Blue Origin đặt mục tiêu đưa tàu vũ trụ lên Sao Hỏa vào năm sau

Blue Origin đang đẩy cao mục tiêu, từ việc đưa người và hàng lên quỹ đạo thấp gần Trái Đất, nay chuyển sang đích đến mới là Sao Hỏa.
Blue Origin đặt mục tiêu đưa tàu vũ trụ lên Sao Hỏa vào năm sau ảnh 1Minh họa của NASA về cặp tàu vũ trụ ESCAPADE. (Nguồn: Space)

Cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) đã giao cho công ty Blue Origin nhiệm vụ khởi động sứ mệnh sao Hỏa mang tên Escape and Plasma Acceleration and Dynamics Explorers (ESCAPADE). Theo đó, Blue Origin sẽ phóng tên lửa đưa hai tàu vũ trụ của NASA tới Sao Hỏa. NASA đã công bố thông tin này hôm 9/2.

Cụ thể, cặp tàu vũ trụ của NASA có thể được phóng lên hành tinh Đỏ vào cuối năm 2024 bằng tên lửa New Glenn mà Blue Origin sắp ra mắt. Tuy nhiên điều này chỉ có thể diễn ra nếu tên lửa đẩy của Blue Origin ra mắt đúng hẹn, qua đó sẽ đưa công ty tiến xa ra khỏi giới hạn quỹ đạo gần Trái Đất hiện nay.

Sứ mệnh ESCAPADE sẽ nghiên cứu từ quyển - vùng từ tính của bầu khí quyển Sao Hỏa. Hai tàu vũ trụ trong nhiệm vụ này được thiết kế bởi công ty Rocket Lab.

Hai tàu sẽ bay quanh Sao Hỏa và xem xét cách thức các cơn gió mặt trời mang hạt tích điện đã xé toạc bầu khí quyển của hành tinh Đỏ sau một thời gian dài ra sao.

Kết quả sau sứ mệnh này có thể cho phép các nhà khoa học tìm hiểu thêm về việc làm thế nào để Sao Hỏa trở nên khô hạn như vậy, bởi hàng tỷ năm trước, nước lỏng dường như đã có rất nhiều trên bề mặt hành tinh này.

Blue Origin là thành viên của một nhóm nhỏ các công ty đang được xem xét để thực hiện sứ mệnh kể trên. NASA đã chọn họ trong số 13 công ty lọt vào một danh sách mang tên VADR.

Chi tiết tài chính của hợp đồng mà NASA sẽ trao cho các công ty đã không được công bố. Tuy nhiên theo trang SpaceNews, các công ty sẽ nhận được khoảng 20 triệu USD.

Theo NASA, VADR mang tới các cơ hội mới về khoa học và công nghệ, cũng như giúp thúc đẩy thị trường phóng tên lửa đang phát triển của Mỹ.

Năm 2022, NASA đã trao cho công ty Phantom Space Corp hợp đồng thực hiện bốn nhiệm vụ phóng vệ tinh cỡ nhỏ. Công ty này là một thành viên nằm trong VADR. Theo kế hoạch, các vụ phóng sẽ được thực hiện vào năm 2024, trên tên lửa Daytona của Phantom.

Trong khi đó, Blue Origin ban đầu có kế hoạch phóng người và hàng lên vũ trụ bằng một tên lửa đẩy có tên New Shepard. Tuy nhiên tên lửa đẩy này đã gặp sự cố bất thường trong vụ phóng diễn ra vào ngày 12/9/2022. Lần đó, tên lửa New Shepard rơi trở lại mặt đất gần như ngay sau khi rời bệ phóng tại căn cứ của công ty ở miền Tây bang Texas (Mỹ).

Vụ việc xảy ra khi tên lửa đang bay với tốc độ 1.126 km/giờ ở độ cao khoảng 8.500m - đây cũng là thời điểm tên lửa chịu áp lực lớn nhất trước khi vượt khỏi khí quyển.

Blue Origin đăng trên Twitter một đoạn video cho thấy một khoang chở người và hàng gắn trên New Shepard đã khởi động các bộ đẩy khẩn cấp để tách ra an toàn khỏi quả tên lửa đẩy gặp sự cố. Vụ việc đã khiến tất cả các lần phóng sau đó của New Shepard bị tạm dừng.

Công ty không cung cấp thông tin chi tiết nào về cuộc điều tra liên quan tới sự cố, đã kéo dài 5 tháng.

Tính đến thời điểm trước khi sự cố xảy ra, các tên lửa của Blue Origin đã đưa 31 người du lịch vũ trụ, trong đó bao gồm cả tỷ phú Jeff Bezos và diễn viên William Shatner.

Khi sẵn sàng, tên lửa New Glenn của Blue Origin sẽ có hai phiên bản, gồm 2 tầng và 3 tầng. Các tên lửa này sẽ có khả năng vươn tới quỹ đạo quanh Trái Đất và sâu hơn thế. Dự kiến tên lửa sẽ có chiều cao lên tới 95 mét, gấp năm lần so với mức 18 m của tên lửa đẩy New Shepard./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục