Quốc là Huawei bằng cách kiểm soát chặt chẽ xuất khẩu nhằm hạn chế Huawei tiếp cận với các hãng cung cấp linh kiện công nghệ của Mỹ.

Washington cũng sẽ hối thúc các đồng minh cùng đưa ra rào cản đối với tập đoàn này, bao gồm cả việc cấm sử dụng thiết bị của công ty này cho việc triển khai mạng lưới 5G, nhưng những nỗ lực của Mỹ cũng sẽ chỉ mang lại thành công ở mức độ hạn chế.

Thay vào đó, hầu hết các nước sẽ cố vừa làm hài lòng Mỹ vừa cố lấy lòng Trung Quốc, bằng cách cho phép Huawei tiếp cận mạng lưới 5G của họ, mặc dù vẫn hạn chế sử dụng các thiết bị của Huawei cho các mạng lưới này.

Mỹ có thể áp lệnh trừng phạt với các nước vẫn dùng thiết bị của Huawei và tiếp tục đẩy các đồng minh của mình ra xa hơn. Thế nhưng, vấn đề Huawei cũng chỉ là một khía cạnh trong cuộc cạnh tranh công nghệ toàn cầu sẽ kéo dài giữa Mỹ và Trung Quốc.

Trong cuộc chiến này, kẻ thắng cuộc, dù là Washington hay Bắc Kinh, cũng sẽ phát triển công nghệ mới và đưa công nghệ đó thành tiêu chuẩn trên toàn cầu.

Trung Quốc, châu Âu và Mỹ sẽ hỗ trợ các công ty công nghệ của mình bằng cách sử dụng hàng loạt cơ chế hỗ trợ và hạn chế đầu tư nước ngoài. Châu Âu sẽ mở rộng các quy định áp dụng đối với các công ty công nghệ của Mỹ vào năm 2020.

Để đáp trả, Washington sẽ mở thêm nhiều cuộc điều tra liên quan tới cách ứng xử chống cạnh tranh và rất có thể sẽ áp dụng các biện pháp trừng phạt thương mại.

Liên minh châu Âu cũng sẽ kiểm soát các công ty Trung Quốc được nhà nước hỗ trợ để mua các công ty của châu Âu nằm trong nhóm lĩnh vực chiến lược. Mỹ sẽ dùng các biện pháp trừng phạt và kiểm soát xuất khẩu để hạn chế ngành công nghệ cao của Trung Quốc.

Các điểm nóng địa chính trị

Căng thẳng giữa Mỹ và Iran sẽ không biết thành cuộc chiến thực sự. Gần như chắc chắn Iran và Mỹ sẽ tránh được một cuộc chiến quân sự trực diện kể cả khi Tehran đã quay trở lại làm giàu urani và tiếp tục phát triển chương trình hạt nhân của họ để đáp trả sức ép bằng những lệnh trừng phạt của Mỹ.

Iran sẽ tiếp tục chiến lược gây hấn nhằm vào các cơ sở hạ tầng dầu khí và khu vực eo biển Hormuz để Mỹ phải trả giá đắt cho chiến lược gây sức ép bằng các lệnh trừng phạt kinh tế của mình.

Chiến lược trả đũa của Iran cũng có thể gây leo thang căng thẳng thành một cuộc đối đầu quân sự dù cả Mỹ và Iran đều muốn tránh. Có thể Iran cũng sẽ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân 2015 (Kế hoạch hành động chung toàn diện - JCPOA).

Nếu điều đó xảy ra, châu Âu buộc phải cân nhắc áp lệnh trừng phạt đối với Iran hoặc khởi động cơ chế giải quyết tranh chấp thỏa thuận hạt nhân.

Nếu thỏa thuận hạt nhân JCPOA không bị phá vỡ, lệnh cấm vận vũ khí của Liên hợp quốc đối với Iran sẽ hết hiệu lực vào tháng 10/2020. Và vì vậy Mỹ sẽ nhanh chóng tiến hành các biện pháp gây hấn đơn phương nhằm buộc châu Âu phải thực thi một giải pháp đối với Iran.

Các cuộc biểu tình ở Hong Kong (Trung Quốc) sẽ vẫn còn đó với những bế tắc chính trị kéo dài cũng như căng thẳng tiếp diễn. Việc gián đoạn kinh doanh của các công ty, tình trạng bất ổn và việc nhiều công ty nước ngoài rút khỏi Hong Kong sẽ khiến Khu hành chính đặc biệt này rơi vào suy thoái trong năm tới.

Tình trạng này cũng sẽ khiến những trung tâm kinh tế khác như Singapore và thậm chí Malaysia thu hút được các công ty chuyển khỏi Hong Kong tìm kiếm điểm đến mới.

Điều này cũng sẽ thúc đẩy Trung Quốc tập trung hơn vào các trung tâm kinh tế của đại lục như Thượng Hải, Thâm Quyến và Bắc Kinh nhằm giảm bớt sự phụ thuộc vào Hong Kong.

Vấn đề biến đổi khí hậu

Chính phủ các nước cũng như doanh nghiệp sẽ ngày càng phải đối mặt với nguy cơ từ tình trạng biến đổi khí hậu trong năm 2020. Sớm hay muộn, chính phủ các nước cũng buộc các công ty phải chịu trách nhiệm đối với các thảm họa thiên nhiên, hay tình trạng ô nhiễm đang ngày càng khiến tiến trình biến đổi khí hậu bị đẩy nhanh thêm.

Lợi nhuận và tăng trưởng của các công ty trong tương lai cũng bị ảnh hưởng do phải giảm sử dụng nhiên liệu hóa thạch. Ngược lại, các loại năng lượng tái tạo sẽ ngày càng được sử dụng phổ biến hơn.

Nhiều nước sẽ vẫn không đạt được mục tiêu chống biến đổi khí hậu mà họ cam kết, nhưng chính những người dân sẽ tích cực tham gia vào tiến trình này.

Theo giới quan sát, sẽ ngày càng có nhiều các vụ kiện buộc các chính phủ thay đổi chính sách liên quan để tích cực chống biến đổi khí hậu hơn.

Trong năm 2020, các công ty năng lượng sẽ cần đánh giá lại kế hoạch đầu tư tương lai khi mà những thay đổi về chính sách năng lượng của các chính phủ sẽ ảnh hưởng tới việc sản xuất điện, đặc biệt là ở châu Âu./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục