Ông Timothy Ray Brown - vốn được biết đến là bệnh nhân HIV/AIDS đầu tiên trên thế giới đã thoát khỏi căn bệnh hiểm nghèo này khi thực hiện phương pháp cấy ghép tủy xương có một không hai - đã qua đời ngày 30/9 ở California (Mỹ) sau khi tái phát bệnh ung thư.
Ông Brown sinh ngày 11/3/1966, nổi tiếng với biệt danh "Bệnh nhân Berlin." Năm 2007, tại thủ đô của nước Đức, ông đã được các bác sỹ chữa khỏi hoàn toàn căn bệnh thế kỷ HIV/AIDS.
Trường hợp của bệnh nhân người Mỹ này đã thu hút sự quan tâm của đông đảo dư luận, đồng thời truyền cảm hứng rất lớn cho các nhà khoa học cũng như các bác sỹ đang nghiên cứu và điều trị HIV/AIDS cũng như các bệnh nhân nhiễm loại virus nguy hiểm này, mang đến một tia hy vọng rằng một ngày nào đó thế giới sẽ tìm ra phương pháp để chấm dứt đại dịch AIDS.
Các bác sỹ chẩn đoán ông Brown bị nhiễm virus HIV vào năm 1995 khi ông sống ở thủ đô Berlin của Đức. Tiếp đó, năm 2006, ông tiếp tục bị chẩn đoán đã mắc một loại ung thư máu có tên khoa học là bệnh bạch cầu dòng tủy cấp tính.
[Virus HIV bị tiêu diệt sau một cuộc phẫu thuật]
Tuy ông Brown không tái nhiễm virus HIV trong hơn một thập kỷ sau khi được điều trị khỏi căn bệnh này, nhưng ông lại tái phát bệnh bạch cầu trong năm 2019.
Các bác sỹ cho biết căn bệnh ung thư máu đã di căn đến cột sống và não của ông, và trong thời gian gần đây ông đã phải vào viện chăm sóc sức khỏe cho người khuyết tật ở Palm Springs, California - nơi ông từng sinh ra và lớn lên.
Các bác sỹ cho biết phương pháp điều trị cho ông Brown trong năm 2007 bao gồm việc phá hủy hệ thống miễn dịch của Brown và cấy ghép các tế bào gốc mang đột biến gene có tên khoa học là CCR5 để chống lại virus HIV.
Chỉ có một tỷ lệ rất nhỏ người dân thế giới - hầu hết là người gốc Bắc Âu - có đột biến gene CCR5, giúp họ có khả năng kháng lại virus gây bệnh AIDS.
Điều này cùng một số yếu tố khác đã khiến cho việc điều trị cho ông Brown trở nên tốn kém hơn, phức tạp hơn và mức độ rủi ro là rất cao.
Hầu hết các chuyên gia đều cho rằng sẽ không bao giờ tìm ra được phương cách nào có thể chữa khỏi bệnh cho mọi bệnh nhân HIV/AIDS, vì nhiều người sẽ phải đối mặt với nguy cơ tử vong do chính thủ thuật này.
Trên thế giới hiện có hơn 37 triệu người mắc HIV/AIDS, trong khi đại dịch này đã cướp đi sinh mạng của khoảng 35 triệu người kể từ khi bắt đầu xuất hiện vào những năm 1980.
Những tiến bộ y khoa trong 30 năm qua đã dẫn đến sự phát triển của các tổ hợp thuốc - được gọi là liệu pháp kháng virus - có thể giúp kiểm soát sự lây lan của virus HIV trong cơ thể, theo đó cho phép nhiều bệnh nhân AIDS có thể kéo dài sự sống thêm nhiều năm./.