Bộ Quốc phòng Nhật Bản: Triều Tiên có thể đã phóng tên lửa đạn đạo

Vụ Triều Tiên phóng một vật thể, theo phía Nhật Bản là tên lửa đạn đạo, diễn ra trong bối cảnh có tin đồn rằng Bình Nhưỡng có thể tiến hành thử nghiệm hệ thống tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM).
Bộ Quốc phòng Nhật Bản: Triều Tiên có thể đã phóng tên lửa đạn đạo ảnh 1Người dân theo dõi truyền hình đưa tin về một vụ phóng tên lửa của Triều tiên tại Seoul, Hàn Quốc, ngày 5/3/2022. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Đài NHK của Nhật Bản ngày 16/3 dẫn một nguồn tin Bộ Quốc phòng nước này cho biết Triều Tiên sáng cùng ngày đã phóng một vật thể có thể là một tên lửa đạn đạo. Tuy nhiên, vụ phóng dường như đã thất bại.

Bộ Quốc phòng Nhật Bản và Hàn Quốc đều cho biết chưa thể khẳng định cụ thể gì loại vật thể trên.

Trong khi đó, Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân (JCS) của Mỹ cho biết vụ phóng diễn ra tại khu vực Sunan tại thủ đô Bình Nhưỡng, vào lúc 9h30. Hiện chưa có thêm thông tin chi tiết.

Thông cáo báo chí của JCS cho biết: "Các cơ quan tình báo Mỹ và Hàn Quốc đang tiếp tục phân tích."

Vụ việc diễn ra trong bối cảnh gần đây có tin đồn rằng Bình Nhưỡng có thể tiến hành thử nghiệm hệ thống tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) trong khuôn khổ một dự án mà Triều Tiên tuyên bố là phát triển vệ tinh.

Từ đầu năm đến nay, Triều Tiên đã tiến hành hàng loạt vụ phóng với tần suất nhiều chưa từng thấy, gần đây nhất là vụ thứ 9 vào ngày 5/3 vừa qua.

Giới chức Mỹ và Hàn Quốc tuần trước cho rằng trong hai vụ phóng gần đây, Triều Tiên đã sử dụng cái có thể là hệ thống ICBM lớn nhất của mình và dường như đang khôi phục các đường hầm tại một cơ sở thử hạt nhân.

[Triều Tiên phóng một vật thể chưa xác định nhưng dường như thất bại]

Trong một diễn biến mới nhất, Hàn Quốc và Mỹ đang cân nhắc nối lại các cuộc tập trận chung, có sự tham gia của máy bay ném bom có khả năng mang đầu đạn hạt nhân, trên Bán đảo Triều Tiên nếu Bình Nhưỡng phóng ICBM. Hai đồng minh đã thảo luận ý tưởng tái khởi động cuộc tập trận "Blue Lightning" sau 5 năm tạm ngừng.

Một nguồn tin giấu tên cho biết: "Hàn Quốc và Mỹ đã nhất trí cần có một biện pháp phù hợp. Chúng tôi sẽ nối lại tập trận Blue Lightning."

Lần gần đây nhất Mỹ lên kế hoạch một cuộc tập trận như vậy với Hàn Quốc là vào tháng 5/2018 song đã tiến hành đơn phương gần Bán đảo Triều Tiên do Seoul bày tỏ lo ngại sự kiện này có thể làm gia tăng căng thẳng trước thềm cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều đầu tiên tại Singapore một tháng sau đó.

Từ năm 2017, quân đội Mỹ đã không đưa máy bay chiến lược đến Bán đảo Triều Tiên, vì Tổng thống Hàn Quốc khi đó, ông Moon Jae-in, đang nỗ lực cải thiện quan hệ liên Triều bằng một sáng kiến chính sách chủ hòa.

Tuy nhiên, trong bối cảnh có nhiều dấu hiệu cho thấy Triều Tiên đang chuẩn bị cho một vụ phóng mới, quân đội Mỹ đã đẩy nhanh các biện pháp răn đe trong tuần này và tăng cường diễn tập đánh chặn tên lửa tại Hàn Quốc.

Máy bay ném bom B-52H hoặc B-1B, hiện đang đồn trú tại căn cứ không quân Andersen của Mỹ tại đảo Guam, đã được triển khai đến Bán đảo Triều Tiên để tiến hành các chiến dịch an ninh.

Các máy bay chiến đấu từ Hàn Quốc hoặc Nhật Bản cũng được huy động để hộ tống các máy bay chiến lược tầm xa này.

Mỹ cũng dự kiến củng cố một cuộc diễn tập ba bên với Hàn Quốc và Nhật Bản, tập trung vào tăng cường các năng lực phát hiện, truy vết và đánh chặn các tên lửa đạn đạo thù địch.

Trong một diễn biến khác, Seoul đang cân nhắc đơn phương diễn tập bắn đạn thật liên quan đến hệ thống tên lửa đạn đạo seri Hyunmoo và nhiều vũ khí khác./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục