Bầu cử Quốc hội Đức: Các chính đảng ưu tiên chủ đề khí hậu

Trong suốt chiến dịch tranh cử kéo dài nhiều tháng qua, khí hậu luôn được coi là vấn đề ưu tiên của các chính đảng trong bất cứ cuộc tranh luận trực tiếp nào trước thời điểm bỏ phiếu.
Các ứng viên Thủ tướng Đức cùng ứng viên hàng đầu của các đảng trong cuộc tranh luận qua truyền hình cuối cùng trước bầu cử tại Berlin, tối 23/9/2021. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Các ứng viên Thủ tướng Đức cùng ứng viên hàng đầu của các đảng trong cuộc tranh luận qua truyền hình cuối cùng trước bầu cử tại Berlin, tối 23/9/2021. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Cuộc chiến chống biến đổi khí hậu là một trong những chủ đề được quan tâm nhất trong cuộc bầu cử quốc hội lần thứ 20 diễn ra Đức ngày 26/9.

Trong suốt chiến dịch tranh cử kéo dài nhiều tháng qua, khí hậu luôn được coi là vấn đề ưu tiên của các chính đảng trong bất cứ cuộc tranh luận trực tiếp nào trước thời điểm bỏ phiếu.

Theo phóng viên TTXVN tại Berlin, trong chiến dịch tranh cử của mình, đảng Dân chủ Cơ đốc giáo trung hữu (CDU) của Thủ tướng Angela Merkel, cầm quyền suốt 16 năm qua cùng với đảng chị em Bavaria - Liên minh Xã hội Cơ đốc giáo (CSU), cam kết sẽ thực hiện mục tiêu trung hòa khí thải carbon vào năm 2045, đồng thời mở rộng đáng kể các nguồn năng lượng tái tạo.

Về kinh tế, CDU/CSU đang tập trung vào hydro trung hòa khí thải để thay thế than trong công nghiệp, với mục tiêu loại bỏ sản xuất nhiệt điện vào năm 2038.

Đảng Dân chủ Xã hội (SPD) theo đường lối trung tả, đối tác của liên minh cầm quyền trong chính phủ suốt 8 năm qua, lại mong muốn Đức sẽ hoàn toàn sử dụng điện từ nguồn năng lượng tái tạo sớm nhất vào năm 2040.

SPD cho rằng kế hoạch này có thể đạt được cùng với những mục tiêu khác thông qua việc lắp đặt các tấm pin năng lượng Mặt Trời trên tất cả các mái nhà.

SPD cũng đang hỗ trợ giải pháp hydro trung hòa khí thải và đến năm 2030, Đức sẽ trở thành "thị trường hàng đầu" trong lĩnh vực này.

Tuy nhiên, nếu muốn sử dụng hydro trung hòa khí thải, nhiên liệu này phải được sản xuất bằng năng lượng tái tạo.

Hiện tại SPD tuyên bố vẫn kiên định với mục tiêu loại bỏ dần than đá vào năm 2038.

Đúng như tên gọi của mình, bảo vệ khí hậu luôn là mục tiêu cốt lõi của đảng Xanh và điều này được phản ánh xuyên suốt trong các chương trình nghị sự của chiến dịch tranh cử.

Một trong những điểm gây chú ý của đảng Xanh là đề xuất thành lập một bộ bảo vệ khí hậu trong tương lai với quyền phủ quyết các luật mâu thuẫn với Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu.

[Bầu cử Quốc hội Đức: Gay cấn đến phút chót cuộc đua 'tam mã']

Khi nói đến mục tiêu năm 2030, đảng Xanh vẫn ủng hộ việc cắt giảm 70% lượng khí thải cũng như loại bỏ than đá vào thời điểm này.

Đây cũng được coi là kế hoạch tham vọng hơn so với chính phủ hiện nay.

Không những thế, đảng Xanh còn muốn đầu tư 100 tỷ euro (117 tỷ USD) vào hệ thống đường sắt chạy bằng điện vào năm 2035 cùng với việc mở rộng các nguồn năng lượng tái tạo với quy mô lớn hơn.

Với đảng Dân chủ Tự do (FDP), mua bán hạn ngạch khí thải trên thị trường tự do là trọng tâm trong chính sách bảo vệ khí hậu.

FDP cho rằng trên thị trường buôn bán hạn ngạch khí thải của Liên minh châu Âu (EU), khoảng 11.000 công ty hoạt động trong lĩnh vực điện tử, các nhà máy công nghiệp lớn và các hãng hàng không có thể "mua và bán" hạn ngạch khí thải.

Với tiêu chí này, những công ty có hệ thống hoạt động thân thiện hơn với môi trường có thể kiếm được tiền hoặc không phải trả tiền.

FDP muốn mở rộng hệ thống mua bán hạn ngạch khí thải này cho tất cả các lĩnh vực. Tuy nhiên, mục tiêu của chính phủ mới là trung hòa khí thải carbon vào năm 2045 lại không được đề cập rõ ràng trong chương trình này.

Trong khi đó, Cánh tả lại được xem là chính đảng có các mục tiêu bảo vệ khí hậu tham vọng nhất so với bất kỳ tuyên bố của đảng nào trong quốc hội.

Theo kế hoạch, Đức sẽ trung hòa khí thải carbon trong môi trường vào năm 2035 và lượng khí phát thải sẽ giảm tới 80% vào năm 2030.

Không cho rằng hoạt động buôn bán khí thải, như FDP ủng hộ, là một giải pháp tốt để bảo vệ khí hậu, Cánh tả lại muốn các quy tắc rõ ràng hơn đối với nền kinh tế và trở thành chính đảng duy nhất muốn quốc hữu hóa các công ty năng lượng lớn.

Mặc dù thừa nhận bảo vệ khí hậu là một vấn đề ngày càng quan trọng, nhưng những người theo chủ nghĩa dân túy cực hữu của đảng Sự lựa chọn vì nước Đức (AfD) lại có một quan điểm hoàn toàn trái ngược.

AfD cho rằng biến đổi khí hậu không phải là do con người hay khí phát thải gây ra.

Do đó, không quan tâm đến cuộc chiến giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính, AfD lại muốn duy trì nhiệt điện và yêu cầu Đức rút khỏi Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu, chống lại việc loại bỏ động cơ xăng và diesel về lâu dài.

Điều cần nhất mà AfD đưa ra để giải quyết vấn đề bảo vệ khí hậu là mong muốn Đức có thể thích ứng với biến đổi khí hậu theo cách "tự nhiên," chủ yếu thông qua việc chuẩn bị tốt hơn để chống lại thiên tai.

Theo thống kê của Viện Nghiên cứu kinh tế Đức (DIW), mặc dù các bên đều đặt vấn đề bảo vệ khí hậu làm trọng tâm trong các chương trình nghị sự bầu cử, song mục tiêu của Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu có thể sẽ không thực sự đạt được với bất kỳ chương trình nào.

DIW cho rằng cùng với sự khác biệt giữa các bên, không có chương trình nào đưa ra các khái niệm nhất quán để đạt được đầy đủ các mục tiêu đặt ra trong luật bảo vệ khí hậu mới./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục