Ngày 12/9, tên lửa của công ty khám phá không gian Blue Origin do tỷ phú Jeff Bezos sáng lập gặp sự cố động cơ và rơi trở lại mặt đất gần như ngay sau khi rời bệ phóng tại căn cứ của công ty ở miền Tây bang Texas (Mỹ).
Vụ việc xảy ra khi tên lửa đang bay với tốc độ 1.126 km/giờ ở độ cao khoảng 8.500m - đây cũng là thời điểm tên lửa chịu áp lực lớn nhất trước khi vượt khỏi khí quyển.
Blue Origin đăng trên Twitter một đoạn video cho thấy khoang tàu đã khởi động các bộ đẩy khẩn cấp để tách ra khỏi tên lửa, nhấn chìm toàn bộ tên lửa trong ngọn lửa màu vàng sáng.
[Blue Origin thực hiện thành công chuyến bay thứ 4 vào vũ trụ]
Thông báo của công ty này nêu rõ: "Vụ phóng tên lửa đẩy trong chuyến bay không chở người này đã thất bại. Tuy nhiên, hệ thống thoát hiểm đã hoạt động đúng như được lập trình."
Những hình ảnh từ video nói trên cho thấy các khoang có chức năng chở người trên tên lửa đã phóng ra ngoài khi tên lửa rơi, chứng tỏ rằng chúng hoạt động rất tốt khi bất ngờ gặp sự cố.
Cơ quan Hàng không Liên bang Mỹ (FAA) xác nhận: "Khoang tàu hạ cánh an toàn và tên lửa đẩy rơi trong khu vực được định trước. Vụ việc không gây ra thương tích hay thiệt hại tài sản đối với cộng đồng.”
Hiện FAA đang điều tra làm rõ nguyên nhân gây ra sự cố. Tên lửa New Shepard bị cấm bay trong khi chờ kết luận từ cuộc điều tra theo quy trình tiêu chuẩn của FAA.
Tính đến thời điểm hiện tại, các tên lửa của Blue Origin đã đưa 31 người du lịch vũ trụ, trong đó bao gồm cả tỷ phú Jeff Bezos và diễn viên William Shatner.
Chuyến bay gần nhất của công ty này là vào tháng trước, giá vé vẫn chưa được tiết lộ.
Các tên lửa của Blue Origin thường hạ cánh thẳng đứng xuống sa mạc và chúng được tái sử dụng cho những chuyến bay tiếp theo.
Đây là sứ mệnh thứ 23, nhưng là sứ mệnh đầu tiên kết thúc trong thất bại của tên lửa New Shepard - vốn được đặt tên theo phi hành gia người Mỹ đầu tiên bay và không gian, ông Alan Shepard.
Giới quan sát cho rằng vụ việc này đã đánh dấu một bước thụt lùi không chỉ đối với công ty Blue Origin mà cả ngành du lịch vũ trụ non trẻ./.