Bộ GD-ĐT: Lọc ảo chung không ảnh hưởng đến quyền tự chủ đại học

Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học Nguyễn Thu Thủy khẳng định việc lọc ảo chung cho tất cả các phương thức xét tuyển không ảnh hưởng đến quyền tự chủ của các trường cũng như quyền lợi của thí sinh.
Bộ GD-ĐT: Lọc ảo chung không ảnh hưởng đến quyền tự chủ đại học ảnh 1Bà Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo. (Ảnh: Bộ GD-ĐT)

Trước những ý kiến lo ngại về việc lọc ảo chung sẽ làm ảnh hưởng đến quyền tự chủ tuyển sinh của các trường đại học, gây khó khăn và hạn chế quyền lựa chọn của thí sinh, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học Nguyễn Thu Thủy đã lên tiếng phủ định.

Không ảnh hưởng quyền tự chủ

Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học Nguyễn Thu Thủy cho rằng việc các trường xét tuyển lọc ảo chung cho tất cả các phương thức xét tuyển không làm ảnh hưởng đến quyền tự chủ của các cơ sở đào tạo. Các trường vẫn có thể xét tuyển sớm và thông báo danh sách đủ điều kiện trúng tuyển (trừ điều kiện tốt nghiệp trung học phổ thông) cho thí sinh. Các trường tự chủ và chịu trách nhiệm trong việc xét tuyển, quyết định điểm trúng tuyển và đưa lên hệ thống để lọc ảo.

Hệ thống của bộ không xét tuyển mà chỉ hỗ trợ sắp xếp nguyện vọng của các thí sinh dựa trên các ưu tiên của các em để lựa chọn ra nguyện vọng cao nhất mà các em có thể trúng tuyển. Theo đó, thí sinh sẽ trúng tuyển một nguyện vọng tốt nhất trong khả năng của mình đồng thời hạn chế tối đa số lượng thí sinh ảo.

“Các cơ sở giáo dục đại học vẫn đảm bảo quyền tự chủ trong tuyển sinh theo quy định, áp dụng các phương thức xét tuyển đa dạng với các đối tượng thí sinh đa dạng, đồng thời dự báo được chính xác số lượng trúng tuyển do số lượng thí sinh ảo giảm tối đa,” bà Thủy cho hay.

[Tuyển sinh đại học 2022: Bộ thay đổi cách lọc ảo như thế nào?]

Cũng theo bà Thủy, chủ trương xây dựng và áp dụng một phần mềm đăng ký nguyện vọng xét tuyển để có thể lọc ảo chung của bộ đã nhận được sự đồng thuận của đại đa số trường đại học thông qua các hội nghị tuyển sinh, các cuộc họp giao ban.

Thừa nhận hệ thống xử lý nguyện vọng và lọc ảo chung không thể loại bỏ hoàn toàn tình trạng thí sinh ảo do việc thí sinh đi du học hay chọn học các trường nghề không nằm trong hệ thống, nhưng theo bà Thủy, đây chỉ là tỷ lệ nhỏ.

Lãnh đạo Vụ Giáo dục Đại học cho rằng với quy định về hệ thống xử lý nguyện vọng và lọc ảo chung như trong dự thảo quy chế năm nay, lịch xét tuyển chung đợt 1 cơ bản không thay đổi so với các năm trước. Thời gian các trường có thể công bố danh sách thí sinh trúng tuyển và yêu cầu thí sinh xác nhận nhập học có thể chậm hơn 2-3 tuần so với các năm trước, nhưng mang lại lợi ích lớn hơn cho thí sinh và cho toàn hệ thống.

Bộ GD-ĐT: Lọc ảo chung không ảnh hưởng đến quyền tự chủ đại học ảnh 2(Ảnh minh họa: Minh Sơn/Vietnam+)

“Giải pháp xây dựng một hệ thống xử lý nguyện vọng và xác nhận nhập học trực tuyến chung, lọc ảo chung là giải pháp kỹ thuật hiệu quả nhất hướng tới sự đảm bảo công bằng với thí sinh, bình đẳng giữa các cơ sở đào tạo và minh bạch với xã hội. Về mặt kỹ thuật hầu như không phức tạp hơn các năm trước,” bà Thủy nói.

Đảm bảo công bằng cho thí sinh

Bà Thủy cho hay do thí sinh xét tuyển và trúng tuyển cùng lúc vào nhiều trường nên tỷ lệ thí sinh ảo rất cao. Hệ quả là thí sinh “giữ chỗ” làm mất cơ hội của nhiều thí sinh khác. Các trường không xác định được tỷ lệ thí sinh nhập học dẫn đến tuyển sinh vượt chỉ tiêu, chất lượng tuyển sinh không hoàn toàn đảm bảo do không xét tuyển cùng một thời điểm (trường không có điều kiện để lựa chọn các thí sinh có chất lượng tốt hơn). Đặc biệt, một số cơ sở đào tạo xét thí sinh trúng tuyển nhưng không đưa lên hệ thống để loại các thí sinh này ra khỏi danh sách dự tuyển, làm ảnh hưởng đến kết quả lọc ảo chung của toàn hệ thống.

[Tuyển sinh ĐH: Lọc ảo chung gây phiền phức, vi phạm quyền tự chủ?]

Một số cơ sở đào tạo xét tuyển bằng các phương thức khác (không sử dụng kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông để xét tuyển) yêu cầu thí sinh xác nhận nhập học ngay, làm thí sinh mất cơ hội nhập học ở các trường có mức ưu tiên cao hơn hoặc phải nộp tiền để giữ chỗ gây bức xúc cho thí sinh và xã hội.

Vụ trưởng Nguyễn Thu Thủy khẳng định việc lọc ảo chung với nguyên tắc thí sinh “chỉ đỗ một nguyện vọng duy nhất” vừa đảm bảo quyền lợi của thí sinh (theo nguyện vọng ưu tiên nhất), bởi nếu thí sinh đỗ nhiều nguyện vọng mà chỉ nhập học 1 nguyện vọng sẽ lấy mất cơ hội của một số thí sinh khác.

Theo lãnh đạo Vụ Giáo dục Đại học, về mặt kỹ thuật, lọc ảo chung hầu như không phức tạp hơn các năm trước. Tuy nhiên, bất cứ sự thay đổi nào cũng có thể dẫn đến rủi ro, sai sót, đặc biệt là khi có hàng triệu thí sinh, thầy cô giáo các trường phổ thông, các sở giáo dục và đào tạo và các cơ sở đào tạo tham gia hệ thống.

Trong thời gian qua, bộ đã và đang khẩn trương thực hiện nâng cấp phần mềm để đảm bảo thuận lợi cho thí sinh trong việc đăng ký nguyện vọng xét tuyển (phần mềm với cơ sở dữ liệu về tuyển sinh có cơ chế kiểm soát để hỗ trợ và hạn chế các sai sót của thí sinh trong quá trình đăng ký), hỗ trợ các cơ sở đào tạo và đáp ứng các quy định về tuyển sinh.

Bà Thủy cũng nhấn mạnh thời gian tới, bộ sẽ rà soát để phát hiện và khắc phục các bất cập trong công tác tuyển sinh, những điều chỉnh nếu có sẽ chủ yếu tập trung vào giải pháp kỹ thuật. Hệ thống hỗ trợ đăng ký dự thi tốt nghiệp trung học phổ thông và tuyển sinh sẽ được tiếp tục phát triển, kết nối với cơ sở dữ liệu ngành và cơ sở dữ liệu dân cư, từng bước sẽ trở thành một nền tảng cung cấp các dịch vụ và tiện ích tốt nhất cho thí sinh và cho các cơ sở đào tạo.

“Bộ sẽ tiếp tục hoàn thiện cơ sở dữ liệu quốc gia về giáo dục đại học, kết nối với cơ sở dữ liệu các bậc học, quản lý thông tin người học thông suốt từ quá trình tuyển sinh, đào tạo tới cấp bằng tốt nghiệp,” bà Thủy nói./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục