Bình Dương: Đưa vào vận hành nhà máy đốt rác thành điện 5MW đầu tiên

Việc khánh thành nhà máy đốt rác phát điện 5MW và dây chuyền sản xuất phân hữu cơ 840 tấn/ngày góp phần xử lý toàn diện chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh Bình Dương.

Khánh thành nhà máy đốt rác thành điện 5MW đầu tiên tại Bình Dương. (Ảnh: Dương Chí Tưởng/TTXVN)
Khánh thành nhà máy đốt rác thành điện 5MW đầu tiên tại Bình Dương. (Ảnh: Dương Chí Tưởng/TTXVN)

Ngày 12/1, nhà máy đốt rác phát điện 5MW đầu tiên ở tỉnh Bình Dương do Công ty cổ phần-Tổng Công ty Nước- Môi trường Bình Dương (BIWASE) đầu tư đã chính thức phát điện, đánh dấu vào mục tiêu quan trọng về phát triển kinh tế xanh, mô hình kinh tế tuần hoàn tại thủ phủ công nghiệp Bình Dương.

Phát biểu tại lễ khánh thành, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Tường Văn cho rằng đây là dự án lớn có ý nghĩa rất quan trọng trong việc hoàn thiện cơ sở hạ tầng của tỉnh Bình Dương để đảm bảo vệ sinh môi trường, góp phần thực hiện mục tiêu của Chiến lược quốc gia về quản lý tổng hợp chất thải rắn và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Bình Dương lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025.

Đây cũng là cơ sở để tỉnh tiếp tục thu hút nhiều nhà đầu tư phát triển các khu đô thị, khu công nghiệp và trở thành trung tâm phát triển kinh tế khu vực phía Nam - Việt Nam với các tiêu chí phát triển nhanh, bền vững, gắn với bảo vệ môi trường-xã hội và cải thiện cảnh quan đô thị.

Ông Nguyễn Văn Thiền, Chủ tịch Hội đồng Quản trị BIWASE, cho biết ngoài dự án nhà máy đốt rác phát điện, hôm nay đơn vị cũng đưa thêm dây chuyền sản xuất phân bón hữu cơ công suất 840 tấn/ngày vào vận hành.

Đến nay công ty có 4 dây chuyền công nghệ tách lọc xử lý rác công suất 2.520 tấn/ngày, quy mô khu tích ủ lên men trên 100.00m3, diện tích sàn 30.800m2.

Công ty có diện tích nhà xưởng ủ chín 56.800m2; 2 nhà máy xử lý nước rỉ rác công suất 1.000m3/ngày cùng nhiều dây chuyền xử lý tái chế khác hoàn toàn đủ công suất tiếp nhận 100% rác sinh hoạt của tỉnh về khu liên hợp; 2 nhà máy đốt rác y tế công suất 16 tấn/ngày; 4 nhà máy đốt rác hỗn hợp công suất 500 tấn/ngày; trong đó có 1 nhà máy công suất 200 tấn/ngày có thu nhiệt phát điện công suất 5MW. Tổng vốn đầu tư 1.200 tỷ đồng; trong đó vốn vay Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) và Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) (không qua bảo lãnh chính phủ) là 20 triệu USD, tương đương 480 tỷ đồng.

Ông Won Myong, đại diện ADB cho biết ADB, đã hỗ trợ hành trình chuyển đổi của BIWASE từ sự phụ thuộc vào tài chính quốc gia sang tài chính của tư nhân độc lập, bằng cách cung cấp khoản tài trợ không thuộc chủ quyền đầu tiên cho BIWASE vào năm 2020, nhằm hỗ trợ mở rộng khả năng sản xuất nước để đáp ứng nhu cầu nước ngày càng tăng vọt ở tỉnh Bình Dương; đồng thời tham gia hỗ trợ tài chính cho đốt rác thành điện và dự án sản xuất phân bón hữu cơ từ rác thải.

Đây là cột mốc quan trọng tạo nên giá trị cốt lõi về nhiệm vụ bảo vệ môi trường, phục vụ nền kinh tế xanh; trong đó BIWASE là đơn vị điển hình ở Việt Nam.

Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Dương Mai Hùng Dũng cho biết xử lý chất thải rắn sinh hoạt luôn là vấn đề khó đối với nhiều tỉnh, thành phố có tốc độ đô thị hóa cao như tỉnh Bình Dương.

Việc khánh thành nhà máy đốt rác phát điện 5MW và dây chuyền sản xuất phân hữu cơ 840 tấn/ngày của BIWASE đã thể hiện sự thành công trong việc giải quyết, xử lý một cách triệt để và toàn diện chất thải rắn sinh hoạt phát sinh trên địa bàn tỉnh Bình Dương.

Cụ thể, sau khi đưa hệ thống dây chuyền sản xuất phân hữu cơ này vào hoạt động góp phần nâng tổng công suất phân loại và chế biến rác thành phân lên 2.520 tấn/ngày (đạt 110% so với tổng lượng rác sinh hoạt phát sinh trong năm 2023 của tỉnh), đồng thời đã chuyển hóa rác thành năng lượng, điều này góp phần bảo đảm hạ tầng kỹ thuật cho việc phân loại chất thải rắn tại nguồn; phù hợp với xu hướng “rác là tài nguyên” và kinh tế tuần hoàn hiện nay.

Ông Mai Hùng Dũng đánh giá cao sự nỗ lực, phương thức tiếp cận và cách làm của BIWASE đã từng bước vượt qua khó khăn, để đến nay hoàn toàn làm chủ công nghệ xử lý rác và trở thành một trong những đơn vị xử lý rác có thương hiệu trên thị trường Việt Nam.

Với định hướng phát triển Bình Dương trở thành vùng đô thị, công nghiệp, dịch vụ hiện đại mang tầm khu vực và quốc tế; Bình Dương tiếp tục là nơi thu hút các nguồn lao động từ các tỉnh thành đến làm việc và cư trú; điều này cũng dẫn đến lượng chất thải rắn sẽ tiếp tục tăng lên trong thời gian tới.

Để đảm bảo phát triển một Bình Dương xanh, tỉnh đề nghị công ty tiếp tục nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ mới, hiện đại để tiến tới 100% rác thải phát sinh trên địa bàn tỉnh sẽ được chuyển hóa thành các sản phẩm hữu ích và tiến tới zero phát thải, ông Mai Hùng Dũng nhấn mạnh./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục