Bộ Lao động Mỹ công bố số liệu đáng chú ý về số lượng việc làm

Biên chế trong lĩnh vực phi nông nghiệp đã tăng thêm 209.000 việc làm trong tháng 6/2023, mức tăng thấp nhất kể từ cuối năm 2020 và thấp hơn mức dự báo được các nhà kinh tế tham gia khảo sát đưa ra.
Bộ Lao động Mỹ công bố số liệu đáng chú ý về số lượng việc làm ảnh 1Người nhập cư tìm việc làm tại một hội chợ việc làm ở Brooklyn, New York (Mỹ). (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo số liệu được Bộ Lao động Mỹ công bố ngày 7/7, tăng trưởng việc làm của nước này đã chậm lại trong tháng 6/2023, sau khi tăng mạnh trong tháng trước đó.

Tuy nhiên, thị trường lao động vẫn thắt chặt với tỷ lệ thất nghiệp giảm và tiền lương tiếp tục tăng trưởng ổn định.

Biên chế trong lĩnh vực phi nông nghiệp đã tăng thêm 209.000 việc làm trong tháng 6/2023, mức tăng thấp nhất kể từ cuối năm 2020 và thấp hơn mức dự báo được các nhà kinh tế tham gia khảo sát của Reuters đưa ra trước đó là 225.000 việc làm.

Số liệu của tháng 5 cũng được điều chỉnh giảm xuống, với biên chế trong lĩnh vực phi nông nghiệp tăng 306.000 việc làm, thay vì 339.000 việc làm như báo cáo trước đó.

Trong khi đó, tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống 3,6% từ mức 3,7% trong tháng Năm.

Hoạt động tuyển dụng tập trung vào một số lĩnh vực, dẫn đầu là lĩnh vực y tế, các cơ quan chính phủ và xây dựng. Trong khi đó, biên chế giảm trong các lĩnh vực thương mại bán lẻ, vận tải và kho bãi.

Thu nhập trung bình mỗi giờ của người lao động tiếp tục tăng 0,4% trong tháng Sáu, sau khi tăng với mức tương tự trong tháng Năm.

[Mỹ: Số liệu kinh tế khả quan có thể thúc đẩy Fed sớm nâng lãi suất]

So với cùng kỳ năm ngoái, tiền lương của người lao động Mỹ đã tăng 4,4% trong tháng 6/2023, tương đương với mức tăng của tháng trước đó.

Tuy nhiên, tăng trưởng tiền lương hàng năm vẫn cao hơn nhiều mức phù hợp để đạt được mục tiêu lạm phát 2% của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).

Trong khi các ngành trả lương cao như công nghệ và tài chính đang giảm biên chế, thì các ngành như giải trí, khách sạn và giáo dục đang gia tăng tuyển dụng sau khi mất nhân viên và nhiều người lao động nghỉ hưu trong thời kỳ đại dịch COVID-19 bùng phát.

Các công ty cũng đang tìm cách giữ chân nhân viên sau khi trải qua tình trạng thiếu lao động trầm trọng khi nền kinh tế phục hồi sau đại dịch COVID-19 vào năm 2021 và đầu năm 2022.

Các nhà kinh tế dự báo mặc dù các doanh nghiệp hiện đang hài lòng với việc tiếp tục tích trữ người lao động, nhưng điều này có thể thay đổi khi chi tiêu tiêu dùng chậm lại khiến lợi nhuận bắt đầu giảm và các đợt sa thải lớn có thể xảy ra./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục