Tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn về tình hình an ninh trật tự, an toàn xã hội sáng 4/6, một số đại biểu quan tâm tới kết quả cai nghiện ma túy thời gian qua.
Nêu vấn đề số người nghiện ma túy đang có xu hướng tăng, đại biểu Võ Thị Như Hoa (Đà Nẵng) cho rằng nguyên nhân do không còn xử lý hình sự với người nghiện ma túy, đồng thời Đề án cai nghiện ma túy đến năm 2020 của Chính phủ có chủ trương giảm cai nghiện bắt buộc, tăng cai nghiện tự nguyện trong khi hình thức cai nghiện này không hiệu quả vì tỷ lệ tái nghiện cao. Đại biểu chất vấn về giải pháp xử lý vấn đề này.
Đại biểu Huỳnh Thanh Cảnh đề cập tới việc tại Bình Thuận, ngành công an đang tập trung xử lý đối tượng nghiện ma túy, nhưng một số đối tượng chống đối không chịu đi xét nghiệm tình trạng nghiện. Việc này hiện chưa có giải pháp xử lý và hướng khắc phục thế nào?.
Trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội về người nghiện và quản lý người nghiện ma túy, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm nêu rõ Bộ đã xác định từ tội phạm ma túy nảy sinh ra trộm cắp, cướp của, thậm chí giết người, cướp của. Tội phạm ma túy rất nguy hiểm, số người trong trại cải tạo dao động từ 50-60% số người có liên quan đến ma túy.
[Diễn đàn Quốc hội "nóng" vấn đề phòng chống tội phạm xâm hại trẻ em]
Nhấn mạnh đấu tranh với ma túy là vấn đề rất quan trọng, Bộ trưởng Tô Lâm cho biết về pháp luật, Bộ đang đề nghị Quốc hội cho sửa đổi, bổ sung Luật Phòng, chống ma túy, nghiên cứu khôi phục Điều 199 của Bộ luật Hình sự năm 2009 về tội sử dụng trái phép chất ma túy; tăng cường tuyên truyền ở cộng đồng, cơ sở, khu dân cư; công tác quản lý người nghiện ngoài xã hội, trong gia đình, cũng như quản lý tại các cơ sở cai nghiện...
Cùng tham gia trả lời về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung khẳng định hiện nay việc triển khai các đề án về cai nghiện ma túy đã có những tiến bộ nhất định, đặc biệt các cơ sở cai nghiện ma túy thời gian qua được quản lý tốt hơn, nhất là việc tiếp nhận, phân loại đối tượng nghiện, việc cắt cơn, cai nghiện điều trị theo phác đồ cũng như lao động trị liệu, lao động tạo việc làm... tạo ra môi trường thân thiện; đặc biệt là việc hỗ trợ sau cai nghiện.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết hiện có những vấn đề khó khăn trong công tác này. Đó là việc hầu hết các cơ sở cai nghiện đều quá tải, thông thường quá tải gấp 2 lần, đặc biệt có những nơi gấp 4 lần.
Bộ trưởng dẫn số liệu có 43% số người nghiện ma túy có tiền án, tiền sự, đối với các tỉnh phía Nam thì 90% là người sử dụng ma túy đá. Một vấn đề khác là hầu hết các cơ sở cai nghiện đều thiếu phác đồ điều trị vì mỗi loại nghiện ma túy khác nhau đòi hỏi phác đồ điều trị khác nhau, trong khi các cơ sở cai nghiện hầu như rất hạn chế có bác sỹ, số người có chuyên môn sâu về nghề y.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết hiện Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đang phối hợp với Bộ Y tế để giải quyết vấn đề này, tuy nhiên sự phối hợp này chưa tốt.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nêu thực tế một số địa phương có chủ trương trong sạch địa bàn, do đó đưa hết người nghiện ma túy, kể cả người nghiện hay người mới sử dụng ma túy vào cơ sở cai nghiện, không có sự phân loại.
Thẳng thắn đánh giá về hiệu quả cai nghiện thời gian qua, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung khẳng định "công tác cai nghiện hiệu quả thấp, 90% tái nghiện là đúng, thực trạng là vậy."
Thời gian tới, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung khẳng định việc quan trọng nhất đang phấn đấu là giảm cung, giảm cầu và giảm tác hại. Việc rất quan trọng là phải tiến hành quản lý, giáo dục tại gia đình, cộng đồng xã hội chặt chẽ hơn, cố gắng mọi biện pháp không để thanh niên vào con đường nghiện ngập; đồng thời thực hiện đồng bộ 3 loại mô hình cai nghiện tại gia đình, cộng đồng, cai nghiện tổng hợp và cai nghiện bắt buộc. Cai nghiện bắt buộc là con đường cuối cùng nếu như cai nghiện gia đình, cộng đồng không được thì mới cai nghiện bắt buộc, Bộ trưởng nói./.