Tuy nhiên, trên thực tế, căn bệnh này đã xuất hiện rất nhiều ở trẻ nhỏ, thậm chí bệnh còn biểu hiện ở những em nhỏ mới sinh chỉ vài tháng tuổi.
Hiện nay, tại Hà Nội có hơn 3.000 trẻ em ung thư đến từ các nơi như miền Trung, miền Bắc được điều trị tại các trung tâm ung thư như Bệnh viện Nhi Trung ương và Viện K Tam Hiệp... Quá trình nhiều bệnh nhân nhi giành lại sự sống với ung thư đầy gian nan và khó khăn.
"Đoàn binh không mọc tóc"
Có đến Khoa Ung bướu - Bệnh viện Nhi Trung ương mới thấy, bệnh ung thư thật đáng sợ và mỗi đứa trẻ mắc bệnh thực sự là một "chiến binh" khi chống chọi với căn bệnh này.
Hầu hết các bệnh nhân đều chỉ tầm từ 5 tuổi trở xuống. Một "đoàn binh không mọc tóc" với đầu trọc lóc, ánh mắt ngây thơ và dây truyền hóa chất lằng nhằng khắp cơ thể.
Chị Nguyễn Thị Lan (32 tuổi), ở Thanh Hóa cho biết, chị đưa con là Nguyễn Đình Minh (2 tuổi) điều trị ung thư tại Bệnh viện Nhi Trung ương.
Bế con trên tay, chị Lan kể, bé có dấu hiệu phát bệnh khi mới 6 tháng tuổi với cục hạch nhỏ ở gần mắt. Gia đình đi khám tại bệnh viện mắt và đã mổ hai lần, sau 10 ngày mổ lần hai, những cục hạch nhỏ lại lên nhiều khắp vùng mắt, con ngươi đỏ và mắt bị lồi ra.
Đến lúc này gia đình đưa cháu qua viện Nhi để làm xét nghiệm thì được biết cháu bị ung thư và phải điều trị truyền hóa chất. Đến nay, bé Minh đã qua 6 đợt truyền, bệnh đã thuyên giảm.
Khác với bé Minh, bé Mai Văn Đức (5 tuổi) ở Hà Tây bị ung thư máu đang điều trị được hơn một năm. Bé vừa chơi với các bạn, nhưng bên cạnh không thể thiếu một chai nước truyền.
Anh Mai Văn Trung (bố cháu Đức) cho hay, bé đã điều trị được hơn một năm trong tổng số gần 4 năm phải điều trị. Quá trình này gian nan với cả gia đình. Mỗi đợt điều trị của bé từ một tuần tới nửa tháng, tháng nào bé cũng phải vào viện để xạ trị.
Khi mới có biểu hiện bệnh, bé bị đau chân, dần dần không đứng được. Bệnh viện khu vực ban đầu chuẩn đoán bé bị bệnh khớp. Sau đó bệnh không thuyên giảm, gia đình đưa cháu đến đây và qua xét nghiệm, các bác sỹ thông báo cháu đã bị ung thư máu.
Sau một tháng điều trị tại đây, cháu đã đứng lại được. Hiện giờ bệnh của cháu đã giảm được 80%.
Trẻ bị căn bệnh hiểm nghèo đã là một bất hạnh đầu đời, tuy nhiên không phải gia đình nào cũng đủ tiềm lực về kinh tế để chạy chữa cho con mình.
Chị Nguyễn Thị Lụa, ở Hải Hậu, Nam Định tâm sự khi vừa lo cho sức khỏe của cháu bé 4 tuổi bị ung thư máu, lại thêm gánh nỗi lo xoay xở gần 10 triệu để đủ tiền ăn uống, sinh hoạt, nhà trọ khi tới bệnh viện chạy chữa cho con mỗi tháng.
“Hai vợ chồng đều lập gia đình muộn, không may thay đứa con đầu lòng bị bệnh ung thư máu. Dù là nông dân nhưng chúng tôi vẫn cắn răng xoay xở mọi cách để giành lại sự sống cho con. May thay, đến nay cháu đã đứng tốt” – chị Lụa nghẹn ngào.
Bệnh nhân nhi bị ung thư gia tăng
Mỗi năm, cả nước có khoảng 200.000 người mắc các bệnh ung thư, trong đó ung thư trẻ em có xu hướng tăng nhanh, chiếm tỷ lệ 1% trong tổng số các trường hợp ung thư ở độ tuổi dưới 15 và tỷ lệ tử vong chiếm 10-12%.
Hiện nay, theo số liệu thống kê của các nước trên thế giới, 60% trẻ mắc bệnh là dưới 6 tuổi. Những bệnh nhân ung thư nhi thường mắc các bệnh phổ biến như: ung thư hệ thống máu, ung thư não, ung thư thận, gan, xương, phần mềm, tinh hoàn…
Bác sỹ Lan nhận định, trẻ nhỏ thường hay mắc phải nhất là ung thư máu (chiếm 40%), tiếp theo là ung thư não, ung thư hạch.
Theo thống kê của Bệnh viện Nhi Trung ương, năm 2010 có 209 trường hợp bệnh nhân nhi điều trị mới. Trong sáu tháng đầu năm 2011, tại bệnh viện đã tiếp nhận 138 ca mắc bệnh ung thư nhi mới, có tháng cao điểm tỷ lệ bệnh nhân tăng vọt.
Trong tháng Hai chỉ có 14 bệnh nhân nhi ung thư được phát hiện mắc mới, trong khi đó, tháng Tư lên tới 35 trường hợp và tháng Năm cũng có 35 trường hợp mắc mới.
Hiện nay, có hơn 60 bệnh nhân ung thư nhi đang điều trị hiện nay tại Khoa Ung bướu của bệnh viện. Từ đầu năm đến nay, đã có hai trường hợp bệnh nhân nhi bị ung thư điều trị nội trú đã tử vong.
Gian nan quá trình điều trị
Cuộc chiến giành lại sự sống cho các bệnh nhân nhi vô cùng khó khăn và “trường kỳ kháng chiến.”
Bác sỹ Phùng Tuyết Lan – Phó trưởng khoa Ung bướu, Bệnh viện Nhi Trung ương cho hay, trong những năm gần đây có nhiều bệnh nhân nhi đến khám nhiều hơn. Tuy nhiên, số lượng bệnh nhân ung thư đến viện khám mới chỉ chiếm 1/4 số người mắc bệnh trên thực tế.
Theo bác sỹ Lan, việc điều trị cho các bệnh nhân nhi bị ung thư thường kéo dài từ 2 đến 3 năm. Sau khi kết thúc những đợt điều trị tại bệnh viện, các bệnh nhân này sẽ được tiếp tục phải theo dõi trong 5 năm. Do vậy, có khá nhiều ít gia đình không đủ tiền sau khi phát hiện có bệnh đã không quay trở lại để điều trị, mặc dù trẻ em đã được bảo hiểm y tế hỗ trợ khá nhiều tiền viện phí.
Bác sỹ Lan phân tích, các bệnh nhân ung thư nhi có điểm lợi thế là việc điều trị cho kết quả nhanh và tốt hơn so với các đối tượng khác. Bởi đa số các bệnh nhân nhi còn nhỏ, các tế bào mầm đang trong quá trình phát triển nên khả năng khỏi bệnh cao hơn.
Những bệnh nhân là người lớn tuổi tỷ lệ khỏi bệnh dưới 50%, còn đối với những bệnh nhân nhi tỷ lệ khỏi bệnh là trên 75% và lượng bệnh nhân nhi khỏi bệnh hoàn toàn chiếm tỷ lệ 3/4.
Phương pháp điều trị ung thư cho trẻ nhỏ được tiến hành chính tại Bệnh viện Nhi Trung ương là hóa chất, hạn chế điều trị chỉ định bằng tia xạ - trường hợp này chỉ dùng với trường hợp bị u não. Bởi cách điều trị bằng tia xạ sẽ để lại nhiều di chứng trên cơ thể đang phát triển của trẻ.
Bác sỹ Lan nhận xét, hiện nay việc phát hiện ung thư ở các bệnh viện tuyến dưới rất khó khăn. Nguyên nhân là do các dịch vụ và nhân viên y tế ở đó chưa hiện đại và có trình độ cao nên có nhiều vướng mắc.
Một khó khăn nữa là nhiều người dân vẫn chưa nhận thức rõ được dẫn đến tình trạng để ủ bệnh lâu rồi mới đến khám, khi đó bệnh của trẻ đã trở nên nghiêm trọng hơn./.