Bỉ kiện Pháp lên EC về vấn đề trang trại điện gió ngoài khơi

Bỉ cáo buộc phía Pháp đã xác định xây dựng trang trại điện gió vào năm 2016 mà không có bất kỳ tham vấn nào với nước láng giềng, dù nằm ở khu vực biên giới với Bỉ.
Bỉ kiện Pháp lên EC về vấn đề trang trại điện gió ngoài khơi ảnh 1(Nguồn: Thetimes)

Bỉ đã đệ đơn khiếu nại lên Ủy ban châu Âu (EC) về một dự án trang trại điện gió ngoài khơi của Pháp ở rìa lãnh hải của nước này.

Ngày 26/4, EC xác nhận đã nhận được đơn khiếu nại của Bỉ và phải đưa ra ý kiến hợp lý trong vòng 3 tháng sau khi nghe lập luận của 2 quốc gia thành viên, trước khi Bỉ có thể tiếp tục kiện lên Tòa án Công lý châu Âu.

Hồi tháng 7/2201, Chính phủ Bỉ, vùng Flanders (vùng nói tiếng Hà Lan của Bỉ) và đô thị La Panne đã đệ đơn lên Tòa án hành chính Lille ở miền Bắc nước Pháp yêu cầu hủy bỏ dự án trên.

Một loạt cuộc họp giữa hai chính phủ trong khuôn khổ hòa giải của EC đến nay không mang lại kết quả.

[EC đề xuất biện pháp nhằm đảm bảo nguồn cung năng lượng]

Theo Bộ trưởng Biển Bắc của Bỉ, Vincent Van Quickenborne, khiếu nại lên EC "là cần thiết để bảo vệ quyền lợi của phía Bỉ." Brussels mong muốn tìm ra một giải pháp thỏa đáng cho tất cả các bên.

Trang trại điện gió của Pháp gồm 46 tuabin gió, có thể cao tới 300m, dự kiến sẽ khánh thành vào năm 2027, cách bờ biển Dunkirk khoảng 10km.

Bỉ cáo buộc phía Pháp đã xác định xây dựng trang trại này vào năm 2016 mà không có bất kỳ tham vấn nào với nước láng giềng, dù nằm ở khu vực biên giới với Bỉ.

Hồi tháng 6 năm ngoái, Bộ Biển Bắc của Bỉ đã đề xuất di chuyển công viên ra xa hơn 5 km ra biển, điều này "có thể giải quyết gần như tất cả các phản đối mà Bỉ đưa ra. Tuy nhiên, Paris không thay đổi quyết định.

Theo Brussels, dự án sẽ đặt các tuabin gió "trong vùng trời do Bỉ kiểm soát," nơi liên quan đến sự an toàn của giao thông đến và đi từ căn cứ quân sự Koksijde.

Bên cạnh đó, dự án cũng có nguy cơ làm phức tạp các hoạt động cứu hộ có thể diễn ra trong khu vực này. Trong số các "lợi ích thiết yếu" khác bị đe dọa là "việc chặn các tuyến đường biển lịch sử giữa Vương quốc Anh và cảng Ostend."

Dự án công suất 600 MW cũng đã gặp phải sự phản đối ở Pháp, với những lời chỉ trích nhắm vào mối đe dọa đối với việc thay đổi hệ sinh thái và tài nguyên biển./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục