Người Nhật đã từng khiến cả thế giới phải phát cuồng với những chiếc máy nghe nhạc Walkman, máy tính bỏ túi hay bồn cầu vệ sinh thông minh. Song con đường dẫn đến sự sáng tạo vĩ đại của Nhật Bản cũng có không ít những thất bại, chẳng hạn như như chiếc “đài TV,” và máy nướng bánh mỳ “biết trượt.” Thời kỳ sáng chế không ngừng Những đồ vật bị lãng quên này cùng với một số thiết bị cổ điển khác là một phần của kho tang, mà qua đó chúng ta sẽ có được cái nhìn về một thì tương lai không bao giờ xảy ra, trong hành trình đưa Nhật Bản trở thành một quốc gia phát minh trong những năm 1950 - 1960. “Trở lại trước thời Cool Japan (Nhật Bản đẹp đẽ) là một Uncool Japan (Nhật Bản không đẹp),” Kenichi Masuda, 49 tuổi, nhắc đến khẩu hiệu quảng cáo mà Tokyo đang sử dụng để quảng bá cho du lịch Nhật Bản. Masuda đang dành cuộc đời mình để thu thập những thứ không được sử dụng đến trong cuộc chạy đua tìm sự ưu ái của người tiêu dùng. Đó có thể là “Both Phone” của hãng điện tử Iwatsu Electric là hai chiếc điện thoại được gắn phần lưng với nhau với chỉ một tai nghe, cho phép người dùng có thể thực hiện cuộc gọi từ cả hai phía. Hay chiếc quạt điện đôi của Fuji Electric mang tên “Silent Pair” (cặp đôi im lặng): Chắc chắn là một đôi, nhưng không thực sự im lặng như tên gọi của nó. Bộ sưu tập của Masuda dẫn người xem đến một thời kỳ khác với “ba kho báu thiêng liêng” gồm TV, tủ lạnh và máy giặt, biểu tượng cho sự khao khát của các bà nội trợ, cũng như cho một Nhật Bản đang bùng nổ ở thời kỳ đó. Nhưng đối với những người không đủ khả năng để sở hữu một chiếc TV thực sự (sản phẩm nội địa đầu tiên của Nhật Bản có chi phí bằng 3 năm lương của một người đã tốt nghiệp trung học vào giữa những năm 1950) thì một sự lựa chọn tiếp theo đã có sẵn. Đó là “Sharp Cinema Super” - một chiếc đài mang hình dáng một chiếc TV và có giá 10.900 yen – chỉ nhiều hơn một chút so với tháng lương của một công chức trong thời gian đó. “Sự vui sướng vì được xem TV sẽ qua đi một cách nhanh chóng với loại màn hình đứng im này,” Masuda nói và cho biết thêm: “Tôi cá rằng người mua thứ này sẽ bị vợ cằn nhằn.” Bởi đơn giản là “chiếc TV” chỉ bắt được âm thanh từ sóng truyền hình chứ không thu được hình!
Chiếc TV chỉ... phát ra tiếng của Sharp (Nguồn: AFP)
Bếp gas mang hình dáng TV của Panasonic, GSF-1 là một trong những mô hình đắt tiền nhất trong số các lò sưởi gas mà công ty này đã bán trong vòng 20 năm qua. “Liệu có bất kỳ ý nghĩa nào thực sự trong đó? Không, nhưng nó cho thấy mọi người yêu thích TV đến mức nào,” ông cho biết khi cho AFP thấy chiếc bếp, một trong số 2.000 đồ vật mà ông thu lượm được trong vòng 30 năm qua. Những thứ kỳ lạ khác bao gồm máy giặt “vệ tinh” – với một vỏ kim loại tròn trong đó quần áo bẩn được khuấy đảo với nước và chất tẩy rửa. Sản phẩm này ra mắt vào năm 1957, khi công chúng đang phấn khích về vệ tinh Sputnik của Liên Xô, vệ tinh nhân tạo đầu tiên trên thế giới. “Quickly” của Sharp – một chiếc kéo điện và một cái mở nắp chai điện “CK-31A” của Toshiba, đó đều là những sản phẩm thất bại. “Piano” của Hitachi là một chiếc quạt để bàn, mang hình dạng một chiếc piano thu nhỏ và được cho là sẽ phát ra một làn gió nhẹ thoang thoảng hương thơm. Song phát minh đó cũng thật vô ích vì người tiêu dùng đã quay lưng với nó. Một điển hình cho sự thất bại khác chính vì những sáng kiến kỳ quặc là một lò nướng bánh “băng chuyền” của Toshiba, có một khe để nhét bánh mỳ vào, và sau đó “trượt” theo chiều dọc xuống chiếc lò nướng trên một đường ray kim loại. Khi chiếc bánh mỳ nướng trồi ra ở đầu kia, nó gây ra cảm giác như thể đó là một thành tựu lớn. “Nó không bán được. Không cách nào để một sản phẩm có kích cỡ như vậy có thể đặt trong một nhà bếp nhỏ của Nhật Bản và giá của chúng đắt gấp đôi những sản phẩm tương tự trong thời kỳ đó,” Masuda nói.
Chiếc máy Snack 3 vừa nướng bánh, vừa hâm sữa và rán trứng của Toshiba (Nguồn: AFP)
Toshiba cũng tạo ra một thiết bị phục vụ cho bữa sáng khác là “Snack-3,” có thể hâm nóng sữa trong khi nướng một lát bánh mỳ và rán một quả trứng. “Mọi người có lẽ đã muốn có một bữa ăn sáng kiểu phương Tây vào thời điểm đó…,” ông nói. “Nhưng cũng thật bất tiện nếu như phải cùng xoay sở để làm 3 món đó trong cùng một thời điểm.” Đối với Masuda, các sản phẩm có tính viển vông này cho thấy sự dũng cảm cũng như chủ nghĩa lý tưởng của các công ty Nhật Bản trong thời kỳ tăng trưởng cao, được đánh dấu bằng Olympic Tokyo năm 1964 và sự ra đời của tàu cao tốc. “Chúng rất đáng yêu. Bạn có thể thấy việc các công ty đã đổ rất nhiều công sức để làm hài lòng khách hàng. Đôi lúc những nỗ lực này phản tác dụng, nhưng không là gì so với những sản phẩm tiện dụng mà các công ty tạo ra. Nhưng thực sự đấy cũng là những sản phẩm nghiêm túc, được người lớn thực hiện cho người lớn.” Những tượng đài bị xô ngã Ngành điện tử tiêu dùng của Nhật Bản đã phát triển từ thời kỳ dùng thử-và-mắc lỗi cho đến lúc càn quét toàn thế giới vào cuối thế kỷ 20 – với Walkman của Sony có lẽ là hình ảnh thu nhỏ của cái gọi là “Nippon Know-how” (Phương pháp Nhật Bản). Nhưng sau đó tất cả đều sai lầm. Những tượng đài gần như không thể lay chuyển trong những năm 1980 – Panasonic, Sharp và Sony – giờ chỉ còn là cái bóng của bản thân họ trước đây, khi phải cố gắng để theo kịp với các đối thủ của mình tại Hàn Quốc và Đài Loan.
Thời vàng son của ngành công nghệ điện tử tiêu dùng Nhật Bản, tiêu biểu là chiếc Sony Walkman đã qua?
Đối với Masuda, ba công ty này đã mất đi sự nhanh nhạy cũng như cảm giác hưng phấn của mình trước một cuộc phiêu lưu khi họ có được mức lãi quá lớn. “Khi họ trở nên lớn mạnh hơn, họ trở nên tập trung vào ‘tiếp thị,’ ‘kinh doanh có lãi,’ ‘an toàn.’ Họ trở nên chậm chạp trong hoạt động,” ông nói. “Còn trong giai đoạn mà các công ty đó phát minh ra những món đồ kỳ quặc nêu trên, họ rất mạnh mẽ và có tinh thần luôn tiến tới. Họ không sợ thất bại.” Vậy làm sao để họ trở lại thời kỳ như thế? Masuda thừa nhận là câu hỏi này khiến ông bối rối. “Nếu tôi biết được điều này, tôi sẽ trở thành một chủ tịch công ty”./.
S.N (Vietnam+)