"Để bù đắp lại con số tăng trưởng âm của ngành trong 6 tháng đầu năm, những tháng cuối năm, ngành nông nghiệp có hai nhiệm vụ song song, một là tiếp tục tái cơ cấu, hai là trước mắt phải tập trung vào mặt hàng có dư địa để lấy lại đà phát triển sản xuất của toàn ngành."
Bộ Trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường đã nêu rõ định hướng này tại cuộc tọa đàm trực tuyến với chủ đề "Thu hút đầu tư nông nghiệp bằng Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn” do Cổng Thông tin Điện tử Chính phủ tổ chức chiều nay (16/9), tại Hà Nội.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết, nửa đầu năm 2016, lần đầu tiên trong nhiều năm ngành nông nghiệp có GDP tăng trưởng âm 0,18%, điều này ảnh hưởng lớn đến đời sống của nhiều hộ nông dân, nhất là vùng khó khăn.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, nông nghiệp vốn chiếm vai trò hết sức quan trọng trong phát triển kinh tế, cho đến nay 70% số dân vẫn sống ở khu vực nông nghiệp và hiện có 46% lao động trong khu vực này.
Do đó, trong những tháng cuối năm, ngành nông nghiệp tập trung thực hiện song song hai nhiệm vụ. Một là tiếp tục thực hiện tái cơ cấu đấy là nhiệm vụ chiến lược để đảm bảo giải pháp phát triển dài hạn. Hai là, trước mắt toàn ngành phải tập trung vào mặt hàng có dư địa, có thị trường tốt.
Người đứng đầu ngành nông nghiệp khẳng định nhóm hàng đang có nhiều lợi thế là ngành chăn nuôi, bao gồm chăn nuôi cả ba nhóm gia cầm, đại gia súc và lợn đều đang rất thuận lợi.
Cụ thể, tổng dư lượng thức ăn sản xuất dự kiến đến nay khoảng 16 triệu tấn, giá nguyên liệu đầu vào hạ hơn so với năm trước. Lượng giống cho cả ba đối tượng này được chuẩn bị tốt. Đặc biệt, năm nay, về tình hình dịch bệnh không có dịch bệnh lớn trên cả ba đối tượng trên.
Bên cạnh đó, hiện nay tín hiệu thị trường nội địa đối với lĩnh vực chăn nuôi có nhiều tích cực. Hiện, giá lợn, bò, gà đang tốt, đặc biệt là có thể xuất khẩu dù chủ yếu là xuất khẩu tiểu ngạch. Mặt khác từ nay đến cuối năm, nhu cầu tiêu dùng thực phẩm dự kiến sẽ tăng mạnh cả nội địa và xuất khẩu. Theo số liệu tổng hợp dự báo, tốc độ tăng trưởng ngành chăn nuôi cuối năm sẽ đạt được 4-5%.
"Đó là những điều kiện hết sức thuận lợi để tập trung đẩy mạnh phát triển lĩnh vực này để bù đắp những thâm hụt chung của ngành," Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh.
Trong lĩnh vực thủy sản, ngành sẽ chú trọng con tôm. Với tốc độ tăng đàn và tốc độ thị trường như hiện hay, từ nay tới cuối năm, sản xuất tôm có thể cán đích 660.000ha để có sản lượng tôm 680.000 tấn.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cũng cho biết, tốc độ xuất khẩu rau quả từ tháng Sáu đến nay có tín hiệu rất tốt. Bình quân chung, tăng trưởng xuất khẩu rau quả từ đầu năm đến nay khoảng 37%/tháng. Trong năm nay, giá trị xuất khẩu rau quả có khả năng lần đầu tiên sẽ vượt gạo và đạt khoảng 2,5-2,6 tỷ USD/năm.
Ngoài ra, các sản phẩm cây công nghiệp (trừ cao su, sắn sụt giảm) sản phẩm hạt điều, cà phê, tiêu đều tăng. Đây cũng là những mặt hàng có lợi thế về giá trị xuất khẩu.
“Như vậy, với những nhóm mặt hàng còn dư địa lớn này, toàn ngành và các địa phương đang tập trung quyết liệt, thì tôi tin rằng tăng trưởng từ nay đến cuối năm không chỉ bù đắp cho phần thâm hụt những tháng đầu năm mà còn tạo ra sự tăng trưởng phù hợp trong những tháng cuối năm, làm tiền đề cho sản xuất,” Bộ Trưởng Nguyễn Xuân Cường khẳng định./.