Bệnh rối loạn lưỡng cực gây ảnh hưởng nặng thời nay

Bệnh rối loạn lưỡng cực gây hậu quả tâm lý, xã hội đáng kể, ảnh hưởng nặng nề trên đời sống người bệnh, đặc biệt trong thời đại hiện nay.
Tại buổi tọa đàm về bệnh Rối loạn lưỡng cực do Công ty Sanofi-Aventis tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh ngày 10/5, phó giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Kim Việt, cho biết đây là bệnh gây các hậu quả tâm lý, xã hội đáng kể cho người bệnh và có thể gây ảnh hưởng nặng nề trên đời sống cá nhân, nghề nghiệp, và gia đình, đặc biệt trong thời đại hiện nay.

Theo giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Kim Việt, Chủ nhiệm Bộ môn Tâm thần Đại học Y Hà Nội, Viện trưởng Viện Sức khỏe Tâm thần, Phó Viện trưởng Viện Giám định pháp y tâm thần Trung ương cho biết những người mắc bệnh này có tỷ lệ ly dị cao gấp hai đến ba lần và suy giảm chức năng nghề nghiệp gấp hai lần so với những người không mắc.

Thừa nhận các hậu quả xấu này, Tổ chức Y tế Thế giới đã xác định rối loạn lưỡng cực là nguyên nhân gây loạn hoạt năng đứng hàng thứ 6 trên toàn cầu. Hơn nữa, những bệnh nhân mắc bệnh này có nguy cơ tự tử rất cao. Theo ước tính, từ 25-50% số bệnh nhân  rối loạn lưỡng cực có toan tính tự tử ít nhất một lần trong đời.

Rối loạn lưỡng cực là một rối loạn thường gặp trong tâm thần học, đặc trưng bởi các giai đoạn hưng cảm hoặc hưng cảm nhẹ xen kẽ hoặc đi kèm với các giai đoạn trầm cảm. Tại Mỹ tỷ lệ mắc bệnh  rối loạn lưỡng cực là 4,4%.

Tại Việt Nam chưa có điều tra thống kê chính thức, nhưng theo ghi nhận tại Viện Sức khỏe Tâm thần Bạch Mai năm 2001, bệnh nhân  rối loạn lưỡng cực chiếm 8,7% trên tổng số bệnh nhân điều trị nội trú tại đây.

Theo bác sĩ Nguyễn Kim Việt, tuổi khởi phát bệnh rất sớm, 60% là ở trẻ em và vị thành niên, trong đó một phần ba là ở trẻ dưới 15 tuổi. Một trong những triệu chứng bệnh này ở trẻ em phổ biến thời đại hiện nay là trẻ bị nghiện chơi game online và Internet.

Bệnh rối loạn lưỡng cực cần được chăm sóc y tế toàn diện, lâu dài từ gia đình và xã hội. Song quan trọng là bệnh phải được chẩn đoán đúng và điều trị sớm để giúp bệnh nhân vượt qua những triệu chứng và các suy giảm chức năng liên quan.

Tuy nhiên, hiện nay đây lại là một vấn đề nan giải do việc chẩn đoán sai và điều trị chậm trễ. Nghiên cứu cho thấy có đến 69% các trường hợp có chẩn đoán sai và chậm trễ đến 20 năm kể từ khi khởi phát.

Việc chẩn đoán bệnh  rối loạn lưỡng cực hiện chỉ tập trung hoặc dừng lại ở các triệu chứng trầm cảm, và thường bỏ sót các triệu chứng hưng cảm. Vì thế hơn 60% số bệnh nhân người lớn bị  rối loạn lưỡng cực được chẩn đoán ban đầu là trầm cảm đơn cực, làm cho tiên lượng lâu dài của người bệnh xấu hơn. Việc điều trị có thể kém hiệu quả ở những bệnh nhân đã trải qua một vài giai đoạn bệnh không được điều trị hoặc điều trị không đúng./.

Minh Ánh (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục