Bộ sưu tập Hán Nôm nhân vật lịch sử Thanh Hóa

Bộ sưu tập tài liệu Hán Nôm những nhân vật lịch sử Thanh Hóa có quan hệ với lịch sử ngàn năm Thăng Long-Hà Nội vừa được công bố.
Ngày 23/9, Thư viện tỉnh Thanh Hóa đã công bố Bộ sưu tập tài liệu Hán Nôm những nhân vật lịch sử Thanh Hóa có mối quan hệ với lịch sử ngàn năm Thăng Long-Hà Nội.

Bộ sưu tập này được chia làm 2 tập, sắp xếp theo biên niên sử; trong đó tập 1 bắt đầu từ triều Lý (năm 1010) đến hết giai đoạn Lê sơ (1527); tập 2 thời Lê Trung Hưng. Bạn đọc sẽ được tiếp cận với những tài liệu Hán Nôm có nội dung viết về những nhân vật mà tên tuổi của họ gắn liền với lịch sử của dân tộc và lịch sử ngàn năm Thăng Long-Hà Nội.

Đó là những sắc phong, văn bia viết về Thần Đồng Cổ - một linh thần, linh khí của dân tộc và triều đại nhà Lý trong những năm tháng đầu tiên lập nghiệp trên đất Thăng Long hoặc những danh thần khác như Đào Cam Mộc, Lê Phụng Hiểu, Tô Hiến Thành... và ngày nay tên tuổi của họ đã trở thành tên mỗi con đường, tuyến phố của thủ đô Hà Nội.

Quốc sử dân tộc cũng đã ghi rõ công lao của họ đối với dân tộc và triều đại nhà Lý: "Hưng thịnh quốc gia là Đào Cam Mộc; Yên dân Lê Phụng Hiểu. Mở mang bờ cõi Lý Thường Kiệt..."

Đó còn là những tư liệu Hán Nôm về các bậc vua chúa như Lê Thái Tổ, Lê Thánh Tông...; những danh thần xứ Thanh mà tài năng và đức độ của họ mãi lưu truyền như nhà sử học Lê Văn Hưu, nhà giáo Lương Đắc Bằng, Thái quận công Nguyễn Ngọc Huyền.

Mỗi nhân vật lịch sử nói trên được giới thiệu gồm 3 phần tiểu sử nhân vật, tư liệu Hán Nôm và bản dịch.

Ngoài ra, Thư viện tỉnh Thanh Hóa còn khai trương phòng đọc chuyên đề "Thăng Long-Hà Nội ngàn năm văn hiến" với 500 bản sách, 157 tên sách trong đó có nhiều bộ sách quý hiếm viết về thiên nhiên, con người, truyền thống lịch sử văn hóa, giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể của Thăng Long-Hà Nội; những thành tích, chiến công của quân, dân Hà Nội trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ.

Đồng thời, thư viện cũng giới thiệu bộ sưu tập ảnh tư liệu "Một số nét đẹp xưa về Hà Nội" và 2 bộ phim tài liệu khoa học "Kiến trúc cổ Hà Nội, "Tiếng gọi cội nguồn" nói về kiến trúc Hà Nội xưa và tấm lòng, tình cảm của con cháu dòng họ Lý ở Hàn Quốc dành cho đất nước, cội nguồn và Thăng Long-Hà Nội./.

Hoa Mai (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục