Bộ trưởng Bộ GD-ĐT: “Hai từ khóa rất quan trọng là tiền và con người”

Sáng nay, 14/12, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 29 của Trung ương Đảng về đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục.

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo phát biểu tại Hội nghị. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo phát biểu tại Hội nghị. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Tại Hội nghị tổng kết 10 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 29 do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức sáng nay, 14/12, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho biết sẽ đề xuất kết luận với Bộ Chính trị đề cập ba vấn đề chính là nhận thức, thể chế và nguồn lực; trong đó về nguồn lực thì hai từ khóa rất quan trọng là tiền và con người.

Nghị quyết mở đường cho đổi mới giáo dục

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn khẳng định Nghị quyết 29 năm 2013 của Trung ương Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Nghị quyết mang tính khoa học, thể hiện tầm nhìn xa rộng và những quyết sách mạnh mẽ của Trung ương Đảng. Nghị quyết đã mở đường cho đổi mới giáo dục, thể hiện tầm nhìn của Trung ương Đảng cho sự phát triển bền vững và lâu dài của đất nước. Sau 10 năm triển khai, rất nhiều nội dung quan trọng của Nghị quyết vẫn đang là quyết sách mang tính chiến lược và ngành giáo dục đào tạo có những đổi mới to lớn, những chuyển biến tích cực.

Báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 29, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Văn Phúc ngành giáo dục và đào tạo nước ta đã có những bước phát triển mạnh mẽ và đạt được nhiều thành tựu quan trọng, góp phần to lớn trong việc nâng cao dân trí, phát triển nguồn nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, phát triển đất nước.

Hệ thống giáo dục quốc dân cơ bản được hoàn thiện theo hướng mở, liên thông giữa các cấp học, trình độ và giữa các phương thức giáo dục, đào tạo. Quy mô giáo dục và mạng lưới cơ sở giáo dục phát triển, đáp ứng tốt hơn nhu cầu học tập suốt đời của người dân. Cả nước đã hoàn thành phổ cập giáo dục cho trẻ em 5 tuổi, từng bước nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục tiểu học và trung học cơ sở.

Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành và tổ chức triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông mới, chuyển từ nặng về truyền thụ kiến thức sang phát triển toàn diện phẩm chất, năng lực học sinh. Lần đầu tiên ngành triển khai một chương trình nhiều sách giáo khoa và xã hội hóa trong biên soạn, phát hành sách giáo khoa, bước đầu tạo chuyển biến tích cực, tạo nên sự chủ động, sáng tạo cho giáo viên, học sinh và nhà trường.

c526770c409e92c0cb8f11-9312.jpg
Ngành giáo dục đã có nhiều chuyển biến tích cực sau 10 năm thực hiện Nghị quyết 29. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Chất lượng giáo dục phổ thông, giáo dục mũi nhọn, giáo dục nghề nghiệp có chuyển biến tốt hơn, được thế giới ghi nhận. Đổi mới thi, kiểm tra, đánh giá ngày càng thực chất và hiệu quả hơn, cơ bản khắc phục tình trạng học lệch, học tủ và giảm áp lực, tốn kém cho xã hội.

Đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục cơ bản được chuẩn hóa. Cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học được cải thiện, bước đầu đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục, đào tạo.

Giáo dục vẫn chưa “là quốc sách hàng đầu”

Cũng theo Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc, bên cạnh những kết quả chủ yếu đạt được nêu trên, sau 10 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 29, vẫn còn những tồn tại, hạn chế cần sự chung tay của cả hệ thống chính trị để sớm khắc phục.

Đó là thực trạng số cấp ủy, chính quyền địa phương và người đứng đầu chưa thực sự quan tâm sâu sắc đến nhiệm vụ đổi mới giáo dục và đào tạo nên việc thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW ở một số nơi còn mang tính hình thức, hiệu quả chưa cao; công tác kiểm tra, giám sát thực hiện còn chưa được coi trọng đúng mức.

Việc thể chế hóa Nghị quyết 29-NQ/TW còn chậm, thiếu tính đồng bộ và liên thông giữa các chính sách liên quan với các chính sách mới về giáo dục và đào tạo. Còn thiếu các cơ chế, chính sách ưu tiên cho giáo dục và đào tạo, chưa thể hiện được quan điểm “giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu”.

nth-5033-2821.jpg
Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc trình bày báo cáo 10 năm thực hiện Nghị quyết 29. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Cơ quan quản lý Nhà nước về giáo dục chưa được tham gia nhiều trong việc thẩm định, phân bổ kinh phí và tuyển dụng viên chức, bổ nhiệm viên chức quản lý trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo. Việc thực hiện tự chủ trong các cơ sở giáo dục, đào tạo còn gặp nhiều khó khăn.

Một số mục tiêu chưa đạt được như phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em mẫu giáo 5 tuổi hoàn thành chậm tiến độ 2 năm, chưa hoàn thành được mục tiêu miễn học phí cho trẻ em mẫu giáo 5 tuổi trước năm 2020; chưa hoàn thành mục tiêu thực hiện giáo dục bắt buộc 9 năm từ sau năm 2020. Chất lượng giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học dù đã nâng lên nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu.

Hai yếu tố quan trọng nhất để thực hiện chương trình mới là đội ngũ nhà giáo và cơ sở vật chất đều chưa đảm bảo. Cơ cấu, số lượng đội ngũ giáo viên mầm non, phổ thông còn bất cập, vẫn còn tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ, chất lượng đội ngũ chưa đồng đều giữa các vùng, miền. Lương của nhà giáo chưa được ưu tiên xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp, chưa đáp ứng mục tiêu đặt ra trong Nghị quyết 29-NQ/TW.

Ngân sách nhà nước chi cho giáo dục chưa bảo đảm tối thiểu 20% trong tổng chi ngân sách nhà nước theo yêu cầu của Nghị quyết 29-NQ/TW. Cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học còn thiếu, chưa đáp ứng yêu cầu đổi mới chương trình giáo dục, đào tạo, nhất là trong triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông 2018. Việc đầu tư cho giáo dục đại học còn thấp, chưa có trọng tâm, trọng điểm, hiệu quả chưa cao; chưa thu hút được nhiều nguồn lực ngoài nhà nước đầu tư cho giáo dục.

Hoàn thiện thể chế, tăng cường đầu tư

Tuy còn nhiều hạn chế nhưng theo Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn, rất nhiều nội dung trong Nghị quyết 29 vẫn đang làm, đang triển khai, chưa hoàn tất và ngay cả những việc vừa hoàn thành cũng phải nhiều năm sau mới có thể nhìn thấy hết đầy đủ được giá trị, ảnh hưởng của kết quả đó.

giai-tinh-nguyen2-5683.jpg
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo khẳng định hai yếu tố quan trọng để thực hiện đổi mới là đầu tư nguồn lực tài chính và con người. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Bộ trưởng cho hay Ban cán sự Đảng Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ kiến nghị Bộ Chính trị yêu cầu về việc kiên trì định hướng đổi mới vì phải kiên trì thì những việc làm đã qua mới có thể có tác dụng trong thời gian sắp tới.

Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng sẽ có những đề xuất nhằm tăng cường sự thích ứng với những thách thức mới trong bối cảnh mới như yêu cầu về sự phát triển nhân lực ngành công nghệ cao, khả năng thích ứng liên ngành; mô hình trường học mới, phương pháp giáo dục mới; cạnh tranh giáo dục toàn cầu ở cả bậc phổ thông và đại học; vấn đề ứng xử với hệ giá trị, cả giá trị thực và giá trị ảo…

Theo đó, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cho hay sẽ đề xuất kết luận với Bộ Chính trị đề cập ba vấn đề chính là nhận thức, thể chế và nguồn lực. Các cấp, các ngành cần nhận thức đầy đủ và thấu đáo hơn về Nghị quyết 29 và cần có hành động tương xứng. Vấn đề thể chế cũng cần được hoàn thiện hơn để mở đường cho xã hội hóa và tự chủ trong giáo dục cũng như các đổi mới khác. Vấn đề nguồn lực cho giáo dục bao gồm tài chính, đầu tư cho giáo dục và nguồn lực con người.

“Hai từ khóa rất quan trọng là tiền và con người. Càng ngày chúng ta càng nhận thức sâu sắc và toàn diện vai trò có tính chất quyết định của lực lượng nhà giáo trong công cuộc đổi mới này và chắc chắn chúng ta sẽ phải làm nhiều việc hơn nữa phát triển đội ngũ nhà giáo để hoàn tất các mục tiêu đổi mới giáo dục trong thời gian sắp tới,” Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nói./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục