Bình Dương: Tưởng niệm 55 năm ngày “Phú Lợi căm thù”

Hơn 600 chiến sỹ cách mạng từng bị địch bắt tù đày đã dự Lễ tưởng niệm 55 năm ngày “Phú Lợi căm thù” được tổ chức tại Khu di tích Nhà tù Phú Lợi.
Bình Dương: Tưởng niệm 55 năm ngày “Phú Lợi căm thù” ảnh 1Các cựu tù thăm lại nơi bị giam giữ trước đây. (Ảnh: Quách Lắm/TTXVN)

Ngày 1/12, Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch phối hợp với Ban Liên lạc chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày tỉnh Bình Dương, tổ chức lễ tưởng niệm 55 năm ngày “Phú Lợi căm thù” (1/12/1958-1/12/2010) tại Khu di tích Nhà tù Phú Lợi.

Lễ tưởng niệm có sự tham dự của lãnh đạo tỉnh, các sở, ban, ngành, huyện, thị, thành phố cùng hơn 600 chiến sỹ cách mạng bị địch bắt tù đày hiện ở trên địa bàn 7 huyện, thị trong tỉnh và các học sinh, sinh viên trên địa bàn thành phố Thủ Dầu Một.

Ông Lê Phan Thuần, Phó Giám đốc Sở Văn hóa-Văn hóa và Du lịch đã ôn lại truyền thống lịch sử 55 năm ngày “Phú Lợi căm thù” và truyền thống đấu tranh bất khuất, anh dũng của các chiến sỹ yêu nước năm xưa tại Nhà tù Phú Lợi, nơi được mệnh danh là “Địa ngục trần gian.”

Nhà tù Phú Lợi được xây dựng vào năm 1957 với 9 phòng giam lớn, mỗi phòng giam giữ từ 300 đến 700 người. Tại nơi đây, vào những ngày cuối tháng 11 và đầu tháng 12/1958, có 6.000 tù nhân, trong đó có 1.000 tù nhân nữ đã bị chính quyền Mỹ-Ngụy bỏ thuốc độc vào khẩu phần ăn khiến hàng ngàn tù nhân trúng độc, nhiều người đã tử vong.

Trước tình hình đó, tổ chức Đảng Cộng sản trong nhà tù vừa tổ chức tự cứu chữa cho tù nhân bị trúng độc, vừa đấu tranh tố cáo hành động này. Các tù nhân đã tung nóc nhà giam, chiếm đài phát thanh, dùng các tấm tôn cuộn thành loa lên tiếng tố cáo việc làm tàn án của chính quyền Mỹ- Ngụy, gây nên làn sóng căm phẫn với những người yêu chuộng hòa bình trong và ngoài nước… Trước làn sóng mạnh mẽ của dư luận trong nước và nước ngoài, cuối cùng Nhà tù Phú Lợi buộc phải giải tán vào năm 1964.

Thay mặt cho thế hệ trẻ, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên thành phố Thủ Dầu Một Nguyễn Thị Thảo Nguyễn bày tỏ lòng biết ơn vô hạn đến sự hy sinh của thế hệ cha ông đã ngã xuống; đồng thời kêu gọi tuổi trẻ Bình Dương cần rèn luyện, tu dưỡng phẩm chất, đạo đức, lối sống, phát huy những truyền thống tốt đẹp của dân tộc, đóng góp sức trẻ vào công cuộc xây dựng và phát triển đất nước, tỉnh nhà Bình Dương ngày càng giàu đẹp.

Ông Huỳnh Văn Nhị, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh và bà Lê Thị Việt Lan, Trưởng Ban Liên lạc chiến sỹ cách mạng bị địch bắt tù đày, đã trao Kỷ niệm chương của Thủ tướng cho 18 chiến sỹ cách mạng có tinh thần đấu tranh dũng cảm trong ngục tù của thực dân đế quốc./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục