Bầu cử Pháp: Một nhiệm kỳ mới với nhiều phân rã về chính trị

Rạn nứt về xã hội và địa lý tại Pháp đang bị khoét sâu. Ở nội thành Paris, ông Macron giành được là 35% phiếu bầu tại vòng đầu tiên, trong khi bà Le Pen chỉ nhận được 5,5%.
Bầu cử Pháp: Một nhiệm kỳ mới với nhiều phân rã về chính trị ảnh 1Tổng thống đương nhiệm Emmanuel Macron. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Báo "Le Figaro" (Pháp) đã đăng bài viết có tựa đề “Một nhiệm kỳ mới với nhiều phân rã về chính trị” khi bình luận về cuộc bầu cử tổng thống Pháp năm 2022, với những điểm chú ý như sau:

Thứ nhất, “Mặt trận cộng hòa” vẫn phát huy tác dụng: Trong nền Đệ ngũ Cộng hòa Pháp luôn tồn tại “mặt trận cộng hòa,” một khái niệm bất thành văn chỉ sự tập hợp các đảng cánh hữu và cánh tả chống lại Mặt trận Quốc gia, mà hiện nay là Tập hợp Quốc gia (RN) của Marine Le Pen.

Mặt trận này coi RN là một phe đối lập của chế độ cộng hòa. Trong cuộc bầu cử lần này, Tổng thống Emmanuel Macron đã tái đắc cử với trên 58% phiếu bầu, bỏ xa đối thủ Marine Le Pen.

[Cử tri không muốn phe của Tổng thống Macron giành đa số ghế Quốc hội]

Các cuộc khảo sát vài ngày trước vòng 2 bầu cử vẫn cho thấy sự tồn tại của “Mặt trận cộng hòa” bởi một bộ phận cử tri cánh tả có các ứng cử viên bị loại tại vòng một đã làm nên điều này.

Đã có 40% cử tri của Jean-Luc Mélenchon (Đảng Nước Pháp bất khuất) chuyển sang bỏ phiếu cho tổng thống sắp mãn nhiệm, trong khi 2/3 cử tri của Yannick Jadot (Đảng Xanh) làm điều tương tự.

Phía cánh hữu cũng có một bộ phận chuyển sang ủng hộ Macron nhưng với một tỷ lệ nhỏ hơn đôi chút: một nửa cử tri của Valérie Pécresse (Đảng Những người cộng hòa).

Mặc dù đã suy yếu nhưng "Mặt trận cộng hòa" vẫn đủ sức giúp ứng cử viên đối lập với gia đình Le Pen giành thắng lợi với một khoảng cách đáng kể.

Thứ hai, chiến dịch tranh cử tập trung vào các chủ đề thiên tả: Trong cuộc bầu cử lần này, cả hai ứng cử viên chung cuộc đều nhắc nhiều đến các chủ đề của cánh tả (sinh thái, lương hưu...), trong khi các vấn đề thuộc truyền thống của cánh hữu như bản sắc và an ninh đã bị đẩy xuống thứ yếu.

Theo "Le Figaro," nếu các chủ đề của cánh tả được nhắc tới nhiều nhất thì chứng tỏ cử tri của cánh tả đang có một vị trí quan trọng mà cả hai ứng cử viên còn lại của vòng hai đều không thể bỏ qua.

Với phe cực hữu, cử tri của Zemmour (Đảng Tái chinh phục) đã tước mất một phần quan trọng cử tri của Marine Le Pen tại vòng một. Do vậy, 22% phiếu bầu dành cho Mélenchon đã trở thành nguồn tiếng nói quan trọng của vòng hai.

Hơn nữa, như một lẽ tự nhiên, sức mua của các hộ gia đình luôn là chủ đề quan trọng xuyên suốt chiến dịch.

Khảo sát của IFOP được thực hiện trước vòng một cho thấy ưu tiên số một của cử tri là y tế (71%), sau đó là sức mua (68%), an ninh (60%), giáo dục (59%), khủng bố (57%), thất nghiệp (49%), chống nhập cư bất hợp pháp (47%) và cuối cùng là môi trường (44%).

Các chủ đề này không biến mất khỏi các mối quan tâm của đông đảo cử tri, mà luôn nằm trong sâu thẳm.

Nếu so sánh với năm 2017, các mối quan tâm về y tế đã tăng 9 điểm (do đại dịch), sức mua tăng 8 điểm, chống tội phạm tăng 4 điểm.

Chống khủng bố giảm 9 điểm (năm 2017, Pháp đã bị khủng bố vài ngày trước vòng một) và thất nghiệp giảm 20 điểm, điều chưa từng có trong nhiều thập kỷ.

An ninh, nhập cư và khủng bố vẫn được quan tâm ở mức cao bởi đây luôn là các chủ đề thường trực và không thể thiếu trong cuộc khủng cảnh nước Pháp, ngay cả khi chúng không phải là ưu tiên số một.

Thứ ba, nhập cư không còn là chủ đề quyết định động lực bỏ phiếu cho Đảng RN. Khi cử tri đi bỏ phiếu, an ninh và tội phạm là yếu tố quyết định đối với 83% cử tri của Marine Le Pen (so với 93% của Zemmour và trung bình 60% của người dân Pháp), gần như ngang bằng với sức mua ở mức 80%.

Mối quan tâm truyền thống của cử tri RN vẫn còn đó và mang tính quyết định, nhưng thêm vào các chủ đề lịch sử này là câu chuyện tiền lương và sức mua, tức là lĩnh vực xã hội.

Lợi thế của Marine Le Pen nằm ở chỗ cử tri của bà đều rất tập trung vào các vấn đề truyền thống này, nên bà không cần phải nói quá nhiều về chúng hoặc đặt chúng làm trọng tâm trong chiến dịch vận động của mình.

Chỉ một vài điểm nhấn nhỏ là đủ. Vì vậy, trong cuộc tranh luận trực tiếp với Macron trên truyền hình, Le Pen chỉ đề cập đến lệnh cấm đeo mạng che mặt và đưa ra vài lời nhận xét như “nhập cư hỗn loạn đã góp phần gây ra tình trạng vi phạm pháp luật ở đất nước ta,” “cảm giác bất an đang vây quanh chúng ta.”

Bà không mất thời gian đi sâu vào các chủ đề này bởi bà luôn đáng tin cậy đối với các cử tri ủng hộ bà. Le Pen biết phải giành thời gian để chinh phục thêm cử tri bằng cách phát triển các chủ đề khác.

Thứ tư, trọng tâm đời sống chính trị Pháp chưa chuyển sang cánh tả: nếu làm phép tính cộng đối với ba ứng cử viên cực hữu Zemmour, Le Pen và Dupont Aignan tại vòng một, thì tổng số sẽ chiếm hơn 30% phiếu bầu trên toàn quốc.

Trong khi đó, với gần 28% phiếu bầu, Macron thể hiện một quan điểm tư tưởng thiên hữu nhiều hơn so với năm 2017.

Hơn nữa, ông đã mất một phần cử tri cánh tả trong lần bầu cử này và được bù lại bởi số phiếu bầu do một bộ phận cử tri cánh hữu chuyển sang, chẳng hạn từ những người trung thành với cựu Tổng thống Sarkozy.

Bởi vậy, cho dù Mélenchon đã đạt được số phiếu bầu kỷ lục, nhưng thực ra điều này có được là nhờ cơ chế bỏ phiếu hữu ích, lấy phiếu bầu từ các đảng cánh tả còn lại. Dẫn đến khối ủng hộ Mélenchon chỉ là thiểu số so với hai khối ủng hộ Macron và Le Pen.

Thứ năm, xuất hiện phân cách thế hệ: cuộc bầu cử lần này cho thấy ngoài sự phân cách về địa lý và xã hội, tại Pháp đã xuất hiện thêm sự phân cách về thế hệ, khi những người nghỉ hưu bỏ phiếu với đa số áp đảo cho tổng thống mãn nhiệm.

Trong lịch sử, luôn có những khác biệt rất rõ rệt, cử tri lớn tuổi luôn có tư tưởng thiên hữu cổ điển, trong khi giới lao động chủ yếu bầu cho cánh tả.

Cánh tả và cánh hữu truyền thống đã biến mất, sự phân chia được sắp xếp lại theo một cách khác.

Tại vòng một, Macron giành được sự ủng hộ của 39% số người trên 65 tuổi, trong khi Le Pen là 18% và Mélenchon chỉ là 13%.

Macron đã có nhiều nỗ lực trong việc thuyết phục lớp người cao tuổi vốn là những tín đồ cuối cùng của cánh hữu từ năm 2017.

Những người từ 65 tuổi trở lên tập hợp sau ông vì “chủ nghĩa chính đáng” (bỏ phiếu ủng hộ tổng thống mãn nhiệm trong bối cảnh khủng hoảng) nhưng cũng do bị quyến rũ bởi đề xuất cải cách hưu trí mà ông đưa ra.

Quả thực, thông báo về cải cách lương hưu, gần như là chủ đề được nhớ đến nhiều nhất trước vòng một, đã mang lại cho Macron thêm 13 điểm ở vòng này trong số những người về hưu so với năm 2017.

Tại vòng hai năm nay, đã có 2/3 số người cao tuổi bỏ phiếu cho ông, trong khi cán cân lực lượng chỉ khoảng 50 50/50 trong độ tuổi 25-50.

Marine Le Pen chủ yếu nhắm đến nước Pháp trong độ tuổi lao động. Qua các cuộc bầu cử, sức nặng của cử tri hưu trí đã trở thành trọng tâm bởi vì người dân Pháp đang sống trong một xã hội già hóa.

Cũng giống như cách mà những người có tuổi trở thành mục tiêu chiến lược trên thị trường ôtô (cứ hai chiếc xe mới thì có một chiếc được mua bởi một người về hưu), họ đã trở thành một nhóm cử tri quan trọng giúp một ứng cử viên có thể giành chiến thắng.

Do vậy, thất bại của Le Pen cũng có thể được lý giải phần nào ở việc bà đã không thể giảm khoảng cách với Macron trong lĩnh vực chiến lược này. Sự ủng hộ mạnh mẽ từ những người cao tuổi cũng giải thích tính chất tương đối đồng nhất về địa lý của những lá phiếu ủng hộ Macron.

Bầu cử Pháp: Một nhiệm kỳ mới với nhiều phân rã về chính trị ảnh 2Người ủng hộ mừng ông Emmanuel Macron giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống Pháp vòng hai, tại Paris, ngày 24/4/2022. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Trong vòng đầu tiên, ông thực sự có được sự hỗ trợ của tối thiểu 15-20% phiếu bầu ở khắp mọi nơi gắn với sự hiện diện của số người nghỉ hưu, vốn được phân bổ đồng đều hơn nhiều so với số cán bộ điều hành và công nhân lao động.

Cuối cùng, một nhiệm kỳ mới đầy thử thách với tổng thống tái đắc cử: Với số cử tri vắng mặt kỷ lục (28,2%) tại vòng hai kể từ năm 1969, Macron được bầu với chưa đầy một nửa số người đã đăng ký (kết quả năm 2017). Điều này báo trước một nhiệm kỳ 5 năm mới đầy khó khăn ở phía trước.

Cử tri không đi bỏ phiếu, cũng như phiếu trống và phiếu không hợp lệ (4 triệu vào năm 2017-10% cử tri) đã đạt đến mức kỷ lục trong năm nay. Điều đó có nghĩa là một bộ phận quan trọng trong dân chúng Pháp đã không muốn trao cho Macron một tấm séc trắng chống lại Le Pen.

Đồng thời, ứng cử viên cực hữu đã đạt được một sự ủng hộ vượt ngưỡng 40%, cao hơn hẳn năm 2017, nhờ chiến lược bình thường hóa hình ảnh cá nhân và nắm bắt chủ nghĩa chống Macron mới "phôi thai" từ năm 2017.

Rạn nứt về xã hội và địa lý tại Pháp đang bị khoét sâu. Ở nội thành Paris, ông Macron giành được là 35% phiếu bầu tại vòng đầu tiên, trong khi Le Pen chỉ nhận được 5,5%.

Một trong hai ứng cử viên lọt vào vòng chung kết gần như không tồn tại ở thủ đô, cho thấy một vực thẳm giữa giới ra quyết định và phần còn lại của người dân Pháp. Nơi ban hành chính sách bị ngắt kết nối sâu sắc với phần còn lại của đất nước.

Hiện tượng này cũng từng được thấy Mỹ, nơi Donald Trump chỉ giành được 8% phiếu bầu ở Washington DC./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục