Bộ LĐ-TB và XH thông tin gói hỗ trợ 26.000 tỷ dành cho người lao động

Nghị quyết số 68 của Chính phủ về hỗ trợ người lao động gặp khó khăn do dịch COVID-19 tập trung vào 2 đối tượng là người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.
Bộ LĐ-TB và XH thông tin gói hỗ trợ 26.000 tỷ dành cho người lao động ảnh 1Ảnh chỉ có tính chất minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Tại phiên Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 6/2021 diễn ra chiều tối 1/7, ông Đào Ngọc Dung, Bộ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đã thông báo về Nghị quyết số 68 của Chính phủ về hỗ trợ người lao động gặp khó khăn do dịch COVID-19 với mức hỗ trợ khoảng 26.000 tỷ đồng.

Thông tin thêm về Nghị quyết trên, ông Dung cho biết thời gian qua dịch COVID-19 đang diễn biến rất phức tạp, nhất là tại các khu công nghiệp. Trước tình hình đó, ngành Lao động Thương binh và Xã hội đã chủ trì phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan Trung ương báo cáo Chính phủ.

Trên cơ sở đó, Chính phủ đã báo cáo Bộ Chính trị để ban hành một số chính sách liên quan đến việc hỡ trợ cho người lao động.

"Chiều nay 1/7, Chính phủ đã chính thức ban hành Nghị quyết đặc biệt này," ông Dung cho hay.

Cụ thể, ông Dung cho biết Nghị quyết 68 tập trung vào 2 đối tượng: Người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, theo 4 nguyên tắc cơ bản là hỗ trợ kịp thời; đúng đối tượng; công khai minh bạch và thiết kế chính sách minh bạch nhất.

Cũng theo ông Dung, so với Nghị quyết 42, các đối tượng thụ hưởng giảm tới 2/3. Yêu cầu đề ra là chính sách đảm bảo tính khả thi, sao cho mỗi đối tượng chỉ thụ hưởng một chính sách, trừ trường hợp đặc biệt là phụ nữ mang thai, người đang nuôi dưỡng trẻ em và trẻ em bị mắc COVID-19 hoặc phải cách ly.

Nghị quyết cũng nêu rõ tỷ lệ đảm bảo nguồn chi để thực hiện chính sách. Ví dụ với các tỉnh khó khăn, ngân sách Trung ương đảm bảo 80%.

Nghị quyết đặc biệt này bao gồm 12 nhóm chính sách.

Nhóm thứ nhất là giảm mức đóng bảo hiểm xã hội về tai nạn nghề nghiệp. Hiện quy định là người sử dụng lao động đóng 0.5% thu nhập cho quỹ này. Theo Nghị quyết 68, nhà nước quyết định giảm mức phí này trong 12 tháng, nghĩa là không phải đóng tiền nhưng nếu có rủi ro xảy ra, người lao động vẫn được đảm bảo quyền lợi. 11 triệu người sẽ được thụ hưởng chính sách này. Toàn bộ số tiền được giảm đóng này, người sử dụng lao động phải dùng để chi trả cho người lao động.

Nhóm thứ hai là tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí, tử tuất. Chính sách này tiếp tục thực hiện theo Nghị quyết 42 nhưng mức tiêu chí giảm nhiều so với Nghị quyết 42. Thời gian áp dụng là 12 tháng.

Chính sách thứ ba là hỗ trợ đào tạo với người lao động, sử dụng kinh phí từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp. Việc này, theo Bộ trưởng, giúp người lao động và sử dụng lao động được sử dụng kinh phí này để đào tạo, bồi dưỡng, chuyển đối công việc. Mức hỗ trợ với mỗi người là 1,5 triệu/tháng, không quá 6 tháng. Thời gian áp dụng từ 1/7/2021 tới hết năm nay.

Chính sách thứ tư là hỗ trợ người lao động tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương từ 1/5 tới 31/12 năm nay. Có 2 nhóm đối tượng được hưởng chính sách này, một nhóm được hỗ trợ 1,8 triệu đồng và một nhóm được hỗ trợ 3,58 triệu đồng.

Chính sách thứ 5 là hỗ trợ người lao động ngừng việc. Theo đó, người lao động làm việc theo chế độ hợp đồng lao động bị ngừng việc và thuộc đối tượng phải cách ly y tế hoặc trong các khu vực bị phong tỏa theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền từ 14 ngày trở lên trong thời gian từ 1/5/2021 đến hết 31/12/2021, đang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc tính đến thời điểm ngay trước khi ngừng việc, được hỗ trợ một lần 1.000.000 đồng/người.Chính sách thứ 6 là hỗ trợ trẻ em và phụ nữ mang thai. Phụ nữ mang thai ngoài các chính sách chung được hỗ trợ 1,7 triệu đồng/tháng. Mỗi trẻ em được hưởng thêm 1 triệu đồng/tháng. Trường hợp này, nhà nước chỉ thực hiện hỗ trợ cho một người nuôi dưỡng, hoặc mẹ hoặc bố.

Chính sách thứ 7 là hỗ trợ tiền ăn 80.000 đồng/người/ngày với công nhân đang phải điều trị Covid-19 hoặc phải cách ly để phòng chống dịch. Những đối tượng này được hưởng hỗ trợ theo số ngày thực tế phải thực hiện các biện pháp cách ly.

Chính sách thứ 8 là hỗ trợ người lao động trong các đơn vị hoạt động nghệ thuật phải nghỉ để phòng chống dịch. Mức hỗ trợ là 3,7 triệu đồng/người. Đây là những người hoạt động với các chức danh hưởng lương ở mức khởi điểm. Có khoảng 2.000 người được hưởng chính sách này trên quy mô cả nước.

Chính sách thứ 9 là hỗ trợ hướng dẫn viên du lịch (được cấp thẻ hành nghề, bị ảnh hưởng sâu, mất việc từ 15 ngày trở lên).

Chính sách thứ 10 là hộ kinh doanh bị ảnh hưởng vì COVID-19, mức hỗ trợ ấn định là 3 triệu đồng/lần.

Chính sách thứ 11 là cho vay để trả lương. Chính sách cho vay trả lương để phục hồi sản xuất, theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, là một chính sách mới, được vay với mức lãi suất 0%, không phải thế chấp tài sản, mức vay bằng một tháng lương cần trả cho người lao động, áp dụng tối đa 3 tháng. Áp dụng với những lĩnh vực bị ảnh hưởng sâu như kinh doanh dịch vụ.

Chính sách thứ 12 là hỗ trợ người lao động tự do. Căn cứ vào điều kiện cụ thể của các địa phương để xây dựng chính sách cụ thể nhưng không ít hơn 1,5 triệu đồng/người/tháng hoặc mức 50.000 đồng/người/ngày.

"Chúng tôi sẽ cố gắng ở mức cao nhất, cùng các bộ, ngành để triển khai, đưa chính sách vào cuộc sống" - Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục