Bí ẩn World Cup: Vì sao Trung Quốc quá tệ trong bóng đá?

Trung Quốc có thể là quốc gia đông dân nhất thế giới, nhưng lại chỉ là kẻ nhược tiểu trong bóng đá khi xếp hạng 103 thế giới. Tạp chí Time của Mỹ đã thử đi tìm lời lý giải.
Bí ẩn World Cup: Vì sao Trung Quốc quá tệ trong bóng đá? ảnh 1Trẻ em Trung Quốc chơi bóng tại trường học ở tỉnh Hồ Nam (Nguồn: Time)

Trung Quốc có thể là quốc gia đông dân nhất thế giới, nhưng lại chỉ là kẻ nhược tiểu trong bóng đá. Quốc gia này hiện đang đứng vị trí số 103 trong bảng xếp hạng của FIFA, dưới một bậc so với Guinea Xích đạo.

Vậy các fan bóng đá cuồng nhiệt ở Trung Quốc cảm thấy sao? Phần lớn là chấp nhận tình cảnh. "Nếu Trung Quốc góp mặt trong World Cup thì điều này sẽ trái với các quy luật của bóng đá" - Chen Xiao, một nhà báo chuyên về bóng đá tới từ Thạch Gia Trang ở Đông Bắc Trung Quốc nói với tạp chí Time.

Có nhiều lý do dẫn tới thành tích tồi tệ của môn bóng đá nam ở Trung Quốc (môn bóng đá nữ ở đây không tệ chút nào). Tại những nơi như Brazil, trẻ em dường như lớn lên với trái bóng. Trong khi đó tại Trung Quốc, hoàn toàn không có truyền thống trẻ em vui chơi với trái bóng, dù một số nhân vật theo đường lối ái quốc khẳng định bóng đá đã được phát minh tại đây. Trung Quốc cũng chẳng có mạng lưới các đội bóng dành cho thiếu niên nhi đồng như ở Mỹ, bởi sau giờ học ở trường, trẻ em thường chúi mũi vào việc ôn tập ở nhà.

Dù vậy, thực tế này không thể ngăn cản hàng triệu người Trung Quốc đam mê bóng đá, ít nhất là với tư cách các khán giả. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cũng được cho là một fan bóng đá.

Trung Quốc có một giải bóng đá chuyên nghiệp, nhưng đầy rẫy các phi vụ dàn xếp tỷ số và hối lộ. Đã có những nỗ lực nâng cao trình độ giải vô địch Trung Quốc, nhờ các khoản đầu tư lớn do một số tỷ phú trong nước rót vào. Quảng Châu đã giành chức vô địch Champions League châu Á năm vừa rồi, dưới sự dẫn dắt của Marcelo Lippi. Nhưng đội tuyển quốc gia Trung Quốc thì vẫn chơi quá tệ.

Cho tới nay đội tuyển Trung Quốc mới chỉ lọt vào vòng chung kết World Cup một lần duy nhất vào năm 2002 dưới sự dẫn dắt của Bora Milutinovic. Nhưng sở dĩ năm đó họ giành vé dự vòng chung kết là do Nhật Bản và Hàn Quốc không đá vòng loại vì là đồng chủ nhà.

Năm ngoái, Trung Quốc đã thua cả đội tuyển Thái Lan với toàn các cầu thủ trẻ, khiến nhiều cổ động viên quá khích làm loạn trên khán đài.

Bắc Kinh đã nỗ lực đầu tư cho thể thao nhằm tìm kiếm vinh quang quốc tế. Phong cách huấn luyện kiểu Liên Xô cũ đã giúp Trung Quốc lột xác trở thành quốc gia gặt hãi nhiều huy chương vàng nhất ở Olympic Bắc Kinh 2008.

Thành tích của thể thao Trung Quốc dựa nhiều trên các môn đề cao tính khổ luyện như bắn súng, lặn và thể dục dụng cụ. Còn ở môn tập thể và sáng tạo như bóng đá thì Trung Quốc vẫn đì đẹt. Các quan chức Trung Quốc phải thốt lên rằng dù thống trị trong các môn "bóng nhỏ" như bóng bàn và cầu lông, nước này vẫn chưa thành không với các môn "bóng lớn" như bóng đá và bóng rổ.

Nếu Qatar, hiện đang vướng vào bê bối liên quan tới FIFA lớn nhất từ trước tới nay, mất cơ hội đăng cai World Cup 2022, một quốc gia châu Á khác có thể sẽ lấp chỗ trống mà nước này để lại.

Một số người tại Trung Quốc coi việc tổ chức World Cup là điều đất nước cần làm để thúc đẩy bóng đá trong nước. Tuy nhiên số khác đã không đồng tình. "Nước chủ nhà sẽ phải tiêu hàng tỷ USD vào World Cup” - Liu Yifan, giám đốc điều hành công ty phát triển thể thao Yifan Bắc Kinh nhận xét - “Chúng ta nên dùng tiền đó để nâng cao tiêu chuẩn sống của người dân, đặc biệt là dân nghèo"./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục