EC đề xuất biện pháp nhằm đảm bảo nguồn cung năng lượng

Dự kiến vào tháng Năm tới, Ủy ban châu Âu (EC) sẽ công bố kế hoạch chi tiết về việc từ bỏ nhiên liệu hóa thạch của Nga vào năm 2027 sau khi Moskva tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine.
EC đề xuất biện pháp nhằm đảm bảo nguồn cung năng lượng ảnh 1Bơm xăng cho phương tiện tại một trạm bán xăng ở Rome, Italy ngày 12/3/2022. (Ảnh: THX/TTXVN)

Ngày 23/3, Liên minh châu Âu (EU) đã đưa ra khuyến nghị các nước thành viên có thể cùng mua khí đốt để tăng nguồn cung, song cảnh báo rằng việc tìm cách giới hạn giá bán buôn sẽ gây ra một số vấn đề và làm suy yếu nỗ lực chuyển đổi sang sử dụng năng lượng xanh.

Dự kiến vào tháng Năm tới, Ủy ban châu Âu (EC) sẽ công bố kế hoạch chi tiết về việc từ bỏ nhiên liệu hóa thạch của Nga vào năm 2027 sau khi Moskva tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại miền Đông Ukraine.

Trong khi đó, các quốc gia thành viên đang nỗ lực nhanh chóng khống chế hóa đơn năng lượng tăng vọt và tìm nguồn cung cấp thay thế trong trường hợp nguồn cung từ Nga bị gián đoạn.

[Khủng hoảng Ukraine đang định hình lại thị trường năng lượng châu Âu]

EC đã đề xuất một loạt các lựa chọn để thực hiện mục tiêu trên, mà các nhà lãnh đạo EU sẽ thảo luận tại hội nghị thượng đỉnh trong ngày 24-25/3.

EC khuyến nghị các nước EU cùng mua khí đốt từ các nhà cung cấp, theo một mô hình tương tự như cách liên minh này mua vaccine ngừa COVID-19, với một nhóm đàm phán do Ủy ban dẫn đầu tổng hợp nhu cầu và tìm kiếm khí đốt trước mùa Đông tới.

EC đã đánh giá các lựa chọn khác - chẳng hạn như áp giá trần mà Tây Ban Nha và Bỉ đã kêu gọi trước hội nghị thượng đỉnh của các nhà lãnh đạo EU. Một lựa chọn sẽ dành cho một thực thể do chính phủ kiểm soát để mua điện và bán cho một số người tiêu dùng dưới giá thị trường.

Một cách khác sẽ là giới hạn giá điện và sử dụng máy phát điện để giải quyết sự chênh lệch giữa mức giá trần và giá thị trường.

Tuy nhiên, EC cho biết việc giới hạn giá điện cũng có thể làm suy yếu tới hoạt động đầu tư vào sản xuất năng lượng tái tạo mới, trong khi việc giới hạn giá nhiên liệu sẽ khiến các máy phát điện chạy bằng nhiên liệu hóa thạch trở nên cạnh tranh hơn. Việc giải quyết các vấn đề này cũng sẽ đòi hỏi sự tài trợ lớn của chính phủ.

Các nước EU đã rót hàng tỷ USD để cắt giảm thuế và trợ cấp quốc gia nhằm giảm hóa đơn cho người tiêu dùng, sau khi giá điện tăng lên mức kỷ lục trong những tháng gần đây.

Bên cạnh đó, EC cũng đề xuất một điều luật yêu cầu các quốc gia EU lấp đầy kho lưu trữ khí đốt lên ít nhất 90% vào ngày 1/11 hàng năm kể từ năm 2023 và 80% trong năm nay. Điều này sẽ cần sự chấp thuận từ các nước EU và Nghị viện châu Âu.

Liên minh châu Âu (EU) và các đồng minh đã áp đặt các biện pháp trừng phạt sâu rộng với Nga, bao gồm cả việc đóng băng dự trữ vàng và ngoại hối của ngân hàng trung ương nước này.

Hiện khối này đang xem xét mở rộng các biện pháp trừng phạt đối với Moskva, bao gồm cả hydrocacbon, sau khi Nga triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt tại miền Đông Ukraine.

Tuy nhiên, việc nhắm mục tiêu vào xuất khẩu năng lượng của Nga - như Mỹ và Anh đã làm - là một lựa chọn gây chia rẽ đối với 27 quốc gia EU, vốn phụ thuộc chặt chẽ vào Nga về dầu mỏ, khí đốt và than đá.

Theo hãng tin Reuters, Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak ngày 23/3 đã lên tiếng cảnh báo thị trường năng lượng toàn cầu sẽ sụp đổ nếu các lệnh trừng phạt được áp đặt đối với dầu và khí đốt từ Nga - một nhà xuất khẩu hydrocacbon lớn.

Phát biểu trước các nghị sỹ tại Duma quốc gia (Hạ viện) Nga, Phó Thủ tướng Novak cho biết Nga là nhà cung cấp lớn nhất, tỷ trọng tài nguyên năng lượng của Nga trên thị trường toàn cầu vào khoảng 40%.

Ông cho rằng thị trường dầu khí sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng nếu không có hydrocacbon của Nga trong trường hợp các lệnh trừng phạt được áp đặt.

Ông cũng cho biết sự thiếu hụt dầu thô trên thị trường toàn cầu vào khoảng 1 triệu thùng/ngày và châu Âu có thể đối mặt với tình trạng thiếu dầu diesel, với lượng tồn kho hiện ở mức thấp nhất kể từ năm 2008.

EC đề xuất biện pháp nhằm đảm bảo nguồn cung năng lượng ảnh 2Trạm tiếp nhận của Hệ thống đường ống dẫn khí đốt Dòng chảy phương Bắc 2 (Nord Stream 2) tại Lubmin, miền Đông Bắc Đức, ngày 21/9/2021. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Cũng theo Phó Thủ tướng Nga, EU, vốn đang đối mặt với "sự gia tăng giá cả và sự thiếu hụt nguồn năng lượng," đã tạm dừng dự án đường ống Dòng chảy Phương Bắc 2 (Nord Stream 2) đưa khí đốt trực tiếp từ Nga tới Đức, dưới sức ép từ Washington.

Kết quả là trong năm qua, giá điện ở châu Âu đã tăng gấp 10 lần, trong khi giá khí đốt tăng gấp 5 lần.

Ông Novak nhấn mạnh giá khí đốt đã có những thời điểm nhất định lên tới 4.000 USD/1.000m3 và đây "không phải là giới hạn."

Trong diễn biến liên quan, hãng tin AFP cho biết Tổng thống Nga Vladimir Putin cùng ngày tuyên bố Moskva sẽ chỉ chấp nhận thanh toán bằng đồng ruble cho việc vận chuyển khí đốt tới "các quốc gia không thân thiện," bao gồm tất cả các thành viên EU./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục