Bệnh viện Việt Đức quá tải, bệnh nhân tới khám tăng tới 200-300%

Bệnh viện Việt Đức quá tải, bệnh nhân tới khám tăng kỷ lục

Nếu như trong 6 tháng của năm 2021 Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức tiếp nhận hơn 51.000 lượt người tới khám chữa bệnh, thì riêng trong 6 tháng đầu năm 2022 đã có 140.000 bệnh nhân tới khám.
Bệnh viện Việt Đức quá tải, bệnh nhân tới khám tăng kỷ lục ảnh 1Bệnh nhân cấp cứu được chuyển tới Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Gần đây có thông tin phản ánh về việc bệnh nhân phải chờ đợi lâu khi đi làm các thủ tục khám chữa bệnh tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, Phó giáo sư Nguyễn Mạnh Khánh - Phó Giám đốc Bệnh viện cho hay từ đầu năm đến nay, bệnh viện “rơi” vào cảnh quá tải khủng khiếp.

Cụ thể, số lượng bệnh nhân tới khám tăng tới 200%-300% so với những năm trước đó, khiến nhân viên y tế cũng “quay cuồng” đi làm từ sáng sớm đến tối muộn vẫn không hết việc vì lượng bệnh nhân quá đông.

Bệnh nhân gia tăng đột biến

Phó giáo sư Nguyễn Mạnh Khánh phân tích, khi dịch COVID-19 đã giảm dần ca mắc, từ đầu năm đến nay bệnh viện ở trong tình trạng quá tải, số lượng bệnh nhân tới khám gia tăng đột biến so với các năm trước.

[TP.HCM: Quá tải bệnh viện, thiếu thuốc điều trị sốt xuất huyết]

Nếu như trong 6 tháng của năm 2021 bệnh viện tiếp nhận hơn 51.000 lượt người tới khám chữa bệnh, thì riêng trong 6 tháng đầu năm 2022 đã có 140.000 bệnh nhân tới khám (tăng gần 100.000 trường hợp). Lượng người chụp X-Quang của 6 tháng đầu năm 2021 có 47.000 lượt, trong khi cùng kỳ năm nay có 100.000 lượt; Về chụp cộng hưởng từ lần lượt là 14.586 (6 tháng đầu năm 2021) và 30.254 ca (6 tháng của năm 2022) - tăng 200%; Chụp CT cũng tăng mạnh 2.508 lượt (6 tháng của năm 2021), 6 tháng của năm nay là hơn 8.000 lượt - tăng 300%; Về nội soi, 6 tháng của năm 2021: 2.500 ca, 6 tháng đầu năm nay hơn 5.900 ca; Siêu âm: 6 tháng của năm 2021 là hơn 20.000 ca, năm nay gần 49.000 ca; Về xét nghiệm: 194.000 lượt (6 tháng của năm 2021), năm nay hơn 674.000 lượt.

Biểu đồ về sự gia tăng bệnh nhân và các dịch vụ kỹ thuật thực hiện tại bệnh viện trong 6 tháng đầu năm của năm 2021 và 2022:

Bệnh viện Việt Đức quá tải, bệnh nhân tới khám tăng kỷ lục ảnh 2

Số lượng bệnh nhân tăng đột biến gấp đôi, gấp ba như vậy nhưng bệnh viện không thể tăng thâm cán bộ, nhân lực, do vậy, hầu hết các nhân viên y tế của bệnh viện phải tăng giờ làm từ 8 giờ đến 12-16 giờ để kịp thời giải quyết hết cho nhu cầu của bệnh nhân.

Phó giáo sư Nguyễn Mạnh Khánh cho hay bệnh viện thực tế được giao với 1.508 giường bệnh, tuy nhiên lượng bệnh nhân thực tế luôn đông, lên tới 2.000 bệnh nhân nội trú/ngày, trong khi đó bệnh viện không để tình trạng bệnh nhân phải nằm ghép, vì vậy, phải trưng dụng thêm những khu vực có thể biến thành phòng bệnh để bố trí thêm giường bệnh, cáng cho bệnh nhân nội trú nằm có điều hòa, quạt...

Mỗi ngày tại bệnh viện có khoảng 2.000 bệnh nhân nội trú và khoảng 2.000 bệnh nhân đến khám, mỗi người bệnh thường có 1-2 người nhà đi cùng (khoảng 2-4.000 người), cùng với 2.000 nhân viên y tế, như vậy tại bệnh viện mỗi ngày có khoảng 10.000 người lưu lại quanh bệnh viện rộng 3ha.

“Gồng mình” vì không được từ chối bệnh nhân

Phân tích về tình trạng quá tải, bác sỹ Khánh cho hay năm 2021 toàn bệnh viện thực hiện 29.000 ca phẫu thuật, tuy nhiên từ đầu năm đến nay, trong vòng hơn 6 tháng 51 phòng mổ của bệnh viện hoạt động liên tục, các bác sỹ của bệnh viện đã mổ tới hơn 35.000 ca. Lãnh đạo bệnh viện đã có những giải pháp kịp thời như mổ ngoài giờ, mổ xuyên các ngày nghỉ, ngày lễ Tết để giảm thiếu tới mức tối đa số lượng bệnh nhân phải chờ mổ.

Bệnh viện Việt Đức quá tải, bệnh nhân tới khám tăng kỷ lục ảnh 3Phó giáo sư Nguyễn Mạnh Khánh - Phó Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Hiện nay, có nhiều bệnh viện phản ánh tình trạng thiếu thuốc và vật tư y tế phục vụ công tác phẫu thuật, về vấn đề này, ông Khánh cho biết một số vật tư tiêu hao hay dụng cụ y tế bảo hiểm y tế cấp trong một năm với số lượng dự trù nhất định, năm nay số lượng bệnh nhân phẫu thuật tại bệnh viện tăng đột biến, chỉ trong 6 tháng đã gần như hết dự trù cho cả năm. Do vậy, bệnh viện phải kịp thời bổ sung công tác đấu thầu mua sắm theo đúng các quy định của nhà nước cho kịp thời và hiện bệnh viện không có tình trạng bệnh nhân phải ra ngoài mua thêm vật tư y tế.

Lý giải nguyên nhân vì sao có tình trạng bệnh nhân tới khám gia tăng đột biến, theo ông Khánh, do là bệnh viện công lập nên một ngày có bao nhiêu bệnh nhân đến khám các phòng ban đều phải tiếp nhận và giải quyết hết, không từ chối người bệnh. Ngoài bệnh nhân cấp cứu từ các tuyến chuyển lên bệnh viện đều tiếp nhận còn có bệnh nhân tự đến khám.

Bên cạnh đó, sau 2 năm dịch COVID-19, nhiều trường hợp bệnh nhân không phải cấp cứu nên không tới khám, khi dịch bệnh kiểm soát tốt, mọi người dồn đi khám nên xảy ra hiện tượng đông bệnh nhân.

Ông Khánh cho rằng có thể còn nguyên nhân là tại nhiều cơ sở y tế chưa giải quyết tốt những vướng mắc về chuyên môn hay trang thiết bị, nguồn nhân lực nên bệnh nhân vượt tuyến, dẫn tới hiện tượng lượng bệnh nhân tăng 200-300% so với các năm trước.  

Theo bác sỹ Khánh, trước tình hình trên bệnh viện đã phải “gồng mình” để tăng cường công suất phục vụ, nhân viên y tế gần như đi làm cả tuần, số thời gian làm không còn 8 tiếng mà chia nhau gối ca kíp, các khu vực khám bệnh, chụp chiếu, nội soi… bố trí nhân lực đi làm từ 6 giờ sáng khám đến 7 giờ tối, thậm chí khi nào hết bệnh nhân mới dừng.

Trước câu hỏi về việc cơ sở chính của bệnh viện đông bệnh nhân và đang trong tình trạng quá tải, vậy cơ sở 2 khi nào đi vào hoạt động để giảm tải cho cơ sở chính? Phó giáo sư Khánh cho hay Cơ sở 2 của bệnh viện tại Hà Nam có chủ đầu tư là Bộ Y tế, bệnh viện vẫn đang chờ khi nào được bàn giao sẽ triển khai nhân lực cũng như bố trí các khâu tiếp theo để đi vào sử dụng./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục