Trong 2 ngày 28-29/12, tại Đại học Thammasat đã diễn ra Hội thảo quốc tế: “Hòa bình ở châu Á-Thái Bình Dương năm 2017-Chiến lược quốc phòng và an ninh khu vực ở châu Á-Thái Bình Dương."
Hội thảo do Trung tâm quản trị và chính sách công Đức-Đông Nam Á (CPG) thuộc Đại học Thammasat tổ chức.
Dự Hội thảo có đông đảo các học giả, chuyên gia nghiên cứu chính trị chiến lược nổi tiếng các nước Mỹ, Pháp, Nhật Bản, Singapore, Philippines, Trung Quốc, Việt Nam…, các nhà ngoại giao, giới hoạch định chính sách, giới truyền thông của Thái Lan và nhiều nước.
Hội thảo là cơ hội để các đại biểu chia sẻ các bài học thực tiễn, qua đó, cùng trao đổi kinh nghiệm và bàn các biện pháp tăng cường hợp tác, ứng phó với các mối đe dọa phi truyền thống, góp phần duy trì hòa bình, ổn định, phát triển chung của khu vực và thế giới.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, nhà nghiên cứu Henning Glaser, Giám đốc Trung tâm CPG đánh giá khái quát những thách thức an ninh tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương; trong đó vấn đề Biển Đông là thách thức lớn nhất, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng hải và hàng không trong khu vực.
Ông Henning Glaser cho rằng, châu Á-Thái Bình Dương hiện đang là một trong những điểm nóng có ý nghĩa hết sức quan trọng trên bản đồ địa-chính trị thế giới.
Môi trường an ninh khu vực đang ẩn chứa nhiều rủi ro bởi khuynh hướng chạy đua vũ trang gia tăng, các cuộc tranh chấp lãnh thổ và chủ quyền biển đảo diễn ra gay gắt, thái độ chính trị cường quyền nước lớn, bất chấp luật pháp quốc tế, khả năng gây phương hại đến hòa bình, an ninh và môi trường đang có xu hướng trỗi dậy.
Thách thức này cần bị đẩy lùi bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở lợi ích của tất cả các nước và cơ sở luật pháp quốc tế.
Hội thảo gồm 8 phiên thảo luận với hơn 10 tham luận, phát biểu của các học giả, nhà nghiên cứu chính trị chiến lược của Mỹ, Pháp, Ấn Độ, Singapore, Nhật Bản… tập trung phân tích, đánh giá về chiến lược quốc phòng của các nước lớn tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương, thực trạng, tác động, ảnh hưởng của những điểm nóng xung đột trên Biển Đông, khu vực Đông Á, xung đột Ấn Độ-Pakistan… đối với khu vực; quan điểm, lập trường của Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ đối với các điểm nóng trong khu vực, nhất là vấn đề Biển Đông sau phán quyết của Tòa Trọng tài (PCA) tại La Hay (Hà Lan); vai trò hợp tác nội khối ASEAN và giữa ASEAN với các nước lớn; chính sách tái cân bằng của Mỹ tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương sau khi ông Donal Trump đắc cử Tổng thống Mỹ và tác động đến tình hình Biển Đông; kêu gọi các bên liên quan tuân thủ và tôn trọng triệt để luật pháp quốc tế, tăng cường hợp tác để duy trì hòa bình, ổn định ở khu vực.
Nhấn mạnh vấn đề Biển Đông là thách thức quan trọng nhất đến hòa bình, an ninh khu vực châu Á-Thái Bình Dương, giáo sư-tiến sỹ Klaus Larres thuộc Viện nghiên cứu cấp cao (IAS) Princeton (Mỹ) còn cho rằng, phán quyết của Tòa PCA về vụ kiện của Philippines đối với Trung Quốc đã làm thay đổi cục diện trên Biển Đông, bày tỏ sự lo ngại khi Trung Quốc từ chối tuân thủ phán quyết của Tòa, tiếp tục gia tăng các hoạt động quân sự hóa ở Biển Đông.
Ông cho rằng hòa bình khu vực chỉ được thiết lập khi có sự chung tay tích cực của các nước.
Trong bài phát biểu của mình, Trung tướng Ashok Hukku, nguyên Chủ tịch Ủy ban cố vấn tình báo quân đội thuộc Chính phủ Ấn Độ khẳng định giá trị về mặt chiến lược và kinh tế của Biển Đông, vấn đề tự do hàng hải, hàng không và thương mại.
Trung tướng Ashok Hukku nêu rõ Ấn Độ đang tích cực triển khai chính sách “Hành động phía Đông,” tăng cường hợp tác với các nước liên quan nhằm thúc đẩy hòa bình, ổn định khu vực châu Á-Thái Bình Dương trên cơ sở các cam kết, luật pháp quốc tế.
Bài phát biểu của tiến sỹ Nguyễn Toàn Thắng, Phó Giám đốc Viện Luật so sánh, Đại học Luật Hà Nội được các học giả và những người tham gia Hội thảo đánh giá cao khi nêu rõ quan điểm của Việt Nam về vấn đề hòa bình, ổn định khu vực nói chung và vấn đề Biển Đông nói riêng.
Tiến sỹ Nguyễn Toàn Thắng cho rằng, các tranh chấp ở Biển Đông là một trong những vấn đề phức tạp nhất, khó nhất trong quan hệ quốc tế.
Việt Nam với tư cách là một nước có quyền lợi liên quan đã sử dụng kết hợp các biện pháp ngoại giao, pháp lý để bảo đảm lợi ích của mình ở Biển Đông.
Tiến sỹ Thắng khẳng định Việt Nam có quyền chủ quyền và quyền phán quyết đối với vùng đặc quyền kinh tế của mình và yêu cầu các nước khác tôn trọng vùng đặc quyền này theo Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS).
Lập trường của Việt Nam đối với những tranh chấp ở Biển Đông là các bên liên quan nên giải quyết bằng biện pháp hòa bình, theo luật pháp quốc tế; trong đó có UNCLOS, đồng thời các bên liên quan phải kiềm chế, không sử dụng vũ lực hay đe dọa sử dụng vũ lực, không có các hành động đơn phương và quân sự hóa để giải quyết những tranh chấp này.
Tiến sỹ Thắng nhấn mạnh các bên nên nghiêm chỉnh tuân thủ Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), tránh làm phức tạp thêm tình hình.
Trung Quốc và ASEAN cần sớm đạt được Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) và kêu gọi tất cả các nước có những đóng góp xây dựng theo luật pháp quốc tế để duy trì hòa bình, ổn định và luật pháp về biển và đại dương.
Kết thúc hai ngày Hội thảo, các học giả thống nhất rằng, một môi trường hòa bình, ổn định ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương nói chung, Biển Đông nói riêng đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy quan hệ chính trị, kinh tế, thương mại, hàng hải, hàng không và an ninh của các quốc gia trong khu vực và trên toàn thế giới.
Kết quả của Hội thảo sẽ được Trung tâm CPG tổng hợp thành Kỷ yếu Khoa học.
Các kiến nghị khách quan, khoa học của các học giả và đại biểu tham dự sẽ được gửi cho các viện, trung tâm nghiên cứu chính trị quốc tế./.