Bình Định: Tận thu titan để vội vã... bán thô

Nhiều doanh nghiệp đang tận dụng chủ trương của tỉnh Bình Định cho phép tận thu titan trước rồi làm dự án hạ tầng sau để kiếm lợi.
Ngoài lượng titan khai thác từ các xã trên địa bàn hai huyện Phù Mỹ và Phù Cát, một khối lượng titan khác doanh nghiệp hối hả tận thu từ các địa điểm khác trên địa bàn Bình Định.

Hệ quả là công suất khai thác titan của tỉnh Bình Định đến nay là 620.000 tấn/năm, vượt sản lượng khai thác theo quy hoạch nhiều lần.

Đi kèm với công suất khai thác titan khổng lồ này, trên địa bàn tỉnh Bình Định cũng có 6 nhà máy chế biến sâu titan với công suất 179.000 tấn/năm.

Chỉ tính trong năm 2009, đã có 4 nhà máy với sản lượng 45.000 tấn xỉ titan hoạt động trên địa bàn tỉnh. Thế nhưng điều nghịch lý hiện nay là phần lớn lượng titan vẫn được bán theo dạng thô cho các doanh nghiệp nước ngoài.

Điều này được ông Hồ Quốc Dũng, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Định giải thích rằng, lượng titan vượt quy hoạch là do tận thu tại Khu kinh tế Nhơn Hội.

Hiện nay, lượng titan tuy dồi dào nhưng các nhà máy chế biến sâu để xuất khẩu đang bí đầu ra vì vướng thuế xuất khẩu 18% theo Thông tư số 152/2009/TT-BTC.

Sản phẩm xỉ titan có hàm lượng hơn 85% là mặt hàng thuộc nhóm 2641 nên mức thuế xuất khẩu cao. Điều này đã làm cho hoạt động sản xuất kinh doanh của các nhà máy chế biến sâu titan trên địa bàn tỉnh gặp nhiều khó khăn.

Trong khi đó, để chế biến titan thô thì doanh nghiệp cần đầu tư rất lớn cho dây chuyền thiết bị, lượng điện năng tiêu thụ nhiều. Mỗi tấn xỉ titan xuất khẩu doanh nghiệp sẽ lỗ 882.000 đồng. Do đó, một số nhà máy đã hoạt động cầm chừng và tìm cách bán titan thô.

Về góc độ quản lý, ông Hồ Quốc Dũng cũng lo ngại một lượng titan lớn đã được bán sang tay cho các doanh nghiệp ở ngoài tỉnh dù được khai thác từ các mỏ trên địa bàn Bình Định. Ngân sách thu được rất hạn chế với mức thu tiền thuê đất là 20 triệu/ha, thuế tài nguyên là 50.000 đồng/tấn.

Riêng về câu chuyện các doanh nghiệp đầu tư vào Khu kinh tế Nhơn Hội được tỉnh cho phép tận thu titan để làm sạch đất rồi sau đó hoàn thổ để thực hiện dự án đã đăng ký, với hàng trăm ha đất có titan được giao, câu hỏi đặt ra là nếu doanh nghiệp sau khi tận thu xong sẽ “buông” dự án thì tỉnh có giải pháp gì?

Ông Hồ Quốc Dũng cho rằng doanh nghiệp đã đầu tư làm nhà xưởng và hạ tầng thì sẽ không bỏ dự án đã được giao. Sau khi tận thu titan, các doanh nghiệp này sẽ hoàn thổ đóng cửa mỏ và tiến hành đầu tư dự án.

Ngày 7/1/2010, có mặt tại Khu kinh tế Nhơn Hội, chúng tôi chứng kiến cảnh tận thu titan tại khu A rộng 630ha được giao cho Công ty cổ phần khu công nghiệp Sài Gòn-Nhơn Hội, nhiều điểm khai thác titan đang hoạt động rầm rộ.

Có thể nói, không ở đâu việc khai thác titan lại thuận lợi như ở đây. Chỉ cần bốc hết lớp cát của các dãy đồi là lớp cát đen - dấu hiệu của mỏ titan - đã hiện ra. Công nhân chỉ cần lắp vít khoan là titan sẽ trồi lên và được dồn thành đống to ven các con đường nhựa. Sau đó, xe tải loại lớn chỉ cần dừng lại để xúc titan và chở đi tiêu thụ hoặc đưa đến các nhà máy chế biến sâu.

Đứng trên đỉnh đồi cao, chúng tôi như choáng ngợp trong không khí hối hả của các mỏ titan đang tận thu. Điểm nhấn duy nhất thể hiện việc đầu tư dự án sản xuất trong không gian ầm ì tiếng vít khoan titan đang chạy hết công suất là 3 dãy nhà tiền chế.

Đến gần thì mới rõ đây là tài sản của Công ty cổ phần khu công nghiệp Sài Gòn-Nhơn Hội. Tuy nhiên đây là 3 dãy nhà hoang vì chỉ thấp thoáng bóng dáng 2 người bảo vệ sau bức tường rào loang lổ cát bụi.

Phía trước tấm bảng thể hiện tên công ty là một dãy vít khoan titan chưa được lắp đặt đang nằm chỏng chơ trong nắng chiều.

Trên đường quay ra, tấm bảng giới thiệu dự án hạ tầng khu A đứng trơ trọi ven đường trong khi phía đối diện hai chiếc máy xúc đang thi nhau múc cát để chuẩn bị mở miệng một mỏ titan mới theo kiểu tận thu khoáng sản trước làm dự án sau./.

Hoàng Quân (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục